MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch ở Mông Cổ: Khi cơn sốt khoáng sản giết chết cuộc sống du mục

27-12-2016 - 12:42 PM | Tài chính quốc tế

Lựa chọn phát triển kinh tế, Mông Cổ mạnh tay cấp phép cho các dự án công nghiệp và khai thác khoáng sản dẫn tới tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia kinh tế, Mông Cổ đang trên đà phát triển nhanh và mạnh mẽ chưa từng có. Tốc độ này có thể được duy trì trong cả thập niên tới, kéo theo sự chuyển mình của cả quốc gia vốn nổi tiếng khắp thế giới với văn hóa du mục. Rõ ràng, Mông Cổ đang thay đổi từng ngày dù chưa thể khẳng định những thay đổi đó là tích cực hay tiêu cực.

Mông Cổ chuyển mình, chìm trong ô nhiễm

Drawls Andy, cựu quân nhân người Mỹ với cơ thể vạm cỡ đầy hình xăm, có mặt tại sân bay Incheon, Hàn Quốc để tới Mông Cổ làm việc. Đường bay thẳng từ Incheon tới Ulaanbaatar khiến sân bay này tấp nập hơn trong vài năm trở lại đây. Giống như nhiều khách phương Tây khác, điểm đến của Andy là Oyu Tolgoi nằm giữa sa mạc Gobi hoang vu.

Oyu Tolgoi nằm cách Ulaanbaatar khoảng 1,5 giờ bay. Nó nằm giữa mênh mông cát của sa mạc Gobi đầy nắng, gió và sự khô cằn tới tuyệt vọng. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tập trung các dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mông Cổ. Oyu Tolgoi là mỏ có trữ lượng vàng và đồng khổng lồ. Tính tới năm 2020, nó sẽ đóng góp tới 1/3 GDP của Mông Cổ.


Các nhà máy nhả khí thải vào bầu trời, khiến không gian bị khói mờ bao phủ. Ảnh: New York Times

Các nhà máy nhả khí thải vào bầu trời, khiến không gian bị khói mờ bao phủ. Ảnh: New York Times

Dù nằm trên sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới nhưng với Andy, Oyu Tolgoi vẫn là thiên đường nếu so với Afghanistan, Nigeria hay Somali. Bên cạnh điều kiện sống thuận tiện, người dân địa phương dễ chịu, Andy cũng chẳng phải nằm dưới họng súng của kẻ thù như những nơi cựu quân nhân này từng đi qua. Đó là sự khác biệt rất lớn.

Sự xuất hiện của những người nước ngoài như Andy cũng thổi luồng gió mới vào thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ. Khách sạn mọc lên như nấm sau mưa, các quán rượu cũng phát triển mạnh để phục vụ nhu cầu của những người nước ngoài. Giới ngân hàng cũng không bỏ lỡ cơ hội ở Ulaanbaatar và gái làng chơi cũng nhanh chóng chớp thời cơ.

Một doanh nghiệp Singapore cũng hòa mình vào xu thế bằng việc xây dựng nhà máy bia trong khu vực. Tại quảng trường chính của thành phố, không khó để bắt gặp những cửa hàng bán đồ sang trọng. Người ta có thể dễ dàng mua những mặt hàng của Louis Vuitton giống như mua những chiếc túi bằng da truyền thống của người Mông Cổ.

Bên ngoài, hàng chục chiếc cần cẩu đang miệt mài làm việc. Đường phố từng vắng bóng người qua lại hơn 2 thập niên trước đang thường xuyên bị tắc nghẽn. Thậm chí, ánh nắng còn không mấy khi có cơ hội soi rọi Ulaanbaatar bởi không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống tới -40 độ C, than là phương tiện sưởi ấm duy nhất. Dân số đông kéo theo lượng than khổng lồ được đốt mỗi đêm, khiến cả thành phố bị khói mờ che phủ.


Những mái nhà lụp sụp hiếm khi được mặt trời chiếu sáng vì ô nhiễm không khí. Ảnh: Getty

Những mái nhà lụp sụp hiếm khi được mặt trời chiếu sáng vì ô nhiễm không khí. Ảnh: Getty

Bên cạnh đó, ống khói từ các nhà máy nhiệt điện càng làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm ở thủ đô Mông Cổ. Ô nhiễm không khí ở thủ đô Ulaanbaatar cao gấp 5 lần so với thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc và gấp tới 80 lần tiêu chuẩn an toàn mà WHO đề ra. Chưa bao giờ sức khỏe người dân ở Ulaanbaatar bị đe dọa như lúc này.

Kho báu nằm dưới mỗi bước chân và cái chết của cuộc sống du mục

Suốt hàng nghìn năm qua, văn hóa của người Mông Cổ là văn hóa du mục. Điều kiện thời tiết vô cũng khắc nghiệt khiến phần lớn người dân phải sống dựa vào đàn gia súc chăn thả cũng như cuộc sống du canh du cư. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ ở Mông Cổ đang đẩy cuộc sống này tới bờ vực của sự biến mất.

Phần lớn người trẻ ở Mông Cổ đang cố tìm cho mình một con đường mưu sinh khác thay vì rong ruổi trên sa mạc khô cằn cùng đàn gia súc với mức thu nhập chẳng đáng kể. Làm việc tại các khu mỏ có thể mang lại khoản tiền tới 2.000 USD/tháng trong khi cuộc sống du canh du cư bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Mông Cổ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nóng lên toàn cầu.


Nhiều thanh niên Mông Cổ không còn mặn mà với cuộc sống du mục.

Nhiều thanh niên Mông Cổ không còn mặn mà với cuộc sống du mục.

Khi phần lớn thế giới đẩy mạnh các hoạt động khai thác khoáng sản, Mông Cổ dường như chẳng mấy thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi nhận ra tiềm năng cực lớn của vùng đất này, những rào cản về mặt địa lý nhanh chóng được vượt qua. Vùng đất khô cằn, hẻo lánh chuyển mình trở thành điểm đến tiềm năng.

Phần lớn khoáng sản được Mông Cổ đào lên và bán cho Trung Quốc. Trong vài năm tới, 95% lượng hàng hóa xuất khẩu của Mông Cổ sẽ là khoáng sản. Các nhà thăm dò địa chất phát hiện ra trữ lượng lớn đồng, than đá, vàng, bạc, uranium… cực lớn ở Mông Cổ. Hàng nghìn giấy phép khai thác khoáng sản đã được chính phủ cấp cho các công ty trong và ngoài nước.

Với dân số 3 triệu người, chủ yếu sống nhờ chăn thả gia súc, Mông Cổ đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành Qatar hay Brunei thứ 2 nhờ lượng tài nguyên khổng lồ. GDP của quốc gia này hiện đã tăng gấp nhiều lần so với quá khứ, với 11,74 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 cũng tăng chóng mặt.

Quyết tâm đẩy mạnh phát triển đất nước, chính phủ Mông Cổ đã liên doanh với Ivanhoe Mines của Canada để xây dựng khu mỏ khổng lồ Oyu Tolgoi với kỳ vọng sản xuất được 450.000 tấn đồng/năm cũng như biến nó trở thành một trong 5 khu mỏ lớn nhất thế giới. Bên cạnh đồng, Oyu Tolgoi còn có trữ lượng vàng phong phú.


Các khu mỏ làm thay đổi diện mạo ở Mông Cổ.

Các khu mỏ làm thay đổi diện mạo ở Mông Cổ.

Không chỉ có Oyu Tolgoi, Mông Cổ còn có Tavan Tolgoi, mỏ than lớn nhất thế giới. Trữ lượng than ở đây nhiều tới mức người ta có thể khai thác được 40 triệu tấn vào năm 2020 và 240 triệu tấn vào năm 2040. Thị trường của nó là Trung Quốc, đất nước dường như không bao giờ thỏa cơ khát về tài nguyên và khoáng sản.

Các hoạt động khai thác khoáng sản ở Mông Cổ có thể kéo dài trong 50 năm trước khi các mỏ cạn kiệt. Tuy nhiên, quá trình khai thác chắc chắn sẽ để lại những vết sẹo khổng lồ trên khắp đất nước cũng như gây ra hàng loạt hệ lụy về môi trường và con người. Hậu quả dễ nhìn thấy nhất chính là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe tính mạng của hàng triệu người.

Linh Anh

Tổng hợp

Trở lên trên