Bị hãng công nghệ sa thải, thạc sĩ có 16 năm kinh nghiệm không kiếm nổi việc tử tế, phải đi làm diễn viên hài kiếm sống: ‘Tôi đã quá mệt mỏi’
Thị trường lao động ngành công nghệ không còn hào nhoáng như xưa.
- 03-10-2024‘‘Thần đồng’’ Trung Quốc được trả lương 3 tỷ đồng/ năm, bỗng bị sa thải rồi thành người vô gia cư ở Mỹ: Lý do đằng sau khiến nhiều người suy ngẫm
- 02-10-2024Là giám đốc ở tập đoàn số 1 thế giới đột nhiên bị sa thải, chuyển sang làm shipper, tôi ngẫm ra: Hiện thực kiếm tiền quá khắc nghiệt
- 28-09-2024Giáo dục ngày càng phát triển nhưng Gen Z đang bị sa thải hàng loạt vì “không đạt yêu cầu cơ bản”: Vì đâu nên nỗi?
Năm 2013, ông Chris Putro bị sa thải khỏi công việc phân tích tài chính tại một công ty công nghệ. Với tấm bằng thạc sĩ trên tay và kinh nghiệm 16 năm làm việc, người đàn ông trung niên này từng tự tin sẽ kiếm được một công việc mới.
Thế nhưng suốt 9 năm qua, người đàn ông bước qua tuổi 55 này lại chẳng kiếm được một công việc tử tế đúng chuyên ngành.
"Tôi nhận được 4 cuộc gọi phỏng vấn nhưng 3 nhà tuyển dụng trong số đó đã hủy kèo, một nhà còn lại thì từ chối vì bằng cấp và kinh nghiệm của tôi quá thừa cho vị trí cần tuyển", ông Putro than thở.
Người đàn ông 55 tuổi này cho biết mình đã tiết kiệm được một khoản tiền trong 16 năm làm việc, đủ để sống 11 năm và chúng đang cạn dần. May mắn thay khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán đã giúp Putro sống sót thêm được vài năm nữa khi vẫn chưa kiếm được công việc ổn định.
Do không có vợ con nên ông Putro vẫn sống được nhờ khoản tiền 50 USD/tuần làm diễn viên hài độc thoại tại Los Angeles. Tuy nhiên Putro chỉ coi đây là công việc giải trí giúp bản thân bận rộn do số tiền này chẳng đáng là bao.
"Nghĩ đến cảnh hết tiền tiết kiệm quả là một điều khó khăn với tôi", ông Putro lo sợ.
Hết thời
Theo tờ Business Insider (BI), ông Putro nằm trong số rất nhiều người Mỹ khó tìm việc làm bất chấp những báo cáo tích cực trên thị trường lao động.
Hầu hết các doanh nghiệp tại Mỹ đang cắt giảm đáng kể lao động, đặc biệt là mảng công nghệ. Tỷ lệ số việc làm tuyển dụng trên số lao động thất nghiệp, một chỉ báo về thị trường lao động Mỹ, đã giảm đáng kể trong 2 năm qua.
Bởi vậy dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ sa thải đều ở mức thấp so với lịch sử nhưng việc các công ty hạn chế tuyển dụng đang khiến nhiều người khó trở lại thị trường lao động so với cách đây vài năm.
Trở lại với Putro, người đàn ông này cho biết bên cạnh tình hình khó khăn của thị trường thì tuổi tác cũng là một rào cản khiến thạc sĩ với 16 năm kinh nghiệm khó tìm việc.
Ngoài ra, việc ông Putro mất 2 năm sau khi bị sa thải để suy nghĩ hướng đi của sự nghiệp cũng khiến người đàn ông này có khoảng trống trong hồ sơ và làm các nhà tuyển dụng đắn đo.
Bình quân mỗi tháng, ông Putro nộp trong khoảng 40 đơn xin việc đến các công ty nhưng kỳ vọng càng cao thì càng thất vọng.
"Tôi đã quá mệt mỏi vì chờ đợi, hy vọng có bộ phận nhân sự nào đó gọi cho mình", ông Putro nói.
Hiện Putro còn sử dụng các mạng lưới như Indeed, LinkedIn và các trang web của các nhà tuyển dụng địa phương lớn như CBS và NBCUniversal với hy vọng kinh nghiệm làm việc lâu năm của mình có thể giúp bản thân quay lại nghề chính.
"Trước đây tôi nộp đơn xin việc cho những vị trí mà bản thân biết rằng mình đủ tiêu chuẩn. Giờ đây mọi người bảo tôi hãy tìm cả những việc lương thấp nữa", ông Putro than thở.
Bất chấp điều đó, Putro vẫn cố gắng kiếm những vị trí thuộc chuyên ngành của mình trước khi xem xét làm những việc bán thời gian khác.
"Tôi đã nộp đơn xin việc cho 2 vị trí trong tuần này mà tôi thấy mô tả khá phù hợp với bản thân. Thế nhưng như thường lệ, chẳng có phản hồi gì cả", ông Putro buồn bã nói.
*Nguồn: BI
Nhịp sống thị trường