MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật kinh doanh thành công của một trong những gia tộc quyền lực nhất châu Âu

17-02-2017 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Đối với nhà Wallenberg, sức mạnh của họ không nằm ở những cái tên lọt vào danh sách giàu nhất Thụy Điển. Quỹ KAW giúp tránh được xung đột về quyền sở hữu và cho phép mỗi thế hệ đều có một số người giữ vai trò quan trọng.

Hãy gọi đó là “bông hoa điện” của thế kỷ 21. Trong một ngôi trường đại học ở miền Trung Thụy Điển, Magnus Berggren giải thích cách mà anh đã đặt một mạch điện vào bên trong một bông hồng. Chỉ sử dụng các vật liệu hữu cơ, vị giáo sư trẻ tuổi đã đặt thành công những sợi dây điện vào trong cuống hoa và thậm chí có thể điều khiển công tác bật hay tắt.

Giáo sư Berggren là trưởng phòng thí nghiệm điện hữu cơ tại ĐH Linkoping. Anh hào hứng nói rằng thí nghiệm kể trên có thể biến cây cối thành những cỗ máy sản xuất năng lượng mặt trời với những cục pin được đặt trong thân cây. Một ứng dụng khác là điều khiển thời điểm hoa nở sao cho những bông hoa hồng và hoa tulip vẫn còn tươi nguyên khi đến tay người mua.

Nhưng nhiều người đã hoài nghi về ý tưởng này. Một nhà sinh học người Thụy Điển từng gọi đó là “một ý tưởng ngu ngốc”. Nhưng giáo sư Berggren đã nhận được nguồn tiền phục vụ cho việc nghiên cứu từ gia tộc Wallenberg. Knut and Alice Wallenberg (KAW), quỹ từ thiện của gia đình này vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 và hiện là quỹ lớn thứ 2 ở châu Âu chuyên tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học cơ bản. Tổng cộng quỹ này đã cho đi 24 tỷ krona, tương đương 2,7 tỷ USD.

Nguồn tiền từ quỹ KAW cho phép các nhà khoa học thử nghiệm bất cứ thứ gì họ muốn mà không bắt buộc phải cho ra kết quả. Đây là một điều khá hiếm hoi. “Ngày nay hầu như đồng tiền gắn chặt với thứ gì đó mang tính đột phá, vì thế không phải lúc nào tôi cũng có tiền để làm những thứ mạo hiểm”, giáo sư Berggren chia sẻ.

Quỹ KAW đã đóng góp không nhỏ cho nền khoa học châu Âu và đặc biệt là khoa học Thụy Điển, đất nước Scandinavi có dân số 10 triệu người nhưng rất mạnh về nghiên cứu. Cũng có thể coi đây là yếu tố bí mật tạo nên thành công của một trong những gia tộc kinh doanh hùng mạnh nhất châu Âu.

Không phải gia đình Wallenberg mà là quỹ KAW sẽ sở hữu cổ phần ở những công ty như Ericsson, Electrolux, AstraZeneca và Nasdaq. Chính nguồn tín dụng của Wallenberg góp phần tạo nên sự lâu bền và giúp gia tộc tránh được cảnh mâu thuẫn với những cuộc tranh cãi khiến gia đình đổ vỡ - điều mà rất nhiều gia tộc đã gặp phải.

Peter Wallenberg Jr (57 tuổi), chủ tịch của KAW, từng chia sẻ nếu không phải là một quỹ, gia tộc này sẽ khó có thể duy trì đến thế hệ thứ 5 như bây giờ.

Mô hình kinh doanh độc đáo đặc trưng của vùng Scandinavi

Năm ngoái, số tiền mà KAW tài trợ cho các dự án lên tới 1,8 tỷ krona, tương đương tổng số tiền đã giải ngân từ khi ra đời năm 1917 đến năm 1991. Alice và Knut, những người mà khi đó đang là Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, đã xây dựng được một gia tài từ cổ phiếu của nhiều công ty Thụy Điển nhưng họ lại không có con. Vì thế hai người quyết định trích ra 64 triệu USD để thành lập một quỹ có mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giáo dục.


Alice và Knut, những người sáng lập nên quỹ từ thiện của gia tộc Wallenberg. Nguồn: Financial Times.

Alice và Knut, những người sáng lập nên quỹ từ thiện của gia tộc Wallenberg. Nguồn: Financial Times.

Gia tộc Wallenberg sau này mở rộng từ một trong những người anh trai của Knut và điều hành quỹ KAW suốt 100 năm qua. Họ cũng điều hành nhiều công ty Thụy Điển nhưng không phải thông qua sở hữu cổ phần mà qua quỹ KAW. Công chúng chú ý đến cách họ điều hành những công ty như tập đoàn đa quốc gia ABB, ngân hàng SEB, nhà sản xuất ô tô Saab hay tập đoàn công nghiệp Atlas Copco. Tổng doanh thu của các công ty niêm yết mà quỹ KAW nắm nhiều cổ phần lên tới 130 tỷ USD. Nhưng KAW vẫn là một điều bí ẩn.

Peter Wallenberg Jr, với nickname “Poker” miêu tả gia đình mình như một “đoạn mạch khép kín”. 3 người đại diện cho thế hệ thứ 5 của gia tộc là Jacob, Marcus và Peter ngồi trong hội đồng quản trị của các công ty, cố gắng thu được càng nhiều cổ tức càng tốt để tài trợ cho quỹ.

Poker thường nói với các CEO rằng “bạn càng làm tốt công việc thì chúng tôi càng có nhiều tiền hơn để đầu tư cho khoa học”. Khoảng 80% số tiền được đầu tư cho nghiên cứu và 20% còn lại được tái đầu tư.

Một câu ngạn ngữ cổ về hoạt động kinh doanh của các gia tộc nói rằng thế hệ thứ nhất xây dựng cơ đồ, thế hệ thứ hai chỉ biết tiêu tiền và thế hệ thứ ba sẽ tiêu sài hoang phí hơn nữa. Nghiên cứu của Family Firm Institue nói rằng chỉ 3% các tập đoàn gia đình trị có thể tồn tại được đến thế hệ thứ 4.

Nhưng đối với nhà Wallenberg, sức mạnh của họ không nằm ở những cái tên lọt vào danh sách giàu nhất Thụy Điển. Quỹ KAW giúp tránh được xung đột về quyền sở hữu và cho phép mỗi thế hệ đều có một số người giữ vai trò quan trọng.

Steen Thomsen, giáo sư tại trường kinh doanh Copenhagen, nhận định Wallenberg đang vận hành một trong những đế chế lớn nhất thế giới nếu xét theo doanh thu. Mô hình không chủ sở hữu tỏ ra hiệu quả vì không giống như các quỹ đầu cơ hay công ty vốn cổ phần khác, họ có những thỏa thuận đã được số đông thông qua ngay từ những ngày đầu. Ngoài ra, Wallenbergs đã làm nhiều thứ đúng đắn như đầu tư đa dạng và luôn hướng đến những mục tiêu dài hạn.

Các quỹ có cấu trúc tương tự KAW khá phổ biến ở vùng Scadinavi nhưng lại lạ lẫm với thế giới. Marcus Wallenbergs từng nói rằng một số gia tộc khác không thể hiểu nổi những gì gia đình anh đang làm. “Tại sao các bạn lại làm như vậy? Không có cổ phần trong cuộc chơi”. Câu trả lời là bù lại gia tộc này có được sự linh hoạt trong tương lai và xác định được phải cố gắng làm việc để gìn giữ của cải.

Quỹ KAW đã tham gia vào nhiều dự án giáo dục lớn, từ xây trường cho đến các rót tiền bảo tồn các viện bảo tàng cũng như cung cấp các thiết bị hiện đại như siêu máy tính và các thiết bị nghiên cứu hạt nhân.

KAW đang triển khai dự án hỗ trợ nghiên cứu hệ thống tự động hóa và phát triển phần mềm. Tổng cộng đã có 1,3 tỷ krona được giải ngân trong 10 năm qua. Dự án không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu và các trường đại học mà còn cả các doanh nghiệp. Mục tiêu là thu hút được một nhóm 150 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Một số người hoài nghi về việc làm sao để gia tộc Wallenbergs duy trì sức cạnh tranh của mỗi thế hệ. Goran Sandberg, giám đốc điều hành của quỹ, cũng tự thừa nhận rằng xét thuần túy về tiềm lực tài chính thì khó có thể cạnh tranh với những ngôi trường danh giá như Stanford và Harvard, nhưng trong bối cảnh Anh rời EU và Tổng thống Mỹ Donald Trump khắt khe hơn với người nhập cư, ông tự tin “sẽ có nhiều người đến với chúng tôi”.

Đối với Thụy Điển, đất nước đang cố gắng hỗ trợ và mong muốn có được không chỉ những nhà nghiên cứu hàng đầu mà cả một vài tập đoàn công nghiệp lớn nhất châu Âu, tiền của Wallenberg là rất quan trọng. “Nếu bạn tập hợp được những bộ óc vĩ đại nhất, xã hội Thụy Điển sẽ được hưởng nhiều lợi ích lớn lao”, Sandberg nói.

Thu Hương

Financial Times

Trở lên trên