BHYT: Đề xuất tăng mức đóng của người thứ 2 trong gia đình lên 80% mức đóng của người thứ nhất
Mới đây, dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi (BHYT) đề xuất tăng mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ 2 trở đi. Ngoài ra, dự thảo cũng khuyến khích một số đối tượng tham gia BHYT đóng trước tiền tham gia BHYT tối đa 3 năm.
- 25-03-2022Nhiều tuyến đường được mở rộng sau khi TP. HCM vận hành và thu phí hạ tầng cảng biển
- 25-03-2022Dãy 12 chữ số trên thẻ căn cước công dân gắn chip có ý nghĩa gì?
- 25-03-2022Thế nào là lợi dụng quyền tự do dân chủ?
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đề xuất tăng mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ 2 trở đi. Đồng thời, đề xuất thân nhân của người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên được ngân sách hỗ trợ một phần đóng BHYT
Tại dự thảo Luật BHYT đang được lấy ý kiến đã đề xuất tăng mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ 2 trở đi.
Cụ thể, khoản 3 điều 14 dự thảo Luật BHYT quy định thành viên thuộc hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 5 điều 13 của Luật này được giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ hai khi tham gia BHYT trong năm tài chính.
Trong đó, người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, từ người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất.
Theo quy định hiện hành, tại khoản 3 điều 13 Luật BHYT 2008 (được sửa đổi bởi khoản 7 điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014), tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 điều 12 của Luật này phải tham gia BHYT.
Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, so với hiện hành, đề xuất mới tại dự thảo Luật BHYT tăng mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ 2 trở đi lên 80% mức đóng của người thứ nhất.
Dự thảo này cũng khuyến khích một số đối tượng tham gia BHYT đóng trước tiền tham gia BHYT tối đa 3 năm. Khi mệnh giá thẻ BHYT thay đổi, người đã nộp tiền không phải nộp thêm hoặc nhận lại; không được rút tiền đã đóng bảo hiểm.
Cũng theo đề xuất tại dự thảo này, thân nhân của người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần đóng BHYT. Theo đó, người được hỗ trợ là thân nhân của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
Ngoài ra, thân nhân của người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động); người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật cũng sẽ được hưởng hỗ trợ.
Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 điều 13 dự thảo Luật BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng, và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.