Bị ngân hàng SHB thu giữ tài sản, Công ty An Trường An (ATG) nói gì?
An Trường An (ATG) niêm yết trên HoSE từ năm 2016 và từ đó đến nay cổ phiếu này liên tục giảm, thị giá hiện chỉ còn quanh ngưỡng 600 đồng/cp, thuộc "top" thấp nhất toàn thị trường. Trước thông tin bị thu giữ tài sản, cổ phiếu ATG liên tục nằm sàn.
- 26-12-2019Liên tục vi phạm quy định trên thị trường chứng khoán, An Trường An (ATG) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt
- 18-08-2019An Trường An (ATG) điều chỉnh tăng lỗ thêm 15 tỷ đồng, kiểm toán nêu vấn đề nhấn mạnh
An Tường An (ATG) vừa có văn bản giải trình gửi Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) liên quan đến việc ngân hàng SHB thông báo thu giữ và xử lý tài sản để xử lý nợ xấu.
Chi tiết, ngày 21/9, SHB ra thông báo thu giữ và xử lý 5 tài sản đảm bảo đối với An Trường An để thu hồi nợ vay, bao gồm trụ sở chính của công ty tại số 347 Trần Hưng Đạo, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Các tài sản đảm bảo này thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Trương Đình Xuân và Tổng giám đốc Trần Thị Mai Xuân.
Theo thông báo từ SHB, mặc dù ngân hàng đã nhiều lần hỗ trợ, tạo điều kiện để ATG thanh toán và thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khách hàng vẫn không thực hiện đúng cam kết trả nợ, vị phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.
Trong văn bản giải trình, An Tường An cho biết chậm thanh toán là do khoản nợ vay của SHB được sử dụng để đầu tư cho dự án khu du lịch Thủy Sơn Trang, nhưng do những vướng mắc về vấn đề giải tỏa khiến dự án không thể tiếp tục. Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 đã thống nhất việc ngưng đầu tư và thu hồi các khoản tiền đã đầu tư. Nguồn tiền thu hồi sẽ dùng để trả nợ cho SHB. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT đang điều trị bệnh nên việc công bố thông tin bị chậm trễ.
An Trường An cũng nhấn mạnh đang thu xếp nguồn tiền thanh toán dứt điểm nợ cho vay cho SHB để không ảnh hưởng đến hoạt động công ty tại trụ sở chính cũng như không gây ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư.
Về tình hình hoạt động, dịch Covid-19 khiến An Tường An chưa thu hồi được các khoản đầu tư vào các dự án có thời gian kéo dài và các khoản công nợ khó đòi nên nguồn tiền để chi trả các khoản vay đến hạn bị thiếu hụt.
Trong thời gian còn lại của năm 2020, Công ty vẫn đang đẩy mạnh việc thu hồi các khoản đầu tư và nợ khó đòi để giải quyết các khó khăn tài chính.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, ATG có 10,2 tỷ đồng nợ quá hạn chưa thanh toán, trong đó có 9 tỷ đồng nợ quá hạn vay từ SHB chi nhánh Hà Đông với lãi suất dao động từ 9,7% đến 13,08%/năm. Ngoài ra, ATG còn đang có nợ quá hạn 1,2 tỷ đồng với một cá nhân và tài sản đảm bảo là 1 triệu cổ phiếu của công ty.
Nửa đầu năm 2020, Công ty không phát sinh doanh thu hoạt động và lỗ ròng 1,18 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối quý 2 lên 24 tỷ đồng.
ATG niêm yết trên HoSE từ năm 2016 và từ đó đến nay cổ phiếu này liên tục giảm, thị giá hiện chỉ còn quanh ngưỡng 600 đồng/cp, thuộc "top" thấp nhất toàn thị trường. Trước thông tin bị thu giữ tài sản, cổ phiếu ATG liên tục nằm sàn.
Trí Thức Trẻ