MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị cắt margin, "game" cổ phiếu bị vỡ, nhà sản xuất sợi cotton FTM "đo sàn" 14 phiên liên tiếp

So với mức giá ~24.000 đồng hồi đầu tháng 8, cổ phiếu FTM đã mất hơn 63% giá trị. Hay nói cách khác, tài khoản của các cổ đông FTM đã bốc hơi 750 tỷ đồng chỉ trong 3 tuần giao dịch.

Chốt phiên giao dịch 4/9/2019, vẫn không có "phép màu" nào xảy ra cho cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Cổ phiếu FTM tiếp tục chốt phiên ở mức giá sàn 8.750 đồng/cổ phiếu nâng số phiên "đo sàn" lên 14 phiên liên tiếp.

So với mức giá ~24.000 đồng hồi đầu tháng 8, cổ phiếu FTM đã mất hơn 63% giá trị. Hay nói cách khác, tài khoản của các cổ đông FTM đã bốc hơi 750 tỷ đồng chỉ trong 3 tuần giao dịch.

Thảm cảnh chất lệnh bán sàn không ai mua

Trước ngày cổ phiếu FTM bị chất lệnh bán sàn hàng triệu cổ phiếu thì cổ phiếu FTM đã có 3 phiên giảm liên tiếp. Lúc này, cổ phiếu FTM vẫn chưa có nhiều biểu hiện cho thấy một cơn bão ngầm đang "đổ bộ". Đến phiên 15/8, phiên sáng trôi qua với áp lực bán bắt đầu đè nặng lên cổ phiếu nhưng vì cổ phiếu đã giảm khá nhiều sau 3 phiên liên tiếp giảm nên lực mua đã chống đỡ cổ phiếu FTM giữ được sắc đỏ. Đầu giờ chiều, lực bán sàn bắt đầu tung ra lượng lớn và FTM bắt đầu chuỗi ngày đo sàn.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, số lệnh bán của phiên đầu tiên giảm sàn chỉ 39 lệnh với khối lượng trung bình một lệnh bán chỉ 26.000 cổ phiếu. Số lệnh mua đối ứng là 36 lệnh với khối lượng đặt mua bình quân là 25.778 cổ phiếu/lệnh.

Phiên giảm sàn thứ hai (ngày 16/8), số lệnh bán lên đến 46 lệnh với khối lượng bình quân mỗi lệnh chỉ 17.653 cổ phiếu/lệnh. Tuy vậy, lệnh mua không đáng kể nên FTM tiếp tục đo sàn.

Phiên giảm sàn thứ ba (ngày 19/8), số lệnh bán và khối lượng bình quân tăng lên nhưng cũng như 2 phiên trước, không có lệnh mua hấp thụ nên cổ phiếu đo sàn.

Nhìn lại 3 phiên đầu tiên cổ phiếu FTM giảm sàn có thể thấy, lệnh bán "khủng" chưa hề xuất hiện ở cổ phiếu FTM. 

Đến phiên thứ 4 trở về sau, điểm chung có thể nhận thấy là những lệnh bán vài trăm nghìn, triệu cổ phiếu đã xuất hiện. Trong khi đó, số lệnh mua rất ít với khối lượng nhỏ giọt. Cong vênh hàng chục triệu cổ phiếu giữ khối lượng đặt bán sàn và số lượng mua khiến cổ phiếu FTM càng lúc càng rơi vào khủng hoảng. Các phiên giao dịch từ ngày 21/8 đến nay, không phiên nào lượng cổ phiếu chất bán sàn dưới 10 triệu cổ phiếu. Có phiên lên đến 30 triệu cổ phiếu.

Đem hơn nửa công ty ra chất bán sàn

Phiên 3/9 cho thấy, tổng khối lượng đặt bán sàn lên đến hơn 30 triệu cổ phiếu. Nếu so với con số tổng cộng chỉ có 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành thì cổ đông đã mang 60% cổ phần công ty ra chất lệnh bán sàn. 

Bị cắt margin, game cổ phiếu bị vỡ, nhà sản xuất sợi cotton FTM đo sàn 14 phiên liên tiếp - Ảnh 1.

Cổ phiếu FTM chỉ còn 1/3 giá trị sau 3 tuần giao dịch

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, FTM hiện có 9 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần công ty. Chúng tôi cũng phải nói thêm rằng, đến khoảng đầu năm 2018 thì FTM chỉ có 2 cổ đông lớn là bố con ông Lê Mạnh Thường, Lê Thuỳ Anh với tổng tỷ lệ sở hữu 31,73% nhưng sang cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thêm các cổ đông lớn khác như Lê Quốc Quân, Nguyễn Chí Cường, Lê Văn Đỉnh, Lê Quốc Dân, Phạm Đình Giá, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Ngọc Huyền. 

Sự xuất hiện ồ ạt của các cổ đông lớn giai đoạn cuối năm 2018 đầu năm 2019 đã kéo theo việc 9 cổ đông lớn nắm đến hơn 90% vốn điều lệ của FTM trong đó 2 bố con ông Lê Mạnh Thường là cựu chủ tịch HĐQT (ông Thường từ nhiệm vị trí từ 16/4/2019) của FTM nắm giữ gần 32%. 

Con số 50-60% cổ phần công ty bị chất lệnh bán sàn cho thấy, các cổ đông lớn cũng đã phải bán cổ phần công ty nhưng, những ngày gần đây không có bản tin đăng ký bán cổ phiếu nào.

Kinh doanh thua lỗ, ngành sợi gặp khó hay "game" cổ phiếu bị sập?

Quay trở lại với tình hình kinh doanh của FTM, sản lượng xuất khẩu của FTM 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2.816 tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018. 

Không chỉ sản lượng xuất khẩu giảm, trong quý 2/2019 thị trường còn ghi nhận sự sụt giảm mạnh giá bán sợi. Nếu như cùng kỳ năm 2018, đơn giá bán/1kg sợi ổn định và luôn duy trì ở mức 3,02 USD-3.2 USD thì quý 2/2019 đơn giá bán biến động bất thường và có chiều hướng đi xuống, giá bán ghi nhận cao nhất là 2,85 USD và giảm dần xuống 2,58 USD.

FTM cũng lý giải, chi phí nguyên liệu chính không giảm tương ứng với việc giảm giá bán dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh. Giá bông tồn kho cũng như các đơn hàng đã đặt có đơn giá cao trung bình từ 1,96 USD làm cho chi phí giá vốn của công ty không giảm mạnh được. Dù cho ban lãnh đạo công ty đã áp dụng các biện pháp để tiết kiệm chi phí cũng như giá bông cuối quý giảm xuống 1,76 USD thì công ty cũng chỉ có thể đảm bảo mức lợi nhuận gộp dương để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Lý giải cho thảm cảnh kinh doanh thua lỗ 16,6 tỷ quý 2 nâng mức lỗ 6 tháng đầu năm lên hơn 31 tỷ, FTM cũng cho biết những biến động thất thường kể trên là do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc tới nền kinh tế thế giới nói chung và ngành nghề kinh doanh của công ty nói riêng. Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của FTM và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại làm cho sản lượng tiêu thu và giá bán của công ty giảm mạnh dẫn đến doanh thu sụt giảm và thua lỗ.

Những lý giải trên đều cho thấy, hoạt động kinh doanh của FTM gặp khó giai đoạn quý 2/2019 vừa qua. Nhưng, nếu chỉ vì một quý kinh doanh thua lỗ hay vì thị trường xuất khẩu trọng yếu bị ảnh hưởng bởi tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mà cổ phiếu bị bán sập sàn thì có lẽ là khá...vô lý. Lật lại những thông tin gần đây của FTM, nhiều người cho rằng, việc cổ phiếu đo sàn còn do nguyên nhân "game" cổ phiếu bị sập. Cụ thể:

-Hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự từ cuối năm 2018 đến nay

+Bà Phạm Thị Hà thôi làm kế toán trưởng, thay thế bởi ông Hoàng Khắc Huy từ 1/7/2018.

+Ông Nguyễn Duy Chiến thôi làm Phó TGĐ từ 3/1/2019.

+Ông Đỗ Văn Sinh lên làm tổng giám đốc từ 1/4/2019 thay bà Nguyễn Thị Mai

+Ông Vũ Hồng Thái, bà Nguyễn Thị Lưu từ nhiệm TV.BKS từ 16.4.2019

+Ông Nguyễn Hoàng Giang làm CT.HĐQT từ 16.4.2019 thay ông Lê Mạnh Thường.

-Cổ đông lớn đồng loạt xuất hiện mới

Nếu như trước đây, FTM chỉ có 2 cổ đông lớn là bố con ông Lê Mạnh Thường thì thời gian từ cuối năm 2018 đến nay đã xuất hiện thêm 7 cổ đông lớn mới song song với việc nhân sự thay đổi hàng loạt. 9 cổ đông lớn khiến cơ cấu cổ đông của FTM trở nên khá cô đặc khi cổ đông nhỏ lẻ chỉ còn nắm giữ khoảng 10% vốn điều lệ của FTM.

-Cổ phiếu FTM mới rơi vào trạng thái không được phép giao dịch ký quỹ từ 16/8/2019

Lý do lớn nhất khiến cổ phiếu FTM rơi vào tình cảnh hiện tại, theo một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, là do bị cắt margin. Trước khi báo cáo tài chính soát xét bán niên được công bố, cổ phiếu FTM vẫn nằm trong danh sách các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ. 

Ngày 16/8/2019, HoSE thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quý do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng năm 2019 là số âm. Song hành cùng quyết định này, chắc chắn các công ty chứng khoán đã cắt margin cổ phiếu FTM khiến tình trạng cổ phiếu FTM bị chất lệnh bán sàn. Điều này song hành với việc các cổ đông lớn mua vào hồi đầu năm cho thấy, lượng cổ đông lớn mới nổi đã dùng tiền margin mua cổ phiếu FTM giai đoạn đầu năm và bây giờ cổ phiếu rơi vào trạng thái ngoài tầm kiểm soát, bị các công ty chứng khoán bán ra ồ ạt mà không có thông tin đăng ký bán nào của các cổ đông lớn theo luật định. 

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên