Bị quấy rối, "khủng bố" điện thoại bởi app vay tiền mặc dù không vay nợ, mọi người có thể xử lý theo cách dưới đây
Gần đây, tình trạng các tổ chức tín dụng "đen", các app vay tiền liên tục điện thoại quấy rối đòi nợ diễn ra thường xuyên khiến nhiều người lo lắng, bất bình. Dưới đây là cách xử lý khi bản thân không vay tiền nhưng bị các tổ chức này quấy rối, làm phiền.
- 08-10-2022Trường hợp nào người dân sẽ bị huỷ, xác lập lại mã định danh cá nhân?
- 08-10-2022Công dân cần nắm rõ thông tin quan trọng này về ứng dụng định danh điện tử VNeID để tránh gặp rắc rối
- 07-10-2022Bất ngờ trước những tiến bộ không tưởng của Trung Quốc về AI: Từ xe không người lái tới công tố viên AI, bạn ảo...
Không vay tiền nhưng liên tục bị quấy rối, "khủng bố" điện thoại đòi nợ
Thời gian gần đây, rất nhiều người bị quấy rối, gọi điện, nhắn tin làm phiền mặc dù bản thân không hề vay nợ trên các app vay tiền online. Thậm chí, sau khi chặn cuộc gọi, các đối tượng đòi nợ lại sử dụng số điện thoại khác gọi điện để làm phiền. Hơn nữa, các đối tượng này còn đe doạ, uy hiếp và xúc phạm các thuê bao.
Không chỉ vậy, nhiều người còn bị các đối tượng chế ảnh đăng lên các trang mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay đăng thông tin cá nhân lên các trang web khác...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự, người vay tiền có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn. Đồng thời, nếu hai bên thỏa thuận việc vay vốn có lãi thì bên vay phải trả đủ cả gốc và lãi theo đúng thời gian đã quy định trừ trường hợp có quy định khác. Điều này cũng có nghĩa là, nếu một người không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Nên kiểm tra các thông tin nào nếu bị quấy rối đòi nợ liên tục?
Mọi người cần kiểm tra thông tin tài khoản cùng các khoản vay của bản thân vì có thể kẻ xấu có thể đã lấy được thông tin cá nhân của chủ thẻ và thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, trong đó phổ biến là hành vi vay tiền qua các app với thủ tục vay đơn giản.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần kiểm tra thông tin số điện thoại trả sau và thông tin thuế. Để kiểm tra xem số CMND/CCCD đã đăng ký bao nhiêu sim chính chủ, chủ thẻ soạn tin nhắn theo cú pháp TTTB gửi 1414. Trường hợp phát hiện một số điện thoại khác mà không phải do mình đăng ký cần nhanh chóng liên hệ đến nhà mạng để phản ánh kịp thời.
Còn để kiểm tra thông tin thuế khi nghi ngờ bị lợi dụng lấy số CNMD/CCCD để đăng ký mã số thuế ảo, có thể truy cập vào địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/, sau đó nhập thông tin để kiểm tra.
Cách xử lý khi bị các tổ chức tín dụng đen khủng bố điện thoại dù không vay tiền
Trước hết, người bị làm phiền cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app cho vay tiền online.
Khi nói chuyện với nhân viên của các app vay vốn này, người bị làm phiền cần phải hỏi rõ thông tin của app vay vốn. Đồng thời, yêu cầu người gọi điện đòi nợ làm phiền mình cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình.
Nếu có thể, khi nghe các cuộc điện thoại đòi nợ, các nạn nhân có thể bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng nếu sau này cần cung cấp cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, khi không vay tiền mà bị gọi điện đòi nợ làm phiền, nạn nhân có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn làm phiền bằng các ứng dụng sẵn có trên điện thoại của mình.
Lưu ý: Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của mình cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống...
Trí thức trẻ