MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật thành công của Temu: Khắc phục nhược điểm của Amazon, Facebook khi tinh giản bộ máy, hạn chế họp hành và nhắm vào 'lòng tham' của người tiêu dùng

09-10-2024 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Dù có giá trị hàng trăm tỷ USD nhưng PDD và Temu lại hạn chế họp hành, báo cáo thường niên thì dùng vài dòng tóm tắt trong khi giám đốc cấp cao phải ra quyết định hàng ngày, còn cấp dưới chỉ là người thực hiện.

Trong phần trước, chúng ta đã nói về văn hóa lao động của Temu, một chiến thuật khắc nghiệt, cạnh tranh, lạnh lùng và đầy tàn nhẫn đã làm nên sàn thương mại điện tử (TMĐT) thành công, làm chao đảo thị trường Mỹ.

Tiếp đến, chúng ta sẽ phân tích cấu trúc của Temu cũng như chiến thuật đánh vào tâm lý tham lam của người tiêu dùng để đi đến thành công như thế nào.

Startup trăm tỷ USD

Tại Temu, các giám đốc cấp cao đều làm việc chăm chỉ mỗi ngày, có mặt ở bàn làm việc từ 8h sáng đến tận nửa đêm.

Sự nhiệt huyết này chẳng có gì đáng chê trách nhưng liệu có thể thành công khi Temu ngày một bành trướng với Tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt đến 20 tỷ USD, qua đó đòi hỏi một hệ thống phân cấp quản lý phức tạp để vận hành cả bộ máy?

Câu trả lời nằm ở cấu trúc phẳng đầy hiệu quả của Temu.

Bí mật thành công của Temu: Khắc phục nhược điểm của Amazon, Facebook khi tinh giản bộ máy, hạn chế họp hành và nhắm vào 'lòng tham' của người tiêu dùng- Ảnh 1.

Mặc dù công ty mẹ Pinduoduo (PDD) có giá trị hàng trăm tỷ USD nhưng Temu vẫn định hình bản thân là một hãng khởi nghiệp công nghệ.

Đội ngũ chính thức của Temu được thành lập vào năm 2022 với chỉ 200 người và hiện quy mô đã lên đến 1.500 nhân sự, thế nhưng cơ cấu tổ chức của Temu lẫn PDD rất phẳng, trái với mô hình phức tạp của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Trong khi Meta (Facebook), Amazon hay Google phải vật lộn để cắt giảm nhân sự và loại bỏ tình trạng nhân viên nhận lương nhưng chẳng làm gì thì PDD và Temu lại hoạt động cực kỳ tinh gọn, hiệu quả.

Nhìn chung, nhà sáng lập Colin Huang của PDD và đội ngũ giám đốc cấp cao tại Temu sẽ là bộ não ra quyết định hàng ngày cho doanh nghiệp chứ không phải các quản lý cấp trung. Toàn bộ nhân viên và quản lý cấp dưới sẽ chỉ là người chịu trách nhiệm thực hiện.

Ưu điểm của phương pháp quản lý này là định hướng chiến lược của công ty rất nhất quán và hiệu quả thực hiện cực kỳ cao.

Toàn bộ đội ngũ quản lý của PDD và Temu chỉ có 3 cấp: giám đốc cấp cao, quản lý cấp trung, quản lý cấp thấp cùng nhân viên.

Bởi vậy thay vì mất thời gian báo cáo, thông qua nhiều cấp trước khi ra được quyết định thì Temu tận dụng sự tinh giản trong bộ máy để không bỏ lỡ thời cơ tốt nhất.

Sự tinh giản này khiến chi phí vận hành nội bộ của PDD và Temu cực kỳ thấp.

Thậm chí để nâng cao hiệu quả công việc, Temu có rất ít cuộc họp nội bộ để tối ưu hóa hiệu suất làm việc cho nhân viên.

Ngay cả báo cáo thường niên, Temu cũng chẳng dùng Powerpoint trình bày mà chỉ viết vài đoạn dữ liệu tóm tắt kết quả công việc.

Không giống như những gã khổng lồ internet truyền thống, các phòng ban của Temu không cần phải căn chỉnh thông tin với nhau cho tốn thời gian. Dựa trên hệ thống quản lý cực kỳ phẳng và hiệu quả này, Temu đã hoàn thành việc phát triển nền tảng của mình chỉ trong hơn nửa năm và sau đó nhanh chóng bùng nổ mạnh làm khuấy đảo thị trường TMĐT.

Bí mật thành công của Temu: Khắc phục nhược điểm của Amazon, Facebook khi tinh giản bộ máy, hạn chế họp hành và nhắm vào 'lòng tham' của người tiêu dùng- Ảnh 2.

Ngoài ra, cơ cấu này khiến Temu chấp nhận cả lỗi lầm của nhân viên miễn là họ hoàn thành mục tiêu được cấp trên giao phó.

Ví dụ PDD và Temu áp dụng mô hình quản lý “trung tâm nhỏ địa phương lớn”, qua đó trao mức độ tự chủ, linh hoạt cao cho các quản lý địa phương để có thể huy động nguồn lực từ nhiều bên miễn là hoàn thành mục tiêu.

Bởi vậy khi các giám sát viên đến làm việc tại địa phương, họ thường chọn một kho hàng và biến chúng thành văn phòng kinh doanh chứ không tốn tiền thuê địa điểm.

Đồng thời, PDD và Temu chấp nhận quyền tự chủ và cả những sai lầm của các quản lý địa phương này miễn là họ hoàn thành được mục tiêu kinh doanh đề ra từ cấp trên. Tổng bộ chỉ chịu trách nhiệm hỗ trợ nguồn lực.

Tham lam là bản chất con người

Sau khi hoàn thành một cơ cấu tổ chức tinh giản, mạnh mẽ và hiệu quả, Temu bắt đầu công thức thành công của PDD đã từng làm tại Trung Quốc, đó là “Đốt tiền và trợ cấp mạnh mẽ trong giai đoạn đầu; Cắt giảm chi phí hoạt động và thu hút khách hàng trong giai đoạn sau; cuối cùng đạt được lợi nhuận”.

Để làm được điều này, Temu tận dụng rất tốt bản chất tham lam của con người.

Trong giai đoạn đầu, Temu cố gắng tạo ra một bầu không khí mà bất kỳ ai tham gia bán hàng cũng có thể giàu có chỉ sau 1 đêm.

Ví dụ, bằng cách liên tục quảng cáo một sản phẩm dành cho mẹ và bé vừa mới lên mạng, có doanh số gần chục nghìn đơn hàng mỗi tháng, Temu nhanh chóng trở nên phổ biến trong một nhóm nhỏ những người kinh doanh hàng mẹ và bé muốn làm giàu.

Hàng loạt những câu chuyện tương tự xuất hiện và vô số người bán đang phải vật lộn với hàng tồn kho trên Amazon bắt đầu đổ xô sang Temu.

Bí mật thành công của Temu: Khắc phục nhược điểm của Amazon, Facebook khi tinh giản bộ máy, hạn chế họp hành và nhắm vào 'lòng tham' của người tiêu dùng- Ảnh 3.

Chính Temu cũng tích cực đốt tiền quảng cáo cho giai đoạn đầu này, đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút cả người bán lẫn khách hàng.

Nước đi nhắm vào sự tham lam này của cả bên bán lẫn bên mua khiến Temu dần gây được tiếng vang, nhưng làm thế nào sàn TMĐT này giữ được ưu thế? Câu trả lời nằm ở tiết kiệm chi phí và bán hàng giá rẻ.

Khi đã có được lượng lớn khách hàng lẫn người bán, Temu hiểu rằng sức mạnh của họ chủ yếu nằm ở bên mua bởi nếu có đủ nhiều khách hàng thì bên bán có bị ép lợi nhuận đến thế nào cũng khó lòng rời bỏ sàn TMĐT này.

Trong khi đó, việc kiểm soát chi phí, bán hàng giá rẻ sẽ thu hút khách hàng, qua đó càng khiến Temu gia tăng được quyền lực.

Vậy là Temu ra mắt hệ thống đặc biệt, qua đó chỉ cho nổi bật những sản phẩm rẻ nhất, đồng thời liên tục thông báo hối thúc người bán hạ giá thành để được lên nổi bật. Tất cả chỉ để truyền đạt một thông điệp: “Nếu doanh số bán hàng kém thì là do giá sản phẩm của bạn không đủ thấp”.

Dần dần, người bán hàng tham lam với giấc mơ làm giàu trên Temu nhận ra hệ sinh thái này khá tàn nhẫn. Chính người bán đã góp phần kéo khách hàng về cho Temu nhưng khi bị ép giá đến mức không còn lợi nhuận thì rất khó để lấy lại các khoản tiền cọc.

Thậm chí nếu vi phạm bị trả hàng, bên bán sẽ bị phạt và khấu trừ hoặc giam giữ tiền bán.

Đội ngũ pháp lý của Temu xây dựng nhiều điều khoản mơ hồ, với mục đích cốt lõi là chuyển giao mọi rủi ro, bao gồm cả bất khả kháng (những tình huống không lường trước được), cho các đối tác, trong khi bản thân Temu không chịu bất kỳ trách nhiệm nào.

Ví dụ, giá trị khai báo mà Temu đưa ra cho bên bán chỉ mang tính tham khảo. Nếu có bất kỳ cuộc kiểm tra hải quan nào, liên quan đến thuế, giá trị khai báo... Temu sẽ không chịu bất kỳ rủi ro nào mà chính các người bán hàng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên người bán chẳng làm được gì khi vị thế Temu ngày một lớn do người mua tham lam đổ dồn vào mua hàng giá rẻ trên nền tảng này.

(Còn tiếp)

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên