MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của vùng an toàn: Nơi an tâm nhất lại là nơi giết chết bạn nhanh nhất, càng ở lâu càng giậm chân tại chỗ, muôn đời không thấy ánh hào quang của thành công!

04-04-2019 - 23:36 PM | Sống

Tránh né, ngại thay đổi và cứ quanh quẩn trong vùng an toàn của bản thân không phải là một sự lựa chọn thông minh, và lại càng không phải là lựa chọn của những con người thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.

Bước ra khỏi vùng an toàn và thành chúa sơn lâm với tiếng gầm uy lực hay cả đời làm ếch ngồi nơi đáy giếng dù kêu to mấy cũng chẳng tạo được tiếng vang: Quyền lựa chọn nằm cả trong tay bạn!

Người muốn được giàu sang, phú quý thì nhiều nhưng không phải ai cũng dám "liều". Khi còn trẻ hay lúc mới ra trường, người ta sợ mình còn non nớt, kỹ năng chưa tốt, kinh nghiệm chưa nhiều mà không dám dấn thân. Nhưng đến lúc đã 35, 40 tuổi, kinh qua không ít thăng trầm cuộc sống thì họ lại ngại thay đổi vì sợ sẽ thất bại và phá vỡ sự an ổn mà họ đã xây dựng bấy lâu. 

Kết quả, thời gian thì qua đi nhưng họ vẫn "giậm chân tại chỗ", ngồi oán thán cuộc đời sao bất công và hối tiếc đủ điều. Bao nhiêu hoài bão, ước mơ của họ cũng cứ như vậy mà trôi đi rồi chìm vào quên lãng tự lúc nào không hay.

Bạn có thắc mắc tại sao họ lại cứ chần chừ, do dự để rồi vuột mất bao cơ hội và sống một đời đầy tiếc nuối như vậy hay không? Chung quy cũng là bởi họ không dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình. 

Bi kịch của vùng an toàn: Nơi an tâm nhất lại là nơi giết chết bạn nhanh nhất, càng ở lâu càng giậm chân tại chỗ, muôn đời không thấy ánh hào quang của thành công! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vùng an toàn (Comfort zone) là một cụm từ chẳng còn xa lạ với tất cả chúng ta. Đó là nơi mà ta cảm thấy an toàn và thoải mái nhất để có thể tự do vẫy vùng, làm những điều mình thích.

Thế nhưng, thế giới ngoài kia đâu chỉ rộng lớn, nó còn thay đổi và phát triển từng ngày, từng giờ. Vậy nếu bạn cứ co cụm trong vùng an toàn của mình, không dám thử thách bản thân với những điều mới lạ thì thử hỏi bạn sẽ làm được những gì?

Thần chỉ cắt đi cái cành cây mà chú vẹt luôn đứng thôi

Có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này. 

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua rất giàu có và cũng được rất nhiều người quý trọng. Ông thường tới thăm các vương quốc láng giềng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các vị vua khác.

Trong một chuyến viếng thăm nọ, nhà vua được tặng hai chú vẹt xinh đẹp tới từ những khu rừng ma thuật xa xôi. Nhà vua cũng được cho hay rằng "những chú vẹt này cần một môi trường tự nhiên để phát triển".

Vì thế, khi quay trở lại vương quốc của mình, ông đã cho xây dựng ngay một khu vườn rộng lớn với thảm thực vật tuyệt đẹp, những hồ nước trong vắt và thác nước cao.

Thời gian qua đi, hai chú vẹt dần lớn lên và một trong số chúng đã bắt đầu thường xuyên bay lượn xung quanh khu vườn. Tuy nhiên, chú vẹt còn lại vẫn đứng im trên cành cây mà chú đã đứng từ ngày đầu tiên tới đây.

Nhà vua đã mời hàng nghìn người huấn luyện vẹt chuyên nghiệp ở tất cả các vương quốc tới, và họ cũng đã cố gắng hết sức để làm cho chú vẹt lười biếng này cất cánh bay. Thế nhưng, dù họ có dùng cách nào đi nữa, chú vẹt vẫn chẳng hề nhúc nhích.

Do đó, các cố vấn của nhà vua đã khuyên ngài ra một tuyên bố rằng sẽ trao thưởng một ngàn lượng vàng cho ai có thể khiến chú vẹt lười biếng kia bay lên. Nhà vua liền đồng ý và thực hiện ngay lập tức.

Sáng ngày hôm sau, một người nông dân giản dị đã tới cung điện của nhà vua và nói rằng ông có thể khiến chú vẹt kia rời khỏi cành cây và bay lên. Nhà vua nghe xong thì vô cùng cảnh giác, bởi ông không thể hiểu nổi, một người nông dân như vậy thì sẽ biết được điều gì về việc huấn luyện vẹt mà những người huấn luyện vẹt của hoàng gia lại không biết chứ.

Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, khi nhà vua đang đi dạo trong vườn, ông đã thấy hai chú vẹt cùng nhau bay lượn, và một trong số chúng chính là chú vẹt lười biếng trước đây.

Ngay tức khắc, nhà vua cho triệu người nông dân tới và hỏi: "Làm thế nào mà khanh có thể khiến chú vẹt lười biếng của ta rời cành cây và cất cánh bay vậy?".

Người nông dân liền đáp lại: "Việc này rất đơn giản, thưa bệ hạ. Thần chỉ cắt đi cái cành cây mà chú vẹt luôn đứng thôi".

Câu chuyện này đã cho chúng ta thấy được, cũng giống như chú vẹt lười biếng kia, tất cả chúng ta đều có khả năng thành công và đưa bản thân lên một tầm cao mới. Nhưng việc đó đòi hỏi chúng ta phải có lòng dũng cảm để đối mặt và vượt qua những điều xa lạ hay những gì khiến chúng ta thấy sợ hãi.

Chúng ta phải giải phóng bản thân khỏi cái cành cây mà mình vẫn đứng – vùng an toàn – để tìm ra những cơ hội thành công mới, cũng như khám phá khả năng thực sự của mình.

Ra khỏi vùng an toàn đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận bản thân sẽ có thể thất bại

Brian Tracy từng nói: "Hãy ra khỏi vùng an toàn của bạn đi. Bạn chỉ có thể phát triển nếu bạn sẵn sàng cảm thấy lúng túng và không thoải mái khi thử điều gì đó mới lạ".

Đúng như vậy, mỗi chúng ta nếu muốn ngày càng phát triển và thăng tiến thì nhất định cần phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, mà cách tốt nhất là thường xuyên thách thức mình với những điều mới mẻ.Và để làm được điều này thì suy nghĩ là yếu tố mà chúng ta cần thay đổi đầu tiên, bởi lẽ suy nghĩ ảnh hưởng và có vai trò quyết định rất lớn đối với hành động.

Bạn đừng bao giờ có những suy nghĩ như "Ôi việc này khó quá, tôi sẽ không làm được" hay "Việc này tôi chưa làm bao giờ nên sẽ làm không tốt, thôi tôi không làm đâu"... Thay vào đó, hãy luôn tự nhủ rằng chỉ cần mình dám "liều", dám đương đầu thì nhất định có thể làm được mọi thứ.

Bi kịch của vùng an toàn: Nơi an tâm nhất lại là nơi giết chết bạn nhanh nhất, càng ở lâu càng giậm chân tại chỗ, muôn đời không thấy ánh hào quang của thành công! - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, hãy "đổi mới" suy nghĩ của mình về thất bại. Bạn vấp ngã không có nghĩa bạn yếu kém, không làm được việc, chỉ là bạn cần nồ lực và trau dồi bản thân nhiều hơn.

Bạn cũng đừng sợ người ta sẽ nhìn vào thất bại của bạn mà chê cười, chế nhạo vì họ cười đấy nhưng chắc gì họ đã đủ can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn như bạn. Miệng lưỡi thế gian đâu ai quản được nên bạn cứ "phớt lờ" những lời khó nghe ấy đi, đừng để nó ảnh hưởng tới quyết tâm của bản thân là được.

Thêm nữa, không phải ai sinh ra cũng có IQ cao ngất như Albert Einstein hay đã là chuyên gia cả, phần lớn đều bắt đầu từ vạch xuất phát như bạn rồi không ngừng cố gắng mà tiến lên. Họ làm được, vậy tại sao bạn lại không thể?

Thay đổi được cách nghĩ của bản thân rồi thì bạn hãy biến nó thành hành động bằng một vài những việc làm đơn giản nhưng hiệu quả sau:

1. Làm những việc quen thuộc theo những cách mới mẻ

Những việc bạn làm mỗi ngày chỉ theo một cách nhất định đã trở nên quá quen thuộc và thậm chí khiến bạn thấy nhàm chán nên hãy thử đổi một cách khác xem sao.

Mọi ngày bạn vẫn đi làm bằng con đường X, vậy hôm nay bạn hãy thử đi con đường Y. Bạn luôn mua đồ trong siêu thị, vậy hôm nay bạn hãy thử xách làn ra chợ mua đồ. Những việc như vậy sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới lạ và thú vị.

2. Nói "đồng ý" ngay cả khi bạn không biết cách để làm điều gì đó

Khi được giao việc, dù bạn không biết cách làm thì hãy cứ nói "đồng ý". Tiếp đó, hỏi một người có kinh nghiệm, lên mạng tìm hiểu... làm cách nào để hoàn thành công việc đó là việc của bạn.

Nhưng cuối cùng, kết quả bạn nhận được sẽ không chỉ là làm xong việc được giao, mà còn là có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới nữa. Điều này cũng có nghĩa, bạn sẽ mở rộng được cơ hội thăng tiến của bản thân, và phát triển sự nghiệp của mình.

Bi kịch của vùng an toàn: Nơi an tâm nhất lại là nơi giết chết bạn nhanh nhất, càng ở lâu càng giậm chân tại chỗ, muôn đời không thấy ánh hào quang của thành công! - Ảnh 3.

3. Đừng vội vã mà hãy thay đổi từ từ, từng chút một

Quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn của mình là một điều tốt nhưng bạn cũng đừng nên vội vã bởi việc gì cũng phải theo một quá trình, và cần có thời gian.

Đi quá nhanh và quá xa so với vùng an toàn của bản thân đôi khi sẽ khiến bạn bị áp lực, mệt mỏi mà kiệt sức rồi gục ngã. Vì thế, hãy cứ chầm chậm bước, rồi từ từ mở rộng vùng an toàn của mình, bạn sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều.  

4. Ăn mừng chiến thắng của bản thân

Một việc làm nho nhỏ để chúc mừng cho thành công mà bạn đạt được, dù chỉ là việc vô cùng bé nhỏ cũng sẽ khiến bạn có thêm động lực để bước tiếp. Nó sẽ nhắc bạn không được sợ hãi hay chùn bước trước khó khăn bởi thành công to lớn nhất vẫn còn đang đợi bạn tới mang đi.

Kết lại, ra khỏi vùng an toàn đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận bản thân sẽ có thể thất bại, làm việc không được "thuận buồm xuôi gió" hay gặp phải nhiều điều khó chịu. Nhưng, nếu bạn dám làm điều đó, không chỉ sự nghiệp phát triển mà cuộc sống của bạn cũng có ý nghĩa hơn nhiều.

Nguyễn Nguyễn

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên