MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của giới trẻ sau đại dịch: Việc làm có thể mất bất cứ lúc nào, nợ nần chồng chất và không biết bao giờ mới mua được nhà

26-04-2021 - 12:33 PM | Tài chính quốc tế

Bi kịch của giới trẻ sau đại dịch: Việc làm có thể mất bất cứ lúc nào, nợ nần chồng chất và không biết bao giờ mới mua được nhà

Đối với Killian Mangan, người tốt nghiệp năm ngoái, đúng lúc đại dịch bùng nổ và đã rất khó tìm việc, "chúng tôi đang chết chìm trong sự bấp bênh và chẳng có ai giúp đỡ".

Akin Ogundele đã làm mọi thứ đúng đắn. Sinh ra và lớn lên ở London, là con trai của những người nhập cư, anh đã chăm chỉ làm việc, đi học đại học, tìm được 1 việc làm tốt trong lĩnh vực tài chính, kết hôn và có 2 con. Nhưng giờ đây, ở tuổi 34, anh cảm thấy thực sự bế tắc.

Gia đình nhỏ của anh hiện vẫn sống trong 1 căn hộ đi thuê bởi vì lương của 2 vợ chồng không thể đủ trang trải tiền mua nhà. Sau nhiều thập kỷ giá nhà liên tục tăng, trung bình số tiền đi vay để mua được ngôi nhà đầu tiên ở London đã tăng lên trên 100.000 bảng. Nhiều đồng nghiệp của Ogundele đã mua được nhà nhờ sự trợ giúp của bố mẹ họ, nhưng anh không có điều kiện như vậy và khoản tiền tiết kiệm của gia đình chẳng thể đuổi kịp đà tăng chóng mặt của giá nhà.

Ogundele biết rằng cuộc sống đi thuê nhà rất bấp bênh và sức khỏe của gia đình cũng bị ảnh hưởng vì sống quá gần đường lớn. Tuy nhiên lo ngại lớn nhất của anh là mình sẽ cho con cái được bao nhiêu tài sản để chúng không rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, người giàu thì cứ giàu thêm còn những người như chúng tôi thì ngày càng nghèo đi".

Đó là tâm trạng chung của nhiều người trẻ thuộc thế hệ của Ogundele, và không chỉ ở London mà là trên khắp thế giới. Đó là kết quả từ khảo sát của Financial Times thực hiện trên 1.700 người trẻ dưới 35 tuổi về cuộc sống hiện tại và những kỳ vọng của họ sau đại dịch. Khảo sát được thực hiện tại các quốc gia Nam Phi, Campuchia, Na Uy, Australia, Đan Mạch, Mỹ, Ba Lan, Lebanon, Brazil, Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc.

Bi kịch của giới trẻ sau đại dịch: Việc làm có thể mất bất cứ lúc nào, nợ nần chồng chất và không biết bao giờ mới mua được nhà - Ảnh 1.

Tỷ trọng người trẻ kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ họ khi cùng ở độ tuổi 30 đang ngày càng giảm.

Tương lai bất định

Nhiều người miêu tả họ cảm thấy giống như dưới chân mình chẳng có thứ gì vững chắc. "Hầu hết mọi người ở độ tuổi của tôi vẫn đang chật vật chỉ để tìm 1 chỗ đứng", Tom, 1 kiến trúc sư nói. "Thực sự kiệt sức, không ai yêu cầu 1 cuộc sống dễ dàng miễn phí, nhưng tất cả bạn bè của tôi đều đã làm việc chăm chỉ mà không thu được kết quả như ý muốn. Nhiều người đang mất lòng tin vào hệ thống".

Đối với Killian Mangan, người tốt nghiệp năm ngoái, đúng lúc đại dịch bùng nổ và đã rất khó tìm việc, "chúng tôi đang chết chìm trong sự bấp bênh và chẳng có ai giúp đỡ".

Trước đây, người trẻ rất lạc quan về viễn cảnh tương lai tươi sáng hơn so với các thế hệ trước. Bởi họ có các cơ hội giáo dục tốt hơn, chi phí đi lại rẻ hơn, môi trường việc làm cởi mở và đa dạng cùng với sự trợ giúp của công nghệ.

Tuy nhiên, thực tế là chi phí nhà ở và giáo dục ngày càng đắt đỏ. Họ ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn để có việc làm và việc làm thì cũng bấp bênh. Ogundele và nhiều người khác cho rằng tài sản của bố mẹ trở thành yếu tố quan trọng quyết định tương lai của họ, quan trọng hơn cả những nỗ lực của chính họ.

Các số liệu thống kê cho thấy nhận định đó hoàn toàn có lý. Ví dụ, tại Anh, nghiên cứu của Institue for Fiscal Studies dự báo rằng trung bình tỷ lệ tài sản thừa kế/thu nhập cả đời của những người sinh ra trong thời kỳ những năm 1980 sẽ cao gần gấp đôi so với những người sinh ra trong thời kỳ những năm 1960.

Điều này sẽ phá hủy tính di động của xã hội. Đối với những người sinh ra trong những năm 1980 có bố mẹ nằm trong nhóm 20% nghèo nhất, tài sản thừa kế sẽ giúp thu nhập cả đời của họ tăng thêm 5%. Nhưng đối với những người có bố mẹ nằm trong nhóm 20% giàu nhất, tài sản thừa kế giúp thu nhập cả đời của họ tăng tới 29%. Tỷ lệ tương ứng trong nhóm những người sinh ra trong những năm 1960 chỉ là 2% và 17%.

Đại dịch Covid-19 với những đợt phong tỏa và đà phục hồi kinh tế theo hình chữ K càng khiến khoảng cách nới rộng hơn bao giờ hết.

Tháng 3 năm ngoái, Stuart bắt đầu làm việc tại 1 công ty viễn thông với hi vọng đó sẽ là bước đệm để có được việc làm vô thời hạn sau 12 tháng nữa. Tuy nhiên, tháng trước, anh và các đồng nghiệp được mời tham dự 1 cuộc họp thông báo rằng khoảng 40 người bị sa thải.

Không có việc làm ổn định là thứ mà nhiều người tham gia khảo sát của FT than phiền. Ở khu vực eurozone, gần một nửa trong độ tuổi 15-24 phải làm việc theo các hợp đồng thời vụ. Khi đại dịch ập đến, họ là nhóm bị thất nghiệp nhiều nhất.

Bi kịch của giới trẻ sau đại dịch: Việc làm có thể mất bất cứ lúc nào, nợ nần chồng chất và không biết bao giờ mới mua được nhà - Ảnh 2.

Thế hệ millennials ở Mỹ sở hữu ít nhà hơn so với các thế hệ trước.

Những người có được công việc ổn định đã phải đối mặt với sự cạnh tranh thực sự khốc liệt. "Sau khoảng 30 lần bị từ chối, tôi được chọn từ khoảng 2.500 ứng viên để tham gia bài test tâm lý, sau đó là phỏng vấn qua video và nhiều vòng phỏng vấn khác trước khi được ký hợp đồng đào tạo 2 năm", Hadrien, 1 sinh viên mới tốt nghiệp ở Anh nói. "Chúng tôi phải cạnh tranh với máy móc và robot, bên cạnh những nhân lực ngày càng chuyên nghiệp hơn".

Và sau khi đã có công việc thì người trẻ còn phải đối mặt với tiền lương tăng trưởng rất chậm chạp, nợ sinh viên và giá nhà ngày càng tăng. "Tôi có 1 công việc mà đối với các thế hệ khác là có thu nhập tốt. Nhưng tôi không thể mua được 1 căn hộ 2 phòng ngủ ở gần công ty và nuôi sống gia đình. Vì thế khi tôi phải nghĩ đến chuyện đề xuất tăng lương hoặc đổi việc làm vì không có nhiều thời gian để chờ đợi".

Ngày càng có nhiều người làm việc trong các lĩnh vực áp lực lớn như luật và kế toán cảm thấy cái giá mà họ phải đánh đổi sức khỏe và cuộc sống cá nhân không còn xứng đáng nữa.

Một thanh niên Thượng Hải cho biết đà bùng nổ của kinh tế Trung Quốc đem đến cho cậu nhiều cơ hội hơn so với bố mẹ, nhưng giá nhà thì tăng chóng mặt và điều kiện làm việc ngày càng xấu đi. "Có thể bạn đã nghe đến 996, văn hóa làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần".

Dù ở nước phát triển hay đang phát triển, nhiều người tham gia khảo sát của FT lo ngại về triển vọng chính trị và môi trường của thế giới. Khi Khalida Abdulrahim đang học ngành kinh doanh 10 năm trước, có rất nhiều nhận định lạc quan về "sự trỗi dậy của châu Phi và các nước đang phát triển". Nhưng giờ đây cô gái 27 tuổi người Nigeria đang làm việc cho Google ở London không còn cảm thấy lạc quan về quê nhà nữa.

"Thời bố mẹ tôi, họ được hưởng nền kinh tế đầy hứa hẹn và tràn đầy lạc quan, họ cũng tận dụng được điều đó. Nhưng đến thế hệ tôi thì nền kinh tế Nigeria không có nhiều hi vọng và trở nên u ám. Lợi thế duy nhất của chúng tôi so với bố mẹ là tính kết nối vượt trội của thế giới ngày nay".

Tham khảo Financial Times

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên