MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị quật ngã bởi Trung Quốc, công ty sữa chật vật lấy lại ngôi vương

19-08-2016 - 12:32 PM | Tài chính quốc tế

Nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc khiến giá sữa giảm mạnh và đẩy 80% các công ty sản xuất sữa ở New Zealand rơi vào cảnh thua lỗ.

Dưới cái bóng của ngọn núi lửa có tuyết phủ quanh năm ở một góc nhỏ của đảo Bắc New Zealand, nhà kho to rộng cùng với những ống khói và đường ống thép không gỉ sừng sững trên bầu trời. Đây cũng là biểu tượng cho vai trò thống trị của hòn đảo nhỏ trong ngành bơ sữa toàn cầu.

Mỗi ngày nhà máy Whareroa sản xuất được lượng sữa bột, phô mai và kem lớn đến nỗi chúng có thể lấp đầy hơn 3 bể bơi theo chuẩn Olympic. Nhà máy cũng giúp chủ sở hữu của nó là tập đoàn Fonterra Cooperative Group Ltd. trở thành công ty xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới và là kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ “cơn khát sữa ngoại” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giờ đây nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc khiến giá sữa giảm mạnh và đẩy 80% các công ty sản xuất sữa ở New Zealand rơi vào cảnh thua lỗ, nhà máy 44 năm tuổi này lại trở thành biểu tượng cho nỗ lực vươn lên những nấc thang mới trên chuỗi giá trị của các ngành sữa New Zealand.


Giá sữa bột trên toàn cầu đã giảm mạnh.

Giá sữa bột trên toàn cầu đã giảm mạnh.

Trong khi cả thế giới đang hướng đến các sản phẩm làm từ thiên nhiên và thậm chí cả Coca-Cola cũng phát triển sữa, mảng kinh doanh của Fonterra phụ thuộc rất lớn vào những hàng hóa vốn biến động rất mạnh trên thị trường quốc tế. Điều này làm nản chí 10.500 cổ đông của hãng – vốn là những người nông dân luôn nhận được phần nhỏ bé nhất trong khoản lợi nhuận của Fonterra. Do đó chiến lược phát triển của Fonterra cũng đã trở thành chủ đề của cuộc tranh luận gay gắt trên toàn quốc.

“Fonterra chưa nắm được cơ hội để đặt mình vào vị trí tốt nhất để ứng phó với hoàn cảnh khắc nghiệt”, Harry Bayliss, cựu giám đốc 63 tuổi của Fonterra nói. Hiện ông vẫn cung cấp sữa cho nhà máy từ những trang trại nằm cách đó 30 km về phía Tây. “10 năm qua, lãnh đạo công ty không tập trung vào những lĩnh vực thực sự tạo ra giá trị cho các cổ đông”.

Công ty có trụ sở ở Auckland đã phải bán bớt tài sản, cắt giảm nhân công và đóng cửa một nhà máy để nâng cao hiệu suất và đảm bảo sức khỏe tài chính.

Nổi lên từ năm 2001 sau thương vụ sáp nhập 2 nhà máy bơ sữa lớn nhất New Zealand và cơ quan quản lý ngành sữa nước này, Fonterra được quảng cáo là tổ chức giúp liên kết những người nông dân ngành sữa với nhau. Chính Fonterra là động lực phát triển, sáng tạo và giúp New Zealand có được vị thế vững chắc tên thị trường toàn cầu, vượt qua những cái tên như Nestle hay Kraft Foods.

Hơn thế, dù có vai trò gần như một đế chế độc quyền ở New Zealand và không ngừng mở rộng sang cả Australia, Mỹ và Trung Quốc, Fonterra luôn hỗ trợ các công ty trong nước thay vì cạnh tranh.

6 tiếng một lần, một chuyến tàu sẽ dừng chân ở nhà máy Whareroa để đón 5 container chất đầy các sản phẩm của Fonterra. Gần một nửa trong số đó là sữa bột. Đây là hàng hóa cốt lõi của các trang trại New Zealand suốt hơn 20 năm qua. Quốc gia này cung cấp tới 2/3 lượng sữa bột được mua bán trên toàn cầu.

Keith Woodford, giáo sư danh dự ngành nông sản tại Đh Lincoln (New Zealand), nhận xét: “Vấn đề là chúng ta đã đặt hết trứng vào một giỏ, giỏ sữa bột. Chúng ta tự khóa mình vào sản phẩm này và Fonterra không có đủ nguồn lực để chuyển hướng một cách nhanh chóng”.

Giá sữa bột bán buôn – sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu cho mọi thứ từ kem đến bánh quy – đã giảm gần một nửa trong vòng 3 năm qua vì khách hàng lớn nhất là Trung Quốc không còn mua sắm điên cuồng như trước. Các công ty sữa trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng, nhưng New Zealand là một trường hợp đặc biệt vì 95% sản lượng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.


Các nguồn doanh thu của Fonterra năm 2015.

Các nguồn doanh thu của Fonterra năm 2015.

Người nông dân Phil Nixon cho biết đây là năm tồi tệ nhất trong 35 năm làm nghề này. Bây giờ mỗi kg sữa bột người nông dân chỉ được trả 3,9 đôla New Zealand (tương đương 2,8 USD), so với mức kỷ lục 8,4 đôla New Zealand của 2 năm trước. Dù giá sữa được dự báo sẽ tăng lên, người nông dân vẫn sẽ lỗ.

S&P Global Ratings mới đây đã hạ mức xếp hạng của Fonterra xuống mức A- với nguyên nhân là chi phí vốn đang lên đến đỉnh điểm và thị trường toàn cầu biến động quá mạnh.

Một số nông dân đã bán cổ phần và chuyển sang cung cấp cho các đối thủ. Thị phần của Fonterra trên thị trường New Zealand giảm từ mức hơn 95% của năm 2001 xuống còn 84%.

Luật pháp quy định các công ty sữa ở New Zealand phải thu mua tất cả số sữa mà người nông dân sản xuất ra. Fonterra giúp sản lượng sữa của nước này tăng gấp 4 so với năm 1984. Nông dân New Zealand sản xuất khoảng 22 tỷ lít sữa mỗi năm, gấp 4 so với Ireland là nước có cùng điều kiện khí hậu và dân số.

Tuy nhiên giám đốc David MacLeod của Fonterra lại cho rằng chính vì phải thu mua tất cả các loại sữa, hiệu suất kinh tế của hãng bị suy giảm. Ngoài chuyện phải đi xa hơn để thu mua sữa nguyên liệu (sau khi diện tích chăn nuôi bò đã tăng 22% so với năm 2008), Fonterra cũng phải bán sữa ở mức giá quy định.

Cùng là từ sữa nguyên liệu, Fonterra tạo ra ít giá trị hơn so với các đối thủ Danone, Nestle. “Danone và Nestle chỉ mua sữa mà họ cần, còn chúng tôi phải thu mua tất cả”, CEO Spierings nói.

Yếu tố địa lý cũng là một thách thức. Dù có khí hậu ôn hòa và mưa nhiều (là điều kiện lý tưởng cho ngành sản xuất bơ sữa), New Zealand cách Australia – thị trường lớn gần nhất – tới 2.500km. Ở thị trường này, Fonterra đang phải bán một số sản phẩm như sữa chua và bơ ở mức giá thấp hơn giá vốn.

Trong chiến lược phát triển của Fonterra có một phần quan trọng là mục tiêu đến năm 2025 sẽ cung cấp 30 tỷ lít sữa cho 6 thị trường chủ chốt, trong đó có Trung Quốc. Hãng còn đầu tư vào Beingmate Baby & Child Food Co Ltd. - công ty có 7% thị phần trên thị trường thực phẩm cho trẻ nhỏ của Trung Quốc. Năm 2008 mối quan hệ với đối tác cũ là Sanlu Group đã đổ bể sau bê bối sữa nhiễm độc tố melamine.

Người nông dân New Zealand đang lo lắng về việc ngành sữa phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. “Các khách hàng Trung Quốc mang đến điều tuyệt vời cho ngành sữa của chúng ta, nhưng điều đó không kéo dài mãi”, một người nông dân nói.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên