Bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế: Có oan?
Tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là vết đen đối với doanh nhân, doanh nghiệp, trong khi bảo đảm nguồn thu ngân sách là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thuế
Trong vòng 1 tháng qua, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP HCM đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp (DN) do nợ thuế.
Không phân biệt mức tiền nợ thuế
Điển hình, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV vừa gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Huy Bình, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng. Lý do: công ty ông Bình chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977,2 triệu đồng tiền thuế.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV cũng thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Giám đốc, đại diện pháp luật chi nhánh Công ty TNHH công nghệ thực phẩm An Thái. Công ty ông Huỳnh nợ gần 290 triệu đồng tiền thuế. Cũng với việc bị cưỡng chế hơn 10,2 triệu đồng tiền thuế, ông Trần Tô Quyền, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu bị tạm hoãn xuất cảnh.
Mới đây, Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông báo về việc đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các DN nợ thuế.
Trước đó, tháng 10-2023, Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè trực thuộc Cục Thuế TP HCM cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấm xuất cảnh đối 11 cá nhân là đại diện pháp luật của 11 DN nợ thuế.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, pháp luật cho phép ngành thuế gửi thông báo đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh tạm hoãn xuất cảnh đối với người vi phạm về thuế. "Sau khi các cá nhân này nộp thuế đầy đủ, cơ quan thuế sẽ thông báo cho Cục Quản lý Xuất nhập cảnh biết để tháo gỡ việc tạm hoãn xuất cảnh" - ông Dũng nói thêm.
Có thể chọn cách khác
Trong các trường hợp người đại diện DN nợ thuế bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh có đơn vị nợ vài chục tỉ đồng nhưng cũng có DN nợ chỉ vài trăm ngàn đồng. Như trường hợp giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Gia Thăng bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do DN này nợ thuế hơn 997.000 đồng, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp.
Theo các DN, mục đích cuối cùng của các biện pháp chế tài đối với DN nợ thuế là làm sao thu được số tiền nợ đó về cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, biện pháp cưỡng chế tài khoản DN phải là ưu tiên hàng đầu.
Giám đốc một DN ở quận 7 cho biết năm 2023, ông từng nhận thông báo của Chi cục Thuế quận 7 về việc DN nợ thuế GTGT khoảng 10 triệu đồng. Cơ quan thuế yêu cầu trong vòng 5 ngày kể từ khi phát hành thông báo, DN phải nộp thuế, nếu không sẽ tiến hành biện pháp chế tài, trong đó có đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. "Kế toán công ty làm báo cáo thuế đầy đủ nhưng quên nộp thuế, đến khi nhận thông báo thì lập tức nộp thuế và nộp phạt.
"Chúng tôi không cố tình mà do sơ suất của bộ phận chuyên môn và lập tức sửa sai sau khi nhận thông báo của cơ quan thuế. Tuy nhiên, qua vụ việc, tôi nhận thấy cơ quan thuế có thể chọn cách khác để đòi được nợ thuế và hỗ trợ DN hiệu quả hơn. Chẳng hạn, thay vì thời gian thông báo đến ra quyết định chỉ trong 5 ngày là quá nhanh, nên cho DN 30 ngày để kiểm tra, thực hiện. Thời gian 30 ngày này cũng đủ cho những DN đang khó khăn về tài chính có thể xoay xở, nộp thuế" - ông nói.
Doanh nhân này nói thêm trường hợp DN do sơ suất mà bị tạm hoãn xuất cảnh, phải mất nhiều thời gian, thủ tục để tháo quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quan trọng hơn, quyết định tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một vết đen trong hồ sơ của doanh nhân, DN.
Có nhiều biện pháp cưỡng chế thuế
Một thanh tra viên Cục Thuế TP HCM cho biết để dẫn đến việc người đại diện pháp luật của DN bị tạm hoãn xuất cảnh do DN nợ thuế là một quá trình kéo dài trong nhiều tháng. Bởi lẽ, ngoài các đơn vị cố tình chây ì, có rất nhiều DN kinh doanh gặp khó khăn mới rơi vào tình trạng nợ thuế. Lúc đó, cơ quan thuế luôn thông báo và làm việc với DN, lắng nghe họ đề xuất phương án, cam kết trong một thời gian nhất định sẽ nộp thuế. Sau đó, nếu DN không thực hiện đúng cam kết thì cơ quan thuế mới tiến hành cưỡng chế thuế.
Các biện pháp cưỡng chế đầu tiên là phong tỏa tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng… Khi đó, nếu DN vẫn không nộp thuế thì buộc cơ quan thuế phải áp dụng nhiều biện pháp khác, trong đó có việc đề nghị cấm xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật. Cơ quan thuế là đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chủ DN bị cấm xuất cảnh.
Đề cập việc DN chỉ nợ thuế vài triệu đồng cũng bị cấm xuất cảnh, thanh tra viên nói trên cho hay một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thuế là tập trung thu hồi nợ thuế, bảo đảm nguồn thu nhà nước. Do đó cơ quan thuế phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để DN có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách. Nếu không cấp trên sẽ đặt câu hỏi pháp luật đã quy định, tại sao cơ quan thuế không thực hiện?
"Còn việc linh hoạt cấm xuất cảnh đối với DN nợ thuế, tôi nghĩ phải có chính sách của Nhà nước và sự điều chỉnh pháp luật về thuế" - thanh tra viên Cục Thuế TP HCM nói.
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH (Học viện Tài chính):
Pháp luật là phải nghiêm minh
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh. Như vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, dù có nợ số tiền lớn hay nhỏ, đều bị tạm hoãn xuất cảnh.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến tính nghiêm minh của pháp luật và tính tuân thủ, chấp hành pháp luật của người nộp thuế, nên không thể đưa ra lý do "nợ thuế số tiền nhỏ" được. Đã là quy định pháp luật thì dù nợ thuế vài ngăm tràn đồng hay hàng tỉ, đều phải áp dụng các quy định như nhau.
Hiện nay, việc quản lý thuế ngày càng hiện đại, việc tra cứu thông tin, dữ liệu nộp thuế rất đơn giản, thuận tiện cho người nộp thuế, nên để nắm được thông tin còn nợ thuế hay không là điều không khó. Do đó, việc nhiều người đưa ra lý do "nợ số thuế rất ít" do không nắm được thông tin là chưa hợp lý.
LS NGUYỄN ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật Kinh Luân:
Nên quy định ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh
Năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức sản xuất kinh doanh từ 1 tỉ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đến nay quy định này chưa được áp dụng.
Trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phục hồi kinh tế, cần thiết xem xét thực hiện đề xuất này. Nếu ngưỡng 1 tỉ đồng trở lên là quá lớn, có thể cân nhắc mức nợ thuế nào sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Với những khoản nợ thuế giá trị thấp, có thể xem xét yếu tố cố tình hay vô tình của DN để ra quyết định chế tài phù hợp. Chẳng hạn, DN nợ thuế ít nhưng thường xuyên nợ thuế, cũng xem như cố tình vi phạm, hành vi lặp lại nhiều lần thì xứng đáng bị chế tài nặng.
Ông NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, nguyên chủ nhiệm CLB Đại lý thuế, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP HCM (trực thuộc HUBA):
Thay đổi cách làm, tránh tổn thất cho doanh nghiệp
Từng có trường hợp doanh nhân thuộc Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) bị hoãn xuất cảnh vì DN do doanh nhân đó đứng tên đại diện pháp lý nợ thuế. Lý do DN chuyển trụ sở, quên đóng thuế và không nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc nợ thuế, đến khi giám đốc DN làm thủ tục xuất cảnh mới tá hỏa là không đi được vì DN còn nợ thuế. Trong những trường hợp này, DN không chỉ mất tiền vé máy bay, các chi phí đặt chỗ ở nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch làm việc, gặp gỡ đối tác...
Luật và quy định của luật phải trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho DN. Cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan thuế, khi áp dụng luật nên cân nhắc để không gây khó khăn, tổn thất cho DN. Những quy định không phù hợp phải được điều chỉnh. Nên chăng trước khi áp dụng biện pháp chế tài là tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cần bảo đảm đã gửi thông báo đến DN và DN đã nhận được hoặc đã có đại diện DN đến làm việc với cơ quan thuế về nội dung nợ thuế.
Thanh Nhân - Minh Chiến ghi
Người lao động