MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn MH370: Ngành công nghiệp hàng không thế giới vẫn chưa làm được điều một chiếc điện thoại bình thường làm dễ dàng

09-02-2018 - 07:30 AM | Tài chính quốc tế

Nghe có vẻ khó tin nhưng ngành công nghiệp hàng không, vốn có trị giá hàng nghìn tỷ USD, vẫn chưa thể định vị chính xác vị trí từng chiếc máy bay dù thế giới từng bàng hoàng trước sự biến mất bí ẩn của MH370 năm 2014.

Ngày nay, mỗi người đều có thể theo dõi chiếc điện thoại thông minh của họ ở mọi lúc, mọi nơi. Dữ liệu về vị trí của chiếc điện thoại được truyền về theo từng giây chứ không phải từng phút. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vận tải hàng đầu thế giới chưa thể làm điều tương tự với những chiếc máy bay dù chúng có giá vài trăm triệu USD và chở trên đó hàng trăm sinh mạng.

Với các tai nạn máy bay, việc tìm ra khu vực máy bay rơi xuống là một trong những thách thức lớn, nhất là khi chúng rơi xuống biển hoặc các khu rừng rậm. Ở thời điểm hiện tại, công nghệ duy nhất người ta dùng để tìm xác máy bay là dựa vào tín hiệu phát ra từ hai hộp đen ghi âm buồng lái và dữ liệu chuyến bay. Chúng được thiết kế để tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào hộp đen cũng phát huy hiệu quả.

Ngày 8/3/2014, chuyến bay số hiệu 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất trên đường di chuyển từ thủ đô Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc cùng hơn 200 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Sau hàng loạt cố gắng, người ta vẫn chưa thể tìm thấy xác chiếc máy bay cũng như vị trí chính xác nó lao xuống dù biết máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương. MH370 vẫn là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.

Hiện tại, quy ước quốc tế yêu cầu những chiếc máy bay mới phải có công nghệ giúp xác định vị trí của nó từng phút. Tuy nhiên, điều khoản này vẫn chưa có hiệu lực tới tháng 1/2021. Điều đó dường như khá vô lý khi một người có thể xác định chính xác vị trí chiếc điện thoại của họ nhưng ngành công nghiệp vận tải 4 tỷ hành khách mỗi năm lại chưa làm được.

Bí ẩn MH370: Ngành công nghiệp hàng không thế giới vẫn chưa làm được điều một chiếc điện thoại bình thường làm dễ dàng - Ảnh 1.

Bên trong khoang lái một chiếc máy bay đang hoạt động.

Trong khi đó, quy định này không được áp dụng cho phi đội 23.500 máy bay chở khách và hàng nghìn chiếc khác sẽ góp mặt trong 3 năm tới, chủ yếu ở châu Á.

"Chẳng ai có thể nói sự cố tương tự MH370 sẽ không xảy ra một lần nữa. Tuy nhiên, tới năm 2040 hay 2050, vẫn còn số lượng lớn máy bay di chuyển trên trời mà không được trang bị hệ thống định vị vị trí", David Stupples, chuyên gia về vô tuyến điện của Đại học London, nhận định.

Hiện tại, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế yêu cầu mỗi máy bay phải báo vị trí 15 phút/lần. Malaysia Airlines là một trong các hãng hàng không đã đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, phạm vi tìm kiếm một máy bay phản lực hoạt động với vận tốc 900 km/h sẽ lên tới 170.000 km2, tương đương với diện tích bang Florida, Mỹ.

Geoffrey Dell, nhà khoa học của Đại học Central Queensland, nhấn mạnh, việc tìm kiếm trong phạm vi đó sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi máy bay rơi xuống biển. Ngay cả khi thoát chết khi máy bay lao xuống, hành khách cũng có thể thiệt mạng khi chờ lực lượng cứu hộ tới nơi. Việc thu thập mảnh vỡ cũng có thể kéo dài trong nhiều năm.

Nếu máy bay báo vị trí theo từng phút, phạm vi tìm kiếm sẽ là 748 km2, nhỏ hơn 227 lần so với việc báo vị trí 15 phút/lần.

Ông Tom Schmutz, Giám đốc điều hành của Flyht Aerospace Solutions Ltd, nhận định: "Ngành công nghiệp hàng không có những bước đi chiến lược để đảm bảo an toàn nhưng những động thái này luôn có chủ đích. Thực tế, chúng luôn đòi hỏi sự thay đổi nhưng nó có thể xung đột với các lợi ích".

Flyht là công ty có trụ sở tại Calgary, Canada, bán các thiết bị giúp theo dõi các chuyến bay từ vệ tinh. Với kích thước của một chiếc cặp, hệ thống báo vị trí tự động của Flyht được bán với giá 60.000 USD. Chúng sẽ liên tục báo vị trí của máy bay 20 giây/lần. Hiện tại, công ty đã bán được khoảng 1.800 sản phẩm cho các máy bay. Tuy nhiên, so với số lượng hàng chục nghìn máy bay đang hoạt động, con số 1.800 là rất nhỏ bé.

Trở lại với câu chuyện của MH370, các chuyên gia đã phải rất nỗ lực để lập bản đồ đường đi của chiếc Boeing 777 khi nó thay đổi đường đi ban đầu trước khi biến mất trên một khu vực hoang vắng giữa Ấn Độ Dương vài tiếng sau đó. Dữ liệu báo về mỗi tiếng một lần thông qua vệ tinh khiến phạm vi tìm kiếm chiếc máy bay vô cùng lớn.

Đến thời điểm hiện tại, người ta mới chỉ tìm thấy vài mảnh vỡ dạt vào bờ biển châu Phi. Chưa thi thể nạn nhân nào trong số 239 hành khách và phi hành đoàn được tìm thấy. Một công ty của Mỹ vẫn đang miệt mài tìm kiếm xác chiếc máy bay sau khi chính phủ Malaysia cam kết trả 70 triệu USD nếu tìm thấy.

Tuy nhiên, cơn ác mộng tương tự MH370 sẽ kéo dài tới 7 năm bởi tối thiểu tới 2021, những quy định về báo vị trí máy bay 1 phút/lần mới được áp dụng. Tuy nhiên, chưa rõ những chiếc máy bay sẽ liên tục báo vị trí về hay chỉ bắt đầu khởi động khi phát hiện máy bay gặp sự cố và phi công có quyền tắt chúng đi hay không.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên