MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch người già ở Trung Quốc: Tuổi trẻ dốc sức, dốc tiền nuôi con, đến khi xế chiều phải gánh củi, bán ngô nuôi thân

12-02-2019 - 15:17 PM | Tài chính quốc tế

Trong những thập niên gần đây, hằng trăm triệu lao động nông thôn Trung Quốc đã rời bỏ làng quê lên thành phố tìm việc, để lại người già neo đơn.

Đối với cụ Qin Taixiao, tuổi già đồng nghĩa với sự cô đơn và vất vả. Dù đã vào mùa đông nhưng hàng ngày cụ vẫn phải dậy sớm lên rừng để thu nhặt 50kg gỗ về nhà để đốt sưởi. Cụ tiếp tục phải làm việc tương tự vào buổi chiều nếu muốn ngôi nhà mình có củi đốt.

Tại phía Bắc Trung Quốc, việc đốt củi rẻ và phổ biến hơn so với đốt than tại những hộ gia đình nghèo trong những ngày đông lạnh giá.

Cụ Qin cùng với vợ mình là cụ Sun Sherong đã sống cô đơn cùng nhau cả năm qua tại một ngôi làng gần như bỏ hoang cách 240km về phía bắc của thủ đô Bắc Kinh. Trước khi lên rừng, cụ Qin đếm những viên thuốc chữa viêm phổi và ung thư ruột cho vào túi.

"Tôi có thể nói gì đây. Cuộc sống như vậy đã là tạm ổn và chúng tôi chẳng có lựa chọn nào khác", cụ Qin nói.

Đối với những người già như cụ Qin, Tết Nguyên Đán là thời gian vui vẻ nhất khi họ được nghỉ lễ dài và nhất là được thấy con cháu. Tương tự như bao gia đình khác, con của cụ Qin rời bỏ ngôi làng lên thành phố tìm việc như bao lao động nhập cư khác khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ. Trong những thập niên gần đây, hằng trăm triệu lao động nông thôn Trung Quốc đã rời bỏ làng quê lên thành phố tìm việc, để lại người già neo đơn.

Bi kịch người già ở Trung Quốc: Tuổi trẻ dốc sức, dốc tiền nuôi con, đến khi xế chiều phải gánh củi, bán ngô nuôi thân - Ảnh 1.

Cụ Qin Taixiao

Văn hóa đổ hết tiền cho con

Câu chuyện của cụ Qin cũng tương tự như hàng triệu gia đình khác tại Trung Quốc khi dân số lão hóa nhanh và những người già ngày càng lo lắng không biết liệu chính phủ hay con cháu họ có thể hỗ trợ cha mẹ mình nữa hay không.

Số liệu của Ủy ban lao động quốc gia (NWC), tính đến năm 2050 Trung Quốc sẽ có hơn 34% dân số trên 60 tuổi, tương đương gần 500 triệu người, cao gần gấp đôi so với hiện nay.

Tốc độ lão hóa quá nhanh có thể ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế, xã hội của Trung Quốc khi nhiều chuyên gia cảnh báo thiếu hụt lao động có thể khiến quốc gia này chưa giàu đã già. Thêm nữa, việc ngày càng thiếu tiền thuế đóng góp từ lực lượng lao động suy giảm nhưng vẫn phải tăng ngân sách an sinh xã hội cho người già sẽ đè nặng trách nhiệm tài chính lên chính quyền Bắc Kinh.

Không riêng gì người già, nhiều nghiên cứu cho thấy ngay cả lao động tráng niên hiện cũng không kiếm đủ tiền để sống một cách tử tế. Số liệu của Bộ tài chính Trung Quốc cho thấy tính đến cuối năm 2017, lao động Trung Quốc tiết kiệm được khoảng 1 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 4.000 USD cho mỗi người trên 60 tuổi. Con số này là không đủ khi hàng trăm triệu người sẽ nghỉ hưu hàng năm.

Báo cáo chính thức cũng ước tính hơn 26% GDP của Trung Quốc sẽ được chi tiêu cho người già vào năm 2050, cao hơn mức 7% hiện nay.

Một nguyên nhân khiến việc tiết kiệm của người già tại Trung Quốc thấp hơn những nước khác là do văn hóa, khi bố mẹ thường dồn tiền cho con cái và dựa dẫm vào chúng khi về già thay vì tự lập. Những người trẻ tuổi theo truyền thống phải có trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ bậc cha chú nhưng với hiện trạng dân số lão hóa nhanh như hiện nay, gánh nặng lên lớp trẻ ngày nay ngày càng nặng.

Bi kịch người già ở Trung Quốc: Tuổi trẻ dốc sức, dốc tiền nuôi con, đến khi xế chiều phải gánh củi, bán ngô nuôi thân - Ảnh 2.

Cụ Qin Taixiao và vợ, bà Sun Sherong

Theo Bộ lao động và an sinh xã hội Trung Quốc năm 1993, khoảng 5 người lao động sẽ đóng góp an sinh xã hội cho mỗi người nghỉ hưu. Tuy nhiên đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ là 1,3 so với 1.

Sự lão hóa dân số nhanh chóng của Trung Quốc chủ yếu do chính sách 1 con tồn tại nhiều năm và chỉ mới được dỡ bỏ. Tỷ lệ sinh giảm ngay sau khi chính sách được ban hành năm 1980, khiến người trẻ không thể chia sẻ gánh nặng chăm sóc gia đình với các anh chị em.

Chính sách 1 con dù đã được dỡ bỏ vào năm 2016 nhưng các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để động thái này tác động lên cơ cấu dân số Trung Quốc. Nhiều lao động trẻ rời làng quê có thu nhập cao hơn nhưng cũng nhiều người lo ngại họ không kiếm đủ tiền để chăm sóc cho cha mẹ cũng như bậc cha chú trong gia đình.

Những gia đình như ông Qin hiện đang phải dựa vào bán ngô với thu nhập 1.500 USD/năm chứ không thể nhờ cậy quá nhiều vào con cháu.

"Rất khó để dựa dẫm vào những đứa con của tôi. Chúng không kiếm được nhiều tiền và chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng", vợ ông Qin, bà Sun nói.

Dẫu vậy rồi sẽ đến 1 ngày việc gánh 50 kg củi không còn khả thi với cụ Qin nữa và gia đình sẽ hết thứ để sưởi. Bệnh ung thư ruột của cụ sẽ nặng hơn và sẽ đến lúc buộc phải dựa vào con cháu. Đây cũng sẽ là thử thách nặng nề với chính phủ Trung Quốc khi lượng lớn người già trong xã hội mất sức lao động và cần giúp đỡ trong tương lai.

Bi kịch người già ở Trung Quốc: Tuổi trẻ dốc sức, dốc tiền nuôi con, đến khi xế chiều phải gánh củi, bán ngô nuôi thân - Ảnh 3.

Khu nhà của cụ Qin Taixiao

Theo AB

Thời Đại

Trở lên trên