Bị phong toả một loạt tài sản, Vinachem muốn chuyển nhượng vốn tại Dự án Muối mỏ Lào
Dự án muối mỏ tại Lào - ảnh: Tiền Phong
Theo kết luận của kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2020, báo cáo tài chính giữa Niên độ của công ty Đạm Binh Bình, Dap số 2, Phân đạm và hoá chất Hà Bắc phản ánh Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế làm âm vốn chủ sở hữu.
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa gửi thư mời tới các nhà đầu tư để chuyển nhượng vốn của Vinachem tại Dự án Khai thác và chế biến Muối mỏ tại CHDCND Lào. Dự án này tại huyện huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, CHDCND Lào; trữ lượng khoảng 29,5 triệu tấn KCl.
Công suất nhà máy 320.000 tấn KCl 95%/năm và 300.000 tấn NaCl 98%/năm với tổng mức đầu tư dự kiến là 522,466 triệu USD. Trong đó, vốn tự có của Vinachem là 104,5 triệu USD; Vốn vay ưu đãi VDB 113,1 triệu USD (2.426 tỷ đồng); Vốn vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ 261,2 triệu USD và vốn vay thương mại không có bảo lãnh 43,6 triệu USD.
Theo mục tiêu ban đầu, dự án Muối mỏ Kali tại Lào là một dự án đặc biệt quan trọng, cung cấp phân bón Kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu (hiện đang phải nhập khẩu 100%).
Dự án khởi công vào tháng 9 năm 2015; ngoài Vinachem làm chủ đầu tư, các nhà thầu EPC: Liên danh nhà thầu TTCL (Thailand)- K.UTEC (Germany)- CECO (Vietnam).
Vinachem bị phong toả một loạt tài sản liên quan đến dự án Muối mỏ tại Lào
Vào năm 2012, Chính phủ Lào và Vinachem ký kết thỏa thuận khai thác và chế biến muối mỏ kali trên diện tích 10 km2 tại huyện Nongbok, tỉnh Khammounan, Lào.
Năm 2008, Vinachem thành lập Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào (Vilachemsalt, công ty con chiếm 100% vốn điều lệ).
Năm 2015, Vinachem ủy quyền cho Vilachemsalt ký hợp đồng với liên doanh nhà thầu TTCL-K.UTEC.CECO. Nhóm nhà thầu gồm 7 thành viên, được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm 1: Công ty TNHH Đại chúng TTCL, Công ty Công nghệ muối K-UTEC, Công ty cổ phần Lilama 69-1; và nhóm 2: CTCP Thiết kế công nghiệp hóa chất - CECO, CTCP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Incodemic, CTCP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn (gọi tắt là các đồng nguyên đơn).
Quá trình thực hiện hợp đồng EPC, các bên phát sinh tranh chấp liên quan đến việc thiết kế, mua sắm vật liệu. Khi các bên còn đang thương thảo thì nhóm nhà thầu số 2 đã khởi kiện Vinachem ra Hội đồng trọng tài VIAC.
Theo đơn khởi kiện, tổng giá trị nhà thầu đã thực hiện tương ứng hơn 22 triệu USD. Giá trị được chủ đầu tư thanh toán là hơn 10 triệu USD. Nhà thầu còn yêu cầu phần còn thiếu và đòi bồi thường hơn 12,4 triệu USD.
Tháng 2 và 4/2019, Tòa án Nhân dân Tp HCM đã ra quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện phong tỏa tài khoản Vinachem, trong đó phong tỏa hơn 12,71 triệu cổ phần thuộc sở hữu của Vinachem tại Phân bón Bình Điền; phong tỏa 1 tài khoản của Vinachem tại Ngân hàng BIDV với số dư hơn 13 triệu USD, phong tỏa 10 triệu cổ phần thuộc quyền sở hữu của Vinachem tại CTCP Bột giặt LIX; phong tỏa 7,5 triệu cổ phần thuộc quyền sở hữu của Vinachem tại Hóa chất Việt Trì.
Gần đây nhất, đầu tháng 2/2021, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của nhà thầu TTCL, phong tỏa 500.000 cổ phần DAP - Vinachem (UPCoM:DDV) do Vinachem sở hữu và buộc tập đoàn tạm thanh toán trước số tiền 15,8 triệu USD.
Hồi tháng 5/2020, Vinachem đã từng khiếu nại lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về thẩm quyền giải quyết của VIAC nhưng không được chấp nhận.
Tập đoàn lỗ gần 620 tỷ nửa đầu năm 2020, hàng loạt đại dự án "đắp chiếu"
Báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của Vinachem cho thấy Tập đoàn đang chịu áp lực rất lớn từ các khoản nợ vay. Theo đó doanh thu bán hàng nửa đầu năm 2020 của Vinachem đạt 18.748 tỷ đồng, giảm 14,57% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí lãi vay mặc dù giảm 17% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn hơn 1.000 tỷ. Kết quả nửa đầu năm 2020, Vinachem lỗ trước thuế 619,6 tỷ đồng và lỗ sau thuế 796,8 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Vinachem đạt hơn 54.000 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn 14.689 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 9.332 tỷ đồng.
Hãng kiểm toán AASC đã phải đưa ra kết luận ngoại trừ đối với báo cáo bán niên 2020 của Vinachem. Theo đó, tại thời điểm 30/6/2020, Tập đoàn có 4 dự án không hiệu quả, bao gồm:
Dự án Khai thác và Chế biến muối mỏ tại Lào, hợp đồng các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý
Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm
Dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và dự án Mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả,
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 chưa xử lý các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công thương
Công ty TNHH Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.
Cũng theo kết luận của kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2020, báo cáo tài chính giữa Niên độ của công ty Đạm Binh Bình, Dap số 2, Phân đạm và hoá chất Hà Bắc phản ánh Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế làm âm vốn chủ sở hữu. Do đó kiểm toán kết luận có sự tồn tại của yếu tố không chắn chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại 3 công ty trên. Kiểm toán không thu thập được bằng chứng về kế hoạch dòng tiền trong 12 tháng tới cũng như khả năng trả nợ đến hạn của các công ty này.
Một số khoản vay của Vinachem đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 1.064 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 608,8 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là "Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám" đã tạm bàn giao cho công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.