Bí mật sống thọ của ngôi làng có nhiều người sống trên 100 tuổi, nơi duy nhất trên thế giới có bảo tàng Trường thọ
Lerik - ngôi làng vùng núi ở Azerbaijan nổi tiếng là nơi duy nhất trên thế giới có bảo tàng Trường thọ, có nhiều người dân đạt tuổi thọ ba con số.
- 29-10-2022Sự thật về ngôi làng bị chôn vùi dưới chân Công viên Trung tâm của New York
- 28-10-2022Ngôi làng kỳ lạ, nơi duy nhất mọi người đều có thể đi trên dây
- 27-10-2022Ngôi làng kỳ lạ, nơi duy nhất mọi người đều có thể đi trên dây
- 24-10-2022Kỳ lạ ngôi làng Ấn Độ cho khỉ đứng tên 32 mẫu đất vì một lý do đặc biệt
- 16-10-2022Ngôi làng độc nhất vô nhị: Mái nhà trở thành đường đi lại của cư dân
Trên thế giới có nhiều nơi nổi tiếng là vùng đất trường thọ như vùng Okinawa tại Nhật Bản với danh hiệu "Vùng đất của những người bất tử" hay Campodimele được mệnh danh là "Ngôi làng vĩnh cửu" tại Ý… Dù không nổi tiếng như Okinawa hay Campodimele, làng Lerik tại miền nam đất nước Azerbaijan cũng được xem là vùng đất trường thọ, là một trong những nơi người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới. Đồng thời đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới có Bảo tàng Trường thọ.
Ở vùng đất màu ngọc lục bảo trên Dãy núi Talysh này, đi hết vòng này đến vòng khác của một con đường ngoằn ngoèo, người ta dường như đã khám phá ra bí mật để có người dân nơi đây khỏe mạnh và sống thọ.
Ảnh: Kamilla Rzayeva.
Bảo tàng Trường thọ
Theo CNN, bảo tàng Trường thọ ở Lerik được xây dựng vào năm 1991 và tu sửa lại vào năm 2010. Đây là nơi lưu giữ hơn 2.000 hiện vật ghi lại cuộc sống và ký ức của những dân người sống thọ nhất trong làng. Bảo tàng trưng bày nhiều đồ dùng cá nhân mà những người sống thọ nhất Lerik từng sử dụng lâu dài như chiếc bàn là 3 thế hệ, chiếc rương chứa đầy khăn trùm đầu và áo sơ mi, chiếc bình và bát bằng bạc, những bức thư được viết bằng cả tiếng Azerbaijan và tiếng Nga mực đã bắt đầu phai…
Có lẽ điều hấp dẫn du khách nhất trong bảo tàng này là chân dung những người sống trăm tuổi phủ kín các bức tường. Nhiều bức ảnh được chụp từ những năm 1930, do nhiếp ảnh gia người Pháp Frederic Lachop gửi tặng.
Năm 1991, Lerik có hơn 200 người trên 100 tuổi trong tổng số 63.000 dân. Các son số trở nên ít ấn tượng hơn kể từ đó. Hiện nay, dân số của Lerik là 83.800 người trong đó có 11 người thọ trên 100 tuổi.
Ảnh: Geographical.
Sự tĩnh lặng của tâm trí
Khi trời trở lạnh, hầu hết những người sống trên trăm tuổi đều chuyển đến sống ở những vùng ven biển dễ chịu hơn của Lankaran, nhưng bà Qambarova vẫn chọn ở lại làng Lerik. Bà ngồi bên cửa sổ, quấn một chiếc khăn choàng, chia sẻ câu chuyện về những người dân ở đây bằng ngôn ngữ mẹ đẻ Talysh, một phương ngữ chỉ được 200.000 người sử dụng và được UNESCO xếp vào loại "dễ bị thất truyền".
Bà khoe hộ chiếu không ghi ngày tháng năm sinh, chỉ ghi năm 1924. Dù đã 95 tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh, thường xuyên giao lưu với cháu, chắt của mình. Là một người có khiếu hài hước, khi được hỏi tuổi, bà vui vẻ trả lời: "Tôi 15".
Một trong những bí quyết sống thọ của người dân nơi đây là để tâm trí tĩnh lặng. “Sự tĩnh lặng trong tâm trí là một phần bí mật giúp họ sống lâu. Người dân ở đây tránh xa căng thẳng, nghĩ về cuộc sống theo tư duy triết học. Họ tập trung vào cuộc sống ở hiện tại, không có nhiều kế hoạch hay lo lắng cho tương lai", hướng dẫn viên địa phương chia sẻ.
Dinh dưỡng tốt và các sản phẩm từ tự nhiên
Một ngày của bà Halima Qanbarova bắt đầu lúc bình minh, thức dậy ngay khi mở mắt. Bà không cho phép mình ngủ nướng. Dù đã 95 tuổi nhưng bà vẫn dành cả ngày để làm những công việc trong vườn, xung quanh nhà. Căn phòng nhỏ của bà chỉ có vỏn vẹn một tấm thảm mềm dày và những chiếc gối trên sàn. Nhiều người dân ở đây thích ngủ trên mặt đất, lót một tấm chăn mỏng thay vì dùng đệm. Họ cho rằng đây là cách nghỉ ngơi tốt nhất cho lưng.
Bà Halima Qambarova đã 95 tuổi. Ảnh: Kamilla Rzayeva
Trái với suy nghĩ của nhiều người, những người sống thọ ở Lerik vẫn ăn thịt. Nhưng họ thích dùng các sản phẩm từ sữa như phô mai tươi, bơ, sữa, sữa chua uống…hơn cả. Các loại hoa quả trồng trồng ngoài vườn của họ và trà thảo mộc tại vùng đất này cũng là cách giúp người ở đây đảm bảo dinh dưỡng cho mình mà không cần dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Hướng dẫn viên cho biết: “Bí quyết sống lâu của người dân nơi đây là dinh dưỡng tốt, các khoáng chất trong nước suối và các loại thảo mộc mà chúng tôi thêm vào trà để ngăn ngừa bệnh tật, vì vậy mọi người không phải uống bất kỳ loại thuốc nào mà chỉ sử dụng các biện pháp tự nhiên”. Thật vậy, Qambarova cũng khẳng định rằng bà chưa bao giờ dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Duy trì hoạt động thể chất mỗi ngày
Công việc của những cư dân ở đây không mấy nhẹ nhàng. Họ làm việc trong vườn, trên đồng từ bình minh tới lúc chiều tàn. Đó là phong cách sống của ông Mammadkhan Abbasov 103 tuổi cũng như nhiều người lớn tuổi khác trong làng. Trong gần một thế kỷ, ông làm việc trên cánh đồng cả ngày và chỉ dừng làm việc từ 7 năm trước khi thị lực giảm dần và mù hẳn.
Khi được hỏi về chế độ ăn tại nơi đây, người dân cho biết họ ăn "bất cứ thứ gì trời ban cho" với không bao giờ uống rượu. Ông Mammadkhan Abbasov cho rằng mình sống lâu là nhờ ăn thực phẩm từ tự nhiên, hoạt động thể chất hàng ngày không đến mức kiệt sức nhưng vừa đủ để thách thức cơ thể. Ngoài ra, ông còn uống nhiều nước suối lạnh giàu khoáng chất được cho là điều góp phần kéo dài tuổi thọ của người dân nơi đây.
Việc sống trên các ngọn núi cao cũng có thể là một yếu tố tác động đến tuổi thọ. Nghiên cứu của Đại học Navarra, Tây Ban Nha năm 2017 cho thấy sống ở vùng núi cao làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường. Nghiên cứu của Đại học Colorado Denver, Mỹ năm 2011 cho thấy những người sống ở vùng núi cao thường có sức khỏe tốt và sống thọ hơn.
Bí mật sống trường thọ của người dân ở Lerik khá đơn giản, đó là: duy trì hoạt động thể chất, dinh dưỡng tốt, uống nhiều nước và tinh thần sống lạc quan.
Phụ nữ Việt Nam