MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn những gia tộc quyền lực đang thâu tóm kinh tế châu Á

27-12-2020 - 23:51 PM | Tài chính quốc tế

Bí ẩn những gia tộc quyền lực đang thâu tóm kinh tế châu Á

Một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế châu Á trong vài thập kỷ qua chính là sự phát triển của các tập đoàn gia đình trị.

Khoảng 25km về phía Tây nhộn nhịp và đông đúc của trung tâm thủ đô Jakarta, người ta sẽ nhìn thấy ngôi làng Lippo – nơi khác hoàn toàn với phần còn lại của Indonesia.

Làng Lippo được thiết kế tổng thể bởi kiến trúc sư người Scotland Gordon Benton với những ngôi nhà theo phong cách phương Tây nằm thẳng hàng, sân golf, trung tâm mua sắm, bệnh viện, văn phòng và rất nhiều hạ tầng hiện đại khác. Đặc biệt, có tới 154.751 cây xanh được trồng ở đây, đường giao thông dài 120km, hệ thống thoát nước kéo dài 250km và một nhà máy xử lý chất thải riêng cho ngôi làng.

Một điều mà ít ai ngờ tới là chỉ khoảng 2 thập kỷ trước, đây vẫn là vùng đất cằn cỗi và hoang vu. Và người mang đến sự thay đổi cho vùng đất này là Lippo Karawaci – một nhà phát triển bất động sản thuộc gia tộc Lippo nổi tiếng ở Indonesia. Công ty của ông Karawaci đã mua 1.200 ha đất ở đây và mở rộng nó lên thành 3.000 ha.

Lippo Group là một ví dụ điển hình cho các tập đoàn gia trình trị ở châu Á đã dùng tiền và sức ảnh hưởng của mình để đầu tư vào những nơi từng bị xem là rủi ro và gánh nặng.

Được thành lập bởi Mochtar Riady, ban đầu tập đoàn Lippo hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phụ tùng xe đạp, sau đó lấn sang lĩnh vực ngân hàng với việc thành lập Lippo Bank. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã khiến cho hoạt động của Lippo Bank gặp khó khăn. Ngay lập tức, Mochtar đã nhìn thấy cơ hội từ khủng hoảng và chuyển hoạt động sang lĩnh vực bất động sản cho đến ngày nay. 

Tại Ấn Độ, Reliance Industries – một đế chế hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, hóa dầu, dệt may, tài nguyên thiên nhiên và bán lẻ thuộc gia tộc Mukesh do tỷ phú Mukesh Ambani đứng đầu, cũng đang tiếp tục chứng tỏ sức mạnh tài chính khi lấn sang thị trường dữ liệu điện thoại di động.

Tỷ phú Mukesh Ambani từng khiến giới đưa tin xôn xao khi tuyên bố cung cấp tính năng sử dụng mạng 4G miễn phí cho 80% người dân Ấn Độ. Đây là dịch vụ mới Reliance Jio mà tỷ phú giàu nhất nước này cung cấp, trị giá mạng lưới này được ước tính khoảng 20 tỷ USD. Trước đó, ông Ambani từng hứa sẽ cung ứng dịch vụ giá cực thấp với tốc độ download có khả năng truyền tải trực tiếp video cho người dân. 

Theo hãng xếp hạng tín dụng Fitch Rating, doanh thu từ hoạt động hóa dầu và lọc dầu của Reliance Industries đủ lớn để tập đoàn này duy trì hoạt động viễn thông miễn phí trong một thời gian. Sau đó, tận dụng lợi thế và tiềm năng tăng trưởng của thị trường viễn thông Ấn Độ, với cơ sở hạ tầng mạnh và giá cả phải chăng, dịch vụ dữ liệu 4G được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Reliance Industries.

Gần đây nhất, Reliance khiến thế giới ngỡ ngàng với kế hoạch thành lập một công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật số trị giá 24 tỷ USD để trở thành phương tiện chính trong tham vọng thống trị không gian mua sắm trên internet ở nước này của ông, trực tiếp đối đầu với những ông lớn thế giới như Walmat và Amazon.

Tại Trung Quốc, sức mạnh của các tập đoàn gia đình trị còn được thể hiện thông qua việc đưa đất nước này ra khỏi lạc hậu về kinh tế. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình – lãnh đạo tối cao của Trung Quốc lúc bấy giờ đã kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tạo ra một cuộc cách mạng trong cải cách và mở cửa nền kinh tế. Nắm bắt cơ hội này, rất nhiều tập đoàn gia đình trị của nước ngoài đã "nhảy vào" thị trường Trung Quốc.

Tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont - ông chủ của CP Group, tập đoàn đa ngành hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, phân phối bán lẻ và viễn thông, là người đầu tiên có kế hoạch đầu tư vào tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc. "Khi tôi đến đó, nơi này ảm đảm và không có gì, nhưng tôi đã nhìn thấy cơ hội để phát triển một cái gì đó từ chính mảnh đất khô cằn này" – tỷ phú Thái Lan chia sẻ.

Và chỉ đến cuối những năm 1979, khi ông quay lại, Quảng Châu đã trở thành một nơi "không thể nhận ra". CP cũng là tập đoàn đầu tiên đã mở một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc – nơi cha Dhanin Chearavanont sinh ra và là nơi ông học tiểu học.

Chia Tai Group, hay còn được biết đến với cái tên CP ở Trung Quốc, đã trở thành một tập đoàn lớn mạnh như chính công ty mẹ khi đầu tư tổng cộng 110 tỷ Nhân Dân tệ (tương đương 15,9 tỷ USD) với doanh thu năm 2015 đạt 100 tỷ Nhân Dân tệ.

Robert Kuok Hock Nien, một nhà tài phiệt người Malaysia gốc Hoa cũng đi đầu trong chiến dịch đầu tư vào Trung Quốc. Xuất thân từ ngành mía đường, năm 1985, Tập đoàn Kuok Group do gia tộc Kuok đứng đằng sau đã mở rộng chỗ đứng của mình trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc khi xây dựng một trung tâm thương mại lớn nhất thế giới ở Bắc Kinh. Đến nay, hơn 60 khách sạn của gia tộc này đã hoạt động tại Trung Quốc và hơn một nửa hoạt động trên toàn cầu.

Trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất lớn Hồng Kong cũng chuyển địa điểm hoạt động về Trung Quốc, đặc biệt là các vùng lân cận tỉnh Quảng Châu, CLP Holdings – một công ty điện lực do gia tộc Kadoorie đứng sau, đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư vào vùng này. Năm 1985, bắt tay với công ty đầu tư hạt nhân Quảng Đông, CLP đã xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cung cấp điện cho cả 2 thành phố Quảng Đông và Thượng Hải.

Ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính ở Hồng Kong và Thượng Hải, gia tộc Kadoorie còn đứng sau hệ thống khách sạn Peninsula Hotel và Peak Tram tại Hồng Kong. Không những thế, Kadoorie còn sở hữu hệ thống khách sạn hạng sang ở Trung Quốc bao gồm Astor House Hotel ở Thượng Hải, hay Jianguo Hotel ở Bắc Kinh.

Song song với việc mở rộng hoạt động kinh doanh, các công ty gia đình trị ở châu Á cũng được nhận định là có tiềm năng đầu tư tốt hơn. Chẳng hạn như tập đoàn điện tử Samsung của tỷ phú Lee Kun-hee hay tập đoàn bất động sản Cheung Kong của tỷ phú Li Ka-shing. 

"Các công ty gia đình thường hoạt động tốt hơn so với công ty nhà nước hoặc tập đoàn tự thân. Sức mạnh của họ đến từ những khả năng vô hình như mối quan hệ, sự tin tưởng, mạng lưới quen biết và các giá trị mà không thể mua hoặc bán trên thị trường" - Joseph P.H. Fan, Giáo sư chuyên nghiên cứu về hoạt động của các công ty gia đình trị tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kong cho biết.

Tại Hàn Quốc, trong suốt thời kỳ trị vì của Tổng thống Park Chung-hee, các chaebol đã tích cực phát triển và lớn mạnh, trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, tạo nên "sự kì diệu bên bờ sông Hàn" từ cuối những năm 1960.

Tuy nhiên, điểm yếu của các công ty gia đình trị chính là trao quyền và kế vị. Những xung đột quyền lực trong việc lựa chọn người kế vị đã ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của các công ty và phản ánh trực tiếp vào giá cổ phiếu.

Tại Hàn Quốc, vụ bê bối "Choigate" mới đây đã hé lộ quan hệ thông đồng giữa các chính trị gia và các tập đoàn gia đình trị. Nhiều chính trị gia đứng đằng sau các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, thường gọi là chaebol để lập quỹ cho riêng họ, đồng thời tạo thuận lợi trong việc kinh doanh cho công ty.

Tập đoàn Samsung của gia tộc Lee bị cáo buộc đã mua chuộc bà Choi Soon-sil – thân tín lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye gây nên một trong những vụ bê bối lớn nhất trong chính trường Hàn Quốc. Hiện các công tố viên nước này đang tiến hành điều tra và lục soát văn phòng Samsung.

Bên cạnh Hàn Quốc, Hồng Kong cũng là nơi mà mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và các tập đoàn gia đình luôn bị đặt dấu hỏi.

Tuy nhiên, dù tốt hay xấu, có một thực tế không thể phủ nhận là các tập đoàn gia đình trị phát triển rất tốt và trở thành "xương sống" của nền kinh tế châu Á.

Trong một khu vực mà phần lớn công ty nhà nước chi phối nền kinh tế, các tập đoàn gia đình trị thường sử dụng sức mạnh của đồng tiền, quan hệ và khả năng lãnh đạo để củng cố vị trí của gia tộc mình. Rất nhiều tập đoàn liên kết với các công ty nước ngoài để làm chủ thị trường.

Theo nghiên cứu của một ngân hàng đầu tư, xét về giá trị cổ phiếu thì các doanh nghiệp do gia tộc lớn nắm giữ có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn cổ phiếu blue-chips thông thường.

Tuy nhiên cũng có một vấn đề các nhà đầu tư cần lưu ý là các công ty gia đình thường truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và rất dễ xảy ra mâu thuẫn hoặc xung đột quyền lực khi chọn người kế vị. Bên cạnh đó, do quan hệ mật thiết với chính phủ nên họ thường bị cáo buộc thông đồng với quan chức chính phủ.

Hà My

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên