MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị “chê” dự báo lung tung, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói gì?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định: "Chúng tôi không làm dự báo kế hoạch. Chúng tôi chỉ làm dự báo để có các kịch bản giúp Chính phủ có giải pháp điều hành kinh tế".

Tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hôm 26/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng dự báo GDP của Bộ Kế hoạch và đầu tư rất “lung tung”.

Liệt kê các trường hợp dự báo GDP của năm 2014 và năm 2015 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lãnh đạo Bộ Tài chính tỏ ra bức xúc: 2 năm liền Tổng cục Thống kê thất bại trong việc dự báo này.

Năm 2014 cuối năm vẫn dự báo giá trị GDP đạt 4,1 triệu tỷ đồng nhưng sau chỉ được 3,8-3,9 triệu tỷ đồng. Còn năm 2015 dự báo 4,4-4,5 triệu tỷ, sau cũng chỉ được 4,1 triệu tỷ đồng.

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc dự báo GDP không chính xác là “rất nguy hiểm”, “Cái này vô cùng quan trọng đến an ninh an toàn tài chính quốc gia và các chỉ tiêu vĩ mô”, ông Dũng nói.

Liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng Tài chính về công tác dự báo GDP, tại cuộc họp báo sáng 29/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm giải thích: Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính đề cập đến dự báo GDP để xây dựng kế hoạch, xây dựng các chỉ tiêu thu chi, bội chi ngân sách.

“Những tính toán này được xây dựng dựa vào mục tiêu tăng trưởng GDP và mục tiêu lạm phát được Quốc hội phê duyệt. Trên cơ sở đó Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính sẽ tính ra số tuyệt đối GDP là bao nhiêu để tính toán các khoản khác như bội chi ngân sách, huy động vốn...

Ví dụ như năm 2017, tổng mức đầu tư sẽ chiếm bao nhiêu GDP chạ hạn. Đầu năm, chúng tôi sẽ ngồi tính toán các con số này với Bộ Tài chính”, ông Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định: Tổng cục Thống kê không làm dự báo kế hoạch. “Chúng tôi chỉ xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế xã hội để Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp làm thế nào để đạt được mục tiêu và có đạt được hay không thì dựa vào con số thực tế đạt được”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm giải thích thêm: Chúng ta quay trở lại năm 2014, lúc đó GDP kế hoạch đặt ra 5,8%. CPI đặt ra là tăng dưới 7%. Thực tế GDP 2014 đạt 5,98%. Lạm phát 2014 chỉ là 1,84%. Như vậy, GDP tăng hơn 0,18 trong khi giá tăng thấp. Giảm mấy phần trăm về giá như vậy quy mô GDP sẽ khác.

“Như vậy số chênh lệch là đương nhiên. Và chúng tôi mừng ví nó lệch vì chúng tôi đang phản ánh đúng thực tế kinh tế”, ông Lâm nói.

Sang năm 2015, ông Lâm cho biết: Chúng ta đặt mục tiêu 6,2%. Tuy nhiên, chúng ta đạt tận 6,68%. Lạm phát đặt ra vẫn 5%. Nhưng lạm phát thực tế chỉ 0,63%. Hay lạm phát bình quân chỉ 0,65%.

“Chuyện tính toán xây dựng kế hoạch đề ra khác con số thực tế là đương nhiên, là tất nhiên. Xây dựng kế hoạch cũng nên có cái điều chỉnh, cập nhật để tính toán được các nguồn vốn, tính toán được những chỉ tiêu thực tế như bội chi, thu ngân sách. Cho nên 2015 tỷ lệ bội chi khác hẳn”, ông Lâm cho biết.

Ông Lâm cho biết rất đồng cảm với bức xúc của Bộ trưởng Tài chính, nhưng ngành thống kê làm có phương pháp và thực tế chứ không làm dự báo để lên kế hoach.

“Chúng tôi chỉ dự báo để xây dựng các kịch bản giúp Chính phủ có giải pháp điều hành kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo Mạnh Nguyễn

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên