MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị hoãn giải ngân do ngân hàng hết hạn mức?

29-11-2016 - 14:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Một số doanh nghiệp (DN) phản ánh về Tuổi Trẻ cho biết dù được cấp hạn mức tín dụng nhưng đã bị ngân hàng (NH) từ chối giải ngân với lý do hết “room” (hạn mức) tín dụng.

Theo anh T. - giám đốc Công ty NH chuyên kinh doanh sắt thép tại quận Thủ Đức, TP.HCM, sau khi làm xong thủ tục vay vốn từ trưa 25-11 nhưng chờ mãi không thấy được giải ngân, anh hỏi nhân viên NH thì được giải thích là hết hạn mức tín dụng.

“Việc bị tạm ngừng giải ngân dù đã được cấp hạn mức tín dụng trước đó khiến chúng tôi thất hẹn thanh toán cho đối tác” - anh T. nói. Đến cuối ngày 28-11, sau nhiều lần hối thúc, anh T. đã được NH giải ngân khoản vay nhưng nhiều DN khác vẫn phải chờ.

Tương tự, anh H., chủ một DN xuất nhập khẩu, cho biết đã hoàn tất thủ tục trả tiền cho đối tác tại nước ngoài nhưng lại bị NH hoãn giải ngân.

“NH nói tôi dùng dòng tiền thu về thanh toán tạm cho đối tác, trong khi tôi còn 3 khoản vay khác đáo hạn trong tháng 
12-2016. Đến lúc đó NH vẫn chưa giải ngân trở lại, tôi không biết xoay xở thế nào” - anh H. cho biết.

Cũng theo anh H., vào thời điểm này năm 2015, DN này cũng bị NH tạm ngưng giải ngân khoảng một tuần với lý do tương tự.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo NH ACB thừa nhận do nhu cầu vay của khách hàng tăng đột xuất khiến hạn mức tín dụng của NH chạm trần, nên phải tạm ngưng giải ngân để điều tiết lại.

“Chúng tôi đã được NH Nhà nước nới hạn mức tín dụng từ 18% lên 21%, nhưng tăng trưởng tín dụng đã chạm mức 21%.

NH đang điều tiết bằng cách cho khách hàng có nhu cầu đăng ký, NH sẽ sử dụng các khoản thu nợ để giải quyết dần, trong đó ưu tiên giải ngân món vay nhỏ lẻ trước. Dự kiến đến ngày 5-12, việc cho vay sẽ trở lại bình thường” - vị này nói.

Ngoài ACB, theo thông tin của Tuổi Trẻ, ít nhất hai NH khác trên địa bàn TP.HCM cũng gần chạm trần hạn mức tín dụng mà NH Nhà nước cho phép. Tổng giám đốc một NH có trụ sở tại quận 1 cho biết NH đã gần chạm ngưỡng 30% mà NH Nhà nước cho phép.

“Chúng tôi đã xin NH Nhà nước nới “room” để không ảnh hưởng đến việc đáp ứng vốn kinh doanh cho khách hàng thường xuyên, nhưng vẫn đang chờ được xem xét” - vị này cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết theo báo cáo giám sát, tính đến cuối tháng 10-2016 một số NH trên địa bàn đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng cho phép, nhưng chưa có trường hợp nào vượt.

“Nếu đã sử dụng hết hạn mức tín dụng và có nhu cầu tăng trưởng tín dụng thêm, NH phải gửi hồ sơ đề nghị, trong đó nêu rõ cần tăng thêm hạn mức bao nhiêu. NH Nhà nước sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tại từng NH để quyết định có nới “room” hay không” - ông Minh cho biết.

Theo Cục Thanh tra - giám sát NH TP.HCM, sau khi nhận được phản ảnh của các DN về việc ACB tạm ngưng giải ngân, cơ quan này đã đề nghị NH phải giải thích rõ lý do cho khách hàng.

Về nguyên tắc, NH Nhà nước sẽ căn cứ vào các yếu tố như tình hình kinh doanh, khả năng quản trị rủi ro, nợ xấu, quy mô tín dụng... để giao chỉ tiêu tăng tín dụng cho từng NH theo từng năm.

Chẳng hạn, trong năm 2016 TP.HCM được giao chỉ tiêu tăng tín dụng 18-20%, nhưng có NH được giao chỉ tiêu thấp hơn hoặc cao hơn.

Theo số liệu của NH Nhà nước, đến nay tín dụng trên địa bàn TP.HCM mới chỉ tăng 14,2%, so với chỉ tiêu được giao vẫn còn dư địa 4-6%, tương đương 80.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm.

Theo Ánh Hồng

Tuổi trẻ

Trở lên trên