Bí quyết dẫn dắt chuyển đổi số doanh nghiệp từ ABeam Consulting, SAP & Microsoft
Bộ ba công ty tư vấn và giải pháp tổng kết xu hướng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số cho doanh nghiệp VIệt Nam trong 2023.
Các làn sóng biến động của kinh tế toàn cầu đã và đang đặt ra những thách thức mới cho doanh nghiệp khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong đó, năng lực ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm tối ưu hoá khai thác dữ liệu, tăng cường tính thống nhất, sự liền mạch trong vận hành là những yêu cầu cấp bách.
Doanh nghiệp có quy mô càng lớn, đòi hỏi sự phối hợp của càng nhiều phòng ban - nghiệp vụ càng cần đến sự có mặt của một nền tảng công nghệ thống nhất, tích hợp các giải pháp AI, học máy, và các công cụ phân tích dữ liệu nâng cao để giúp sức cho các nhà quản trị và đội ngũ nhân sự.
Tại sự kiện Business Executive Summit 2023 (Tạm dịch: Hội nghị các Nhà Quản trị Doanh nghiệp 2023), các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số đến từ các đơn vị tên tuổi như ABeam Consulting Việt Nam, SAP và Microsoft đã mang tới những góc nhìn đa chiều về các xu hướng và giải pháp chuyển đổi số thịnh hành, giúp doanh nghiệp ứng phó với những thay đổi mạnh mẽ của môi trường kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Ông Ryohei Oda, Tổng Giám đốc ABeam Consulting Việt Nam nhận định đa số doanh nghiệp đang tiếp cận chuyển đổi số theo hướng "phòng thủ".
Nhận định về tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Ryohei Oda, Tổng Giám đốc ABeam Consulting Việt Nam cho biết: "Có hai lối tiếp cận cơ bản đối với chuyển đổi số là "phòng thủ" và "tấn công". Chuyển đổi số ở thế phòng thủ là quá trình số hóa hướng tới nâng cao hiệu năng vận hành của doanh nghiệp qua việc ứng dụng các công nghệ số. Trong khi đó, chuyển đổi số ở thế tấn công chú trọng việc mở rộng quy mô. Đa số các doanh nghiệp hiện tại đang ở giai đoạn phòng thủ - tập trung tối ưu hoá vận hành. Đến khi nào giai đoạn "phòng thủ" hoàn thiện, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng chuyển sang "tấn công" - tận dụng công nghệ số để mở rộng quy mô và phát triển."
Các hệ thống dữ liệu hợp nhất dành cho doanh nghiệp (ERP) như SAP S/4 Hana có thể mang lại những lợi ích vượt xa chức năng tối ưu hoá các quy trình doanh nghiệp. Dựa vào cơ sở dữ liệu được tích hợp và phân tích tại SAP S/4 Hana, nhà quản trị có thể đưa ra các quyết định sáng suốt, giúp doanh nghiệp gia tăng tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh một cách kịp thời hơn.
"Xác định rõ mục tiêu và chiến lược chuyển đổi trước khi xem xét tới các giải pháp công nghệ là một yếu tố then chốt".
Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải chỉ là câu chuyện về công nghệ. Từ góc nhìn của đơn vị thiết kế và cung cấp giải pháp công nghệ hàng đầu, ông Ravi Ganagampalli - Senior Cloud solution Architect - SAP on Azure, Microsoft nhấn mạnh vai trò của chiến lược trong chuyển đổi số: "Thông qua việc thiết lập và sử dụng các hệ thống của SAP hay hệ thống điện toán đám mây của Microsoft, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận với các sản phẩm công nghệ mới nhất mà SAP và Microsoft đang xây dựng. Tuy nhiên, khá thường xuyên, chúng tôi thấy các doanh nghiệp còn đi vào lối mòn - thiết lập hệ thống điện toán đám mây khá truyền thống. Vì vậy, việc xác định rõ mục tiêu và chiến lược chuyển đổi trước khi xem xét tới các giải pháp công nghệ là một yếu tố then chốt."
Bên cạnh đó, các chuyên gia của ABeam Consulting, SAP và Microsoft đều đồng tình và khẳng định vai trò của nhân tố con người đối với sự thành bại của tiến trình chuyển đổi số. Theo ông Ryohei Oda, sự thấu hiểu và cam kết của những người đứng đầu doanh nghiệp đóng vai trò then chốt: "Một vài CEO người Việt mà tôi biết có hiểu biết rất sâu rộng về công nghệ và đang ứng dụng hiệu quả các dữ liệu từ hệ thống vào quá trình kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh số hoá doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, các nhà quản trị cần nâng cao hiểu biết về công nghệ để có thể dẫn dắt sự thay đổi."
Ông Triết Trần, Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam chia sẻ tại sự kiện
Ông Triết Trần, Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá dựa vào công nghệ và hệ thống để làm việc. Đối mặt với thách thức về đào tạo nhân sự trong thời đại công nghệ, ông cho biết: "Một doanh nghiệp tiêu biểu hiện nay sẽ có ba thế hệ cùng làm việc. Tuy Gen X và Gen Y là lực lượng có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm hơn, khả năng tiếp cận các công cụ, giải pháp công nghệ của họ còn hạn chế so với Gen Z - thế hệ của công nghệ. Công cụ SAP S/4 Hana tạo ra không gian kết nối và hợp tác cho tất cả các thế hệ nhân sự của doanh nghiệp, là nền tảng để số hoá các kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ nhân sự đi trước, giúp bổ khuyết cho thế hệ đi sau. Đồng thời, với khả năng thích ứng và học hỏi nhanh, Gen Z có thể hỗ trợ và thúc đẩy sự tiếp nhận công nghệ của các thế hệ còn lại". Ba thành tố giúp xây dựng "văn hoá công nghệ" mà ông Triết khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng là chọn đúng công nghệ, thường xuyên đào tạo cho nhân sự về công nghệ và tăng cường việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các cơ hội tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ các quốc gia phát triển như Mỹ hay Nhật Bản cho chuyển đổi số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang trở nên rộng mở hơn. Theo ông Oda, ABeam Consulting đã và đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ODA để thực hiện chuyển đổi số, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tổ Quốc