Bí ẩn nhà tù nổi cuối cùng của Mỹ
Neo dọc trên sông Đông, TP New York - Mỹ là một nhà tù nổi 5 tầng từng được xem là giải pháp khi “đảo tra tấn” Rikers quá tải trong những năm 1990.
- 02-11-2023Tên lửa đạn đạo gặp sự cố, Mỹ kích hoạt chế độ tự hủy
- 02-11-2023Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau quyết định của FED
- 01-11-2023Chiếc smartphone đặc biệt của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại, lệnh trừng phạt bộc lộ kẽ hở bất ngờ
- 31-10-2023Giới phân tích: Diễn biến 'khó lường' đang xảy ra trên thị trường tài chính Mỹ sẽ buộc Fed phải kết thúc chiến dịch nâng lãi suất lên mức lịch sử
Kenneth Williams sinh sống suốt ở quận Brooklyn, TP New York nhưng chỉ đến khi bị còng tay dẫn qua một cây cầu hẹp vào một đêm trong năm 2018, ông ta mới biết đến nhà tù nổi cuối cùng của thành phố này.
Ông Williams, 62 tuổi, nhớ lại hình ảnh nước sông Đông đục ngầu dưới chân, mùi nấm mốc và cả cảm giác chìm dần theo nghĩa đen. "Thỉnh thoảng bạn có thể cảm nhận được con tàu va phải bùn. Việc đó như nhắc bạn nhớ nơi này không dành để chứa con người" - ông bộc bạch.
Neo đậu ở vùng nước nông ven khu công nghiệp South Bronx, Trung tâm Cải huấn Vernon C. Bain là một sà lan 5 tầng, có chiều dài bằng 2 sân bóng đá và chứa 800 giường. Cấu trúc của nó tương tự như một tàu chở hàng chất đầy container.
Vernon C. Bain được chính quyền TP New York sử dụng làm nơi giam giữ các tù nhân chờ xét xử. Ảnh: New York Daily News
Bắt đầu được sử dụng vào cuối thập niên 1980, đến năm 1992, nhà tù nổi này cập bến để giúp giảm tải cho đảo Rikers - khu phức hợp nhà tù chính của TP New York dành cho những nghi phạm chờ xét xử. Đến nay, nó là nhà tù nổi cuối cùng còn hoạt động của Mỹ.
Sau 3 thập kỉ hoạt động, Vernon C. Bain cuối cùng cũng sắp đóng cửa. Theo hãng tin AP ngày 31-10, giới chức TP New York cho biết con tàu sẽ hoàn toàn bị bỏ trống vào cuối tuần này.
Phần lớn trong số 500 người còn bị giam trên tàu sẽ được chuyển tới đảo Rikers, tuy sau đó trại giam trên đảo cũng sẽ đóng cửa. Đây là một phần của kế hoạch thay thế hệ thống trại cải huấn vốn gặp nhiều vấn đề của New York bằng mạng lưới những nhà tù nhỏ hơn.
Phát ngôn viên của Sở Cải huấn TP New York, bà Latima Johnson, từ chối cho biết kế hoạch sắp tới đối với Vernon C. Bain. Trước mắt, con tàu vẫn nằm trong sự quản lý của sở này.
Trong những năm gần đây, nhà tù nổi này gây chú ý bởi nhiều người bị tạm giam đã tử vong vì những nguyên nhân bất thường. Tháng 9 năm ngoái, ông Gregory Acevedo, 44 tuổi, nhảy từ nóc tàu tự tử. Tháng 7-2021, Stephan Khadu, 24 tuổi, chết vì mắc một loại viêm màng não vốn có thể điều trị được.
Gia đình Khadu cho hay anh này thường xuyên than phiền về việc thức ăn trong tù có nấm mốc và hay bị gặm cắn. Khadu đã chờ xét xử gần 2 năm kể từ khi bị tạm giam vào năm 2020.
Sân bóng trên tầng cao nhất và những ô cửa sổ của nhà tù nổi. Ảnh: jag9889
Tàu được sơn màu xanh và trắng, lớp sơn đã phai nhiều. Những người từng bị giam ở đây cho hay mỗi khi trời mưa, nước rò rỉ qua thành tàu, đôi khi làm chập điện.
Vách tàu phía trong đã rỉ sét nặng. Khu vực giam nóng ngột ngạt vào mùa hè với những chiếc lồng giam chỉ cách nhau vài chục cm.
"Nếu bạn quay mặt sang người nằm ở giường bên cạnh, đầu gối hai người sẽ chạm vào nhau. Nếu người ta ngáy, bạn còn ngửi được cả mùi hôi miệng của họ" - ông Williams kể lại. Ông bị giam ở đây vài tháng, sau đó được thả.
Ngoại trừ sân bóng rổ ở tầng trên cùng của tàu (được bao phủ bằng lồng), ánh sáng tự nhiên duy nhất mà người bị tạm giam ở đây nhận được là qua những ô cửa sổ nhỏ tí.
Nhà tù nổi nằm ở khu vực khuất mắt người dân và khách du lịch. Ảnh: The Penultimate Mile
Việc sử dụng nhà tù nổi ở Mỹ đã gây tranh cãi bấy lâu nay, bắt nguồn từ những ngày đầu của của cuộc cách mạng Mỹ, khi hàng ngàn người Mỹ bị chết trên các con tàu Anh đậu ở cảng New York.
Từ lâu, nhà tù nổi Vernon C. Bain bị xem là một "di tích tàn bạo" cho việc giam giữ hàng loạt, đồng thời là biểu tượng của sự thất bại của nhà chức trách New York trong việc cải tạo những nhà tù nguy hiểm nằm ở ngoại vi thành phố.
Hoạt động cùng thời với Vernon C. Bain tại New York còn có 4 nhà tù nổi khác.
NLĐ