Bí mật bàn tay hữu hình vực dậy “con hổ” Đông Nam Á: Quốc gia đáng sống không phải tự nhiên mà có
Ảnh: Carolina Moscoso
Đối với những ai ngưỡng mộ đứng từ ngoài nhìn vào, khu vực này chỉ đơn giản là “ngọn hải đăng” của thị trường tự do. Nhưng để chuyển mình thành đảo quốc đáng sống, họ đã phải nắm bắt từng cơ hội nhỏ nhoi.
- 12-10-2023Biên bản cuộc họp tháng 9 được công bố: ‘Đa số’ quan chức FED đồng tình tiếp tục tăng lãi suất
- 11-10-2023Người đàn ông khiến ‘cây đa, cây đề’ giới đầu tư Warren Buffett và Charlie Munger kinh ngạc, lập tức tuyển làm ‘cấp phó’ và giao quyền quản lý hàng tỷ USD
- 09-10-202311 lần tăng lãi suất không cản nổi các doanh nghiệp “say mê vay nợ”: Thông điệp của FED đang không được lắng nghe?
Máy tính Hewlett-Packard (HP) thập niên 1970 có một vị trí đặc biệt trong câu chuyện kể về Singapore. Hiếm có một chiếc máy tính nào lại được nâng niu đến vậy. Vì đây là một trong những chiếc máy tính đầu tiên được sản xuất từ dây chuyền của hãng HP đặt tại quốc đảo này. Hiện “cổ vật” được đặt trong Bảo tàng Quốc gia.
Việc trưng bày chiếc máy tính thể hiện sự cởi mở và năng lực của Singapore trong việc thu hút đầu tư. Nó cũng thể hiện sự tôn trọng vai trò của cơ quan nhà nước trong việc chào đón những doanh nghiệp như HP và đảm bảo để họ có thể gọi Singapore là nhà.
Đây không chỉ là một cuộc triển lãm bình thường. Đây là một phần trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh thủ tướng đầu tiên của Singapore - Lý Quang Diệu. Ông được tôn vinh vì đã xây dựng được một xã hội thịnh vượng và trải thảm chào đón các doanh nghiệp quốc tế.
Người Singapore có thể tự hào về đất nước họ như một trung tâm trung chuyển. Cảng của đảo quốc sư tử là một trong những cảng nhộn nhịp nhất thế giới. Sân bay Changqi liên tục được xếp hạng cao. Chính phủ đang chi hàng chục tỷ USD để nâng cấp cả hai. Hoạt động thương mại diễn ra khắp Singapore đã giúp GDP bình quân đầu người của nước này thuộc hàng cao nhất thế giới (hơn 80.000 USD).
Thủ tướng Lý và các vị lãnh đạo kế nhiệm ông coi thương mại tự do là một con đường thoát nghèo. Các tổ chức phương Tây thậm chí còn coi đất nước này như một tấm gương để học hỏi kinh nghiệm.
Mặc dù thuế tiêu dùng đang tăng, nhưng thuế thu nhập ở Singapore tương đối thấp. Cơ sở hạ tầng đạt chất lượng chuẩn. Việc thành lập doanh nghiệp cũng dễ dàng và các hợp đồng có thể thực thi cách thuận lợi. Gần như chưa từng xảy ra cuộc đình công nào tại Singapore. Tình trạng tham nhũng trong chính phủ cũng rất hiếm gặp. Singapore cũng luôn được xếp hạng cao trong các cuộc khảo sát đo lường cơ hội kinh doanh.
Nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện. Việc hạn chế bán kẹo cao su hay giảm thiểu tình trạng sang đường bừa bãi chỉ thể hiện phần rất nhỏ vai trò của chính phủ. Các công ty được nhà nước hậu thuẫn đóng vai trò lớn trong thương mại. Công ty đầu tư nhà nước Temasek Holdings là cổ đông lớn nhất của nhiều công ty đại chúng quan trọng khác như Singapore Telecommunications (viễn thông), DBS Group Holdings (nhà ở) và Singapore Airlines (hàng không).
Hầu hết người dân Singapore sống trong nhà ở bình dân (HDB). Họ có nghĩa vụ đóng góp cho Quỹ Tiết kiệm Trung ương - kế hoạch tiết kiệm và lương hưu quốc gia. Quỹ này không chỉ là nguồn cung cho quỹ hưu trí mà có có thể giúp thanh toán tiền cọc mua HDB. Chuỗi cửa hàng tạp hoá hàng đầu Singapore cũng do một nhóm công đoàn trung ương thành lập. Người Singapore sẽ cần có chứng minh nhân dân, dấu vân tay và hàng loạt dữ liệu sinh trắc học phục vụ cho những việc cơ bản như đến phòng khám, mở tài khoản ngân hàng, mua điện thoại…
Tất nhiên những chính sách trên cũng phải do người dân Singapore lựa chọn. Một nhà nước có thẩm quyền và hiệu quả là một trong những nền tảng của xã hội thành công. Điều quan trọng là phải đáp ứng được những thử thách của thời đại, như các vấn đề khẩn cấp về sức khoẻ, nhu cầu của một xã hội già hoá và biến đổi khí hậu.
Đối với những ai coi Singapore là hình mẫu lý tưởng, họ cần nhận ra một điều rằng danh hiệu quốc gia đáng sống với sức mạnh và sự hấp dẫn hiện tại không tự nhiên mà có. Giống như giáo sư John Curtis Perry tại Đại học Tufts viết trong cuốn sách xuất bản năm 2017: Mọi thứ được lên kế hoạch cẩn thận và được thực hiện một cách khéo léo, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Chính phủ đóng vai trò tiên phong trong việc hành động thay mặt người dân. Còn người dân nói lên những nhu cầu của họ.
Cách thức mà chính phủ điều hành Singapore được phản ánh qua cách họ xử lý virus Corona. Nước này được coi là hình mẫu khi có số ca tử vong và nhập viện thấp, cũng như hạn chế được việc đóng cửa trường học. Ngoài ra, Singapore tuy theo chế độ chính trị dân chủ đa đảng, nhưng chỉ có một đảng nắm quyền từ khi thành lập đến nay. Họ không có hệ thống liên bang làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Quốc đảo này còn có hệ thống theo dõi liên lạc. Những ai không tuân thủ quy định phòng dịch có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Liệu Singapore có đi quá xa trong việc áp dụng các hạn chế quá nghiêm ngặt trong thời gian dài? Nhiều doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu băn khoăn. Cuộc suy thoái năm 2020 là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất mà nước này từng trải qua. Các quan chức thuyết phục các chủ doanh nghiệp bảo vệ “cốt lõi Singapore” tại nơi làm việc của họ. Một vị quan chức còn đề xuất những công ty không quan tâm đến việc phát triển nghề nghiệp của người dân địa phương sẽ nằm trong danh sách theo dõi. Vẫn chưa rõ những cái tên nào xuất hiện trong danh sách này.
Thách thức lớn nhất mà xã hội châu Á phải đối mặt là nhân khẩu học. Mặc dù Nhật Bản là ví dụ điển hình của một xã hội già nua nhưng tỷ lệ sinh của quốc gia này dường như còn cao hơn so với các nước láng giềng.
Tỷ lệ sinh con của Singapore (số em bé mà một người phụ nữ sinh ra) đã giảm còn 1,04 vào năm 2022. Theo chính phủ, Singapore đang trên đà trở thành một “xã hội siêu già”. Ước tính đến năm 2030, gần 1/4 người Singapore sẽ trong độ tuổi từ 65 trở lên.
Vai trò của các nhà hoạch định chính sách lúc này là chuẩn bị tốt cho sự thay đổi đó. Trong ngày Quốc Khánh, Thủ tướng Lý Hiển Long đã vạch ra kế hoạch tăng cường lương hưu và chuẩn bị nhà HDB cho những thay đổi sắp tới.
Thách thức về nhân khẩu học, giống như nhiều trông gai khác, được đóng khung dưới dạng “ý chí tập thể”. Nếu tất cả các thành phần xã hội, đặc biệt là nhà nước, đoàn kết lại với nhau thì câu chuyện Singapore sẽ còn được viết tiếp.
Sức mạnh đoàn kết là một phần quan trọng của Singapore. Nhưng có một hạn chế là quốc gia này không khuyến khích việc chấp nhận rủi ro. Phát biểu tại một hội nghị gần đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đặt ra câu hỏi rằng liệu những người như Elon Musk và Steve Jobs có thể vươn xa nếu phát triển trong một hệ thống như Singapore.
Nhưng cho dù trong nửa thế kỷ nữa Singapore có ra sao, thì nhà nước vẫn sẽ có vai trò to lớn trong việc điều hành quốc đảo này. Bàn tay này không phải là vô hình, và người Singapore thích điều đó.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp Sống Thị Trường