MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BH Media phản pháo vụ bị nói "nhận vơ" bản quyền Tiến quân ca, có nhầm lẫn và giả danh?

05-11-2021 - 19:39 PM | Thị trường

BH Media phản pháo vụ bị nói "nhận vơ" bản quyền Tiến quân ca, có nhầm lẫn và giả danh?

Phía BH Media đã lên tiếng trước sự việc bị "tố" sử dụng bản quyền trái phép ca khúc "Tiến Quân Ca". Công ty này cũng có động thái mới trên Fanpage vốn đang rất "hot".

Vừa qua, bản tin VTV phản ánh vấn đề BH Media giữ bản quyền sở hữu các ca khúc như Tiến Quân Ca, phần âm thanh trong video Quốc tang hay loạt các sản phẩm âm nhạc khác. Không ít nghệ sĩ cũng đã lên tiếng khá bức xúc về cách làm của BH Media, trong đó có nghệ sĩ Giáng Son - người bị báo lỗi bản quyền ngay chính ca khúc "Giấc mơ trưa" do mình sáng tác.

Sự việc hiện đang khiến dư luận đổ dồn sự quan tâm vào công ty BH Media nhưng không mấy thiện cảm. Nhiều bài đăng gần đây trên Fanpage BHMedia Network bị cộng đồng mạng tràn vào, để lại các bình luận bất lợi, nhiều tương tác thả biểu tượng "phẫn nộ" trong các đoạn video, thay vì yêu thích như trước khi xảy ra lùm xùm về việc "đánh gậy bản quyền".

BH Media phản pháo vụ bị nói nhận vơ bản quyền Tiến quân ca, có nhầm lẫn và giả danh? - Ảnh 1.

Thậm chí, Fanpage này đã phải khóa phần bình luận của các bài viết mới nhất.

Theo chia sẻ của đại diện BH Media, trước thông tin cho rằng BH Media nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca, BH Media khẳng định là không chính xác bởi quyền tác giả của ca khúc vĩnh viễn thuộc về nhạc sĩ Văn Cao. Đơn vị này cũng khẳng định, không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để đảm bảo tính tôn nghiêm cho tác phẩm.

Đại diện của BH nêu quan điểm trên Zing rằng, bất kỳ ai muốn sử dụng tác phẩm, phải thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.

Điều đó đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa.

Nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu.

Bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất và Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube. Đồng nghĩa khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube nếu có kênh đăng tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.

Nếu các kênh tự sản xuất bản ghi Tiến quân ca của riêng mình sẽ không bị YouTube nhận diện bản quyền.

BH Media phản pháo vụ bị nói nhận vơ bản quyền Tiến quân ca, có nhầm lẫn và giả danh? - Ảnh 2.

Đại diện BH Media trong buổi họp báo "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số” hôm 27/10.

BH Media khẳng định việc nói "BH Media nhận sở hữu bản quyền cả ca khúc Tiến quân ca" trên fanpage là chưa hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ.

"Chúng tôi sẽ có công văn gửi tới Đài Truyền hình Việt Nam để làm rõ vụ việc này", BH Media thông tin với Vietnamnet.

Ngoài ra, về vấn đề bị lên án nắm quyền sở hữu đoạn âm thanh trong video Lễ Quốc Tang do VTV1 phát sóng, BH Media cho biết qua hệ thống, đây là video giả danh VTV1, sử dụng bản Tiến Quân Ca của Hồ Gươm Audio mà không xin phép. (Tổng hợp)


Theo Hoàng Linh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên