MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật tạo nên sự khác biệt của hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ở Singapore

16-10-2017 - 07:57 AM | Tài chính quốc tế

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore rất khác biệt. Trong số các quốc gia phát triển bao gồm Canada, Anh, Singapore, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Úc và Mỹ, thì chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia châu Á này chiếm phần nhỏ nhất trong nền kinh tế so với của các nước còn lại.

Singapore chi ít hơn rất nhiều cho chăm sóc sức khỏe so với Mỹ, nhưng vẫn đạt được những kết quả rất đáng chú ý.

Tuổi thọ tự nhiên của người Singapore cao hơn từ 2 cho đến 3 năm so với người Anh hay người Mỹ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh của quốc gia này nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, khoảng ½ so với Mỹ, và chỉ hơn ½ một chút so với Anh, Úc, Canada và Pháp. Tỷ lệ tử vong nói chung cũng rất ấn tượng so với các quốc gia còn lại trong cuộc khảo sát.

Khi tổ chức WHO xếp hạng các hệ thống chăm sóc sức khỏe vào năm 2000, Mỹ đứng ở vị trí 37, trong khi Singpore xếp ở vị trí thứ 6.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Singapore

Người Mỹ có xu hướng cho rằng họ có một hệ thống y tế tư nhân hóa cao, nhưng Singapore thậm chí còn làm được nhiều hơn thế. Ở Singapore, khoảng 2/3 chi tiêu chăm sóc sức khỏe thuộc về khu vực tư nhân, và 1/3 còn lại là của các bệnh viện/trung tâm y tế công, ngược lại với Mỹ.

Hệ thống y tế của Singapore cũng là sự kết hợp giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân và công cộng. Quốc gia này có các bệnh viện công và tư, cũng như các mức chăm sóc sức khỏe khác nhau. Có 5 hạng: A, B1, B2+, B2 và C.

Hạng A cho phép bạn có một phòng bệnh riêng, một phòng tắm riêng, điều hòa và được chọn bác sĩ. Hạng C cho phép bạn nằm ở một phòng điều trị mở cùng với 7 hoặc 8 bệnh nhân khác, một phòng tắm chung và một bác sĩ được chỉ định sẵn. Nhưng chọn hạng A cũng đồng nghĩa rằng bạn phải chi trả cho tất cả các dịch vụ đó, còn ở hạng C, chính phủ chi trả tới 80% phí dịch vụ.

Một nguyên nhân nữa khiến Singapore trở nên khác biệt và được yêu mến bởi các nhà phân tích chính sách bảo thủ là sự phụ thuộc vào các tài khoản tiết kiệm sức khỏe. Tất cả những người lao động bắt buộc phải dành một phần thu nhập của họ để tiết kiệm cho tương lai. Người lao động dưới 55 tuổi phải dành ra 20% lương của họ vào các tài khoản tiết kiệm này, kết hợp với 17% tiền lương từ chủ lao động. Sau 55 tuổi, tỷ lệ phần trăm này sẽ giảm xuống.

Số tiền tiết kiệm được chia vào 3 loại tài khoản. Tài khoản Thông thường được sử dụng cho nhà ở, bảo hiểm nhân thọ và phòng khi ốm yếu tàn tật, hoặc để đầu tư hay giáo dục. Tài khoản Đặc biệt dành cho tuổi già và đầu tư vào các sản phẩm tài chính liên quan đến hưu trí. Tài khoản Medisave được sử dụng cho các chi phí chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế được phê chuẩn.

Medisave chiếm khoảng 8 – 10,5% tiền lương, tùy thuộc vào tuổi của người lao động. Tài khoản này cũng được hưởng lãi suất do chính phủ quy định, và nó có giới hạn tối đa, khoảng 52.000 USD. Khi đạt mức trần, bạn có thể chuyển các khoản tiết kiệm bắt buộc sang một loại tài khoản khác.

Ngoài Medisave, chương trình chăm sóc sức khỏe thứ 2 ở Singapore là Medishield Life dành cho các căn bệnh rất nặng. Dù nó không bắt buộc, hầu hết dân số đều tham gia chương trình này. Dù không được trợ cấp từ chính phủ, nó rất rẻ, từ 16 USD/tháng cho một người 29 tuổi vào năm 2019 cho đến 68 USD/tháng đối với một người 69 tuổi.

Medishield Life bắt đầu có tác dụng khi bạn đã thanh toán hết các khoản khấu trừ trong năm, và sau khi bạn đã chi trả các khoản đồng bảo hiểm/đồng chi trả. Các khoản khấu trừ thay đổi theo độ tuổi và hạng chăm sóc mà bạn chọn, và dao động từ 1500 đến 3000 USD. Mức đồng chi trả từ 3 đến 20%, dao động theo quy mô của hóa đơn y tế. Medishield Life có giới hạn là 100.000 USD/năm nhưng sẽ kéo dài suốt đời.

Medishield Life được quản lý để bao hàm hầu hết các trường hợp nhập viện ở các phòng điều trị hạng B2 hoặc C. Các bệnh nhân sẽ trang trải phần viện phí còn lại bằng tài khoản Medisave của họ. Họ cũng có lựa chọn để trả cho các bảo hiểm bổ sung để được hưởng chăm sóc sức khỏe ở hạng cao hơn.

Một số lựa chọn được đề nghị bởi chính phủ, và người dân có thể dùng tiền Medisave để trả cho chúng. Các lựa chọn bảo hiểm khác hoàn toàn là của tư nhân, và đôi khi được đề nghị bởi chủ lao động như một phần của lợi ích khi làm việc cho họ.

Chương trình chăm sóc sức khỏe thứ 3 là Medifund, một chương trình mạng lưới an toàn của chính phủ Singapore. Chỉ các công dân quốc gia này mới đủ điều kiện tham gia. Nó chỉ chi trả cho hạng phòng điều trị thấp nhất và chỉ dành cho những người cạn kiện tài khoản Medisave và bảo hiểm Medishield Life. Sự trợ giúp của Medifund ít hay nhiều phụ thuộc vào thu nhập của người bệnh và gia đình của họ, hoàn cảnh, chi phí và các bối cảnh xã hội. Các quyết định được đưa ra ở cấp địa phương.

Nguyên nhân khiến chi phí chăm sóc y tế ở Singapore rẻ hơn ở các quốc gia phát triển khác

Một số người nghĩ rằng đó là nhờ việc sử dụng tốt các tài khoản tiết kiệm cho sức khỏe và chia sẻ chi phí. Những người phải sử dụng tiền của mình thì thường chi tiêu ít hơn. Nhưng đó không phải là toàn bộ nguyên nhân. Một phần thành tựu trên là nhờ rất nhiều các quy định của chính phủ.

Thông qua hệ thống chăm sóc được phân hạng và các bệnh viện công, chính phủ có rất nhiều quyền kiểm soát đối với chăm sóc nội trú. Nó cho phép một hệ thống chăm sóc y tế tư nhân cạnh tranh với hệ thống công, nhưng hệ thống bệnh viện công vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp dịch vụ.

Ban đầu, Singapore đã để cho bệnh viện cạnh tranh nhiều hơn, tin rằng thị trường tự do sẽ làm giảm chi phí. Nhưng khi các bệnh viện cạnh tranh, họ đã làm điều này bằng cách mua công nghệ mới, cung cấp các dịch vụ chăm sóc đắt tiền, chi trả cho bác sĩ nhiều hơn, giảm dịch vụ đến các phòng điều trị có hạng thấp và tập trung nhiều hơn vào các phòng điều trị hạng A. Điều này dẫn đến tăng chi tiêu.

Nói cách khác, Singapore đã khám phá ra rằng, thị trường đôi khi thất bại trong chăm sóc sức khỏe. Khi điều đó xảy ra ở Singapore, các quan chức chính phủ đã can thiệp nhiều hơn. Họ đã thiết lập tỷ lệ từng loại phòng điều trị mà các bệnh viện phải cung cấp, khiến cho các bệnh viện không thể tập trung quá nhiều vào lợi nhuận, và các trung tâm y tế này cũng cần sự chấp thuận để mua công nghệ mới, tốn kém.

Singapore kiểm soát chặt chẽ số lượng bác sĩ, và cũng kiểm soát một phần lương của họ. Quốc gia này cũng sử dụng sức mua số lượng lớn để chi tiêu ít hơn cho thuốc.

Singapore cũng là một quốc gia có kích thước rất nhỏ bé, và dân số nói chung khỏe mạnh hơn một số quốc gia khác. Và việc điều hành một hệ thống chăm sóc sức khỏe ở quy mô đó có thể dễ dàng hơn một chút. Nó cũng giúp việc thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn.

Theo K Nguyễn

Thời đại

Trở lên trên