Bi kịch Nhật Bản: Hãng sản xuất tã trẻ em nổi tiếng phá vỡ truyền thống 151 năm, chuyển sang chỉ làm bỉm cho người già
Doanh số bán tã người lớn tại Nhật Bản đã cao hơn trẻ em kể từ năm 2011.
Tờ Fortune cho hay hãng sản xuất tã trẻ em nổi tiếng Nhật Bản Oji Holding mới đây đã phải tuyên bố từ bỏ dòng sản phẩm cho trẻ em và chỉ tập trung làm mặt hàng phục vụ cho người cao tuổi. Đây là một bước đi phá vỡ truyền thống 151 năm của tập đoàn trong bối cảnh nhu cầu tã trẻ em tại Nhật Bản giảm mạnh do lão hóa dân số quá nhanh.
Công ty con Oji Nepia chuyên phụ trách mảng tã trẻ em của tập đoàn cho biết họ sẽ ngừng phục vụ sản phẩm từ tháng 9/2024 do nhu cầu sụt giảm mạnh, đồng thời chuyển qua mảng tã cho người cao tuổi.
Tổng sản lượng tã hàng năm của hãng đã giảm từ mức đỉnh 700 triệu chiếc xuống chỉ còn 400 triệu hiện nay.
"Tập đoàn đặt mục tiêu chuyển đổi danh mục đầu tư kinh doanh của mình bằng cách tập trung vào những mảng có lợi nhuận cao và tiềm năng tăng trưởng tốt. Việc chấm dứt dòng sản phẩm tã trẻ em tại Nhật Bản là dựa trên chiến lược này", phía Oji tuyên bố.
Theo Fortune, doanh số bán tã người lớn tại Nhật Bản đã vượt xa so với sản phẩm trẻ em kể từ năm 2011 trong bối cảnh dân số lão hóa nhanh còn tỷ lệ sinh giảm.
Năm 2023, Nhật Bản chỉ có 758.631 trẻ sơ sinh mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức thấp kỷ lục kể từ thế kỷ 19 đến nay. Báo cáo chính thức năm 2022 cho thấy trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 12% tổng dân số toàn Nhật Bản, trong khi 30% dân số có độ tuổi trên 65.
Tỷ lệ sinh bình quân của mỗi phụ nữ Nhật chỉ vào khoảng 1,3 trẻ, kém xa so với mức 2,1 trẻ để đạt tiêu chuẩn giữ sự ổn định về cơ cấu dân số.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là chi phí sinh hoạt cao, văn hóa làm việc cống hiến hết mình, áp lực lớn khiến nhiều cha mẹ trẻ cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp để nuôi dạy con cái.
Những thay đổi về nhân khẩu học cũng đã khiến hãng sản xuất tã trẻ em lớn nhất Nhật Bản là Unicharm phải chuyển sang làm cả tã cho người lớn từ năm 2012, nhắm đến đối tượng người tiêu dùng chính của thị trường.
Năm 2011, người Nhật có độ tuổi trên 60 chiếm đến 40% lượng tiêu dùng cả nước. Tổng giá trị thị trường tã người lớn Nhật Bản ước tính tăng từ 2,31 tỷ USD năm 2022 lên 4,87 tỷ USD năm 2032.
"Người cao tuổi sẽ là động lực tiêu dùng chính tại thị trường Nhật Bản", Phó chủ tịch Shohei Murai của chuỗi siêu thị Aeon nhận định sau tuyên bố chuyển đổi năm 2012 của Unicharm.
Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy hơn 10% dân số Nhật Bản có độ tuổi trên 80 tính đến tháng 9/2023. Trong khi đó Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì cảnh báo dân số nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này sẽ giảm ¼ vào năm 2060.
Riêng trong năm 2023, Nhật Bản đã giảm 800.000 người xuống chỉ còn 125,4 triệu người.
Hệ lụy của tình trạng này là vô cùng tệ khi lực lượng lao động Nhật Bản sụt giảm nhanh chóng với gần một nửa số người đang lao động có độ tuổi trên 70.
Trong khi tình trạng thiếu hụt lao động gia tăng thì gánh nặng chăm sóc người cao tuổi lại đè lên vai lớp trẻ. Số liệu của Bộ y tế Nhật Bản cho thấy tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng gấp 3 lần lên 690.000 người vào năm 2040.
"Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ không thể duy trì hoạt động xã hội bình thường", Thủ tướng Fumio Kishida đã phải cảnh báo vào tháng 1/2023.
*Nguồn: Fortune
antt.nguoiduatin.vn