Bí quyết để thoát cảnh lương cao vẫn không thể tiết kiệm
Thời buổi kinh tế khó khăn, cần phải học cách chi tiêu hợp lý và tiết kiệm nhiều hơn!
- 20-12-2022Chàng trai bỏ việc ngân hàng lương cao về quê trồng rau, chỉ 1 năm đã thành tỷ phú: Làm giàu ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn muốn làm giàu hay không
- 14-12-2022Caddy sân golf: Lương cao nhưng nhiều áp lực
- 10-12-2022Mỹ nhân triệu USD của Hollywood nhận lương cao nhất năm nhưng so với Tom Cruise mới thấy bất ngờ, không ngại vung tiền để tậu bất động sản
- 08-12-2022Hoa hậu Lương Thùy Linh mặc "kín cổng cao tường" từ khi trở thành giảng viên
Lương cao nhưng vẫn không thể tiết kiệm
Việc chi tiêu theo cảm xúc rất dễ xảy ra, đặc biệt là khi vừa nhận lương. Lúc tài khoản được lấp đầy cũng là lúc mọi người hay nghĩ về việc mua sắm món đồ gì đó, coi như là tự thưởng bản thân sau chuỗi ngày làm việc vất vả. Lê Hiền (27 tuổi, Đắc Lắc) cũng vậy, đã nhiều lần cô nàng trót mua sắm quá mức: "Thường thì ngân sách chi tiêu cho việc mua sắm của mình khoảng 3-4 triệu đồng, chiếm khoảng 15% thu nhập. Những khoản mua sắm chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, sách, quần áo, mỹ phẩm... Nhưng có những lần gặp chuyện gì đó buồn phiền, áp lực công việc, mình thường lựa chọn mua sắm nhiều hơn để giải tỏa. Quả thực là có tác dụng về mặt cảm xúc, nhưng tài chính thì không".
Lê Hiền (27 tuổi, Đắc Lắc) - Ảnh NVCC
Hơn thế nữa, những người có thu nhập ngày càng tăng sẽ hay gặp phải vấn đề về lạm phát lối sống. Phạm Hằng (25 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, không phải cứ lương cao là tiết kiệm được nhiều hơn: "Khi càng kiếm được nhiều tiền hơn, mình lại càng có nhiều nhu cầu khác phát sinh. Như việc nâng cấp bản thân qua những món đồ đắt tiền, hay chi tiêu cho những buổi vui chơi, tiệc tùng có phần đắt đỏ. Đó thường là những khoản chi mà thậm chí trước đây mình còn chẳng nghĩ đến. Việc này xuất phát từ việc không biết bản thân thích gì, hoặc ý chí không kiên định.
Khi thu nhập hàng tháng chỉ từ 8-10 triệu, mình vẫn có thể tiết kiệm tới 3 triệu mỗi tháng. Tức là chiếm khoảng 35% thu nhập. Nhưng khi lương 20-25 triệu, có đôi khi mình còn nợ cả thẻ tín dụng".
Phạm Hằng (25 tuổi, Thanh Hóa) - Ảnh NVCC
Còn Thư Vũ (25 tuổi, Blogger) chưa từng nghĩ, tiền lương mình kiếm được lại quan trọng đến thế: “Từ hồi mới ra trường, bố mẹ đều đang đi làm và có mức thu nhập ổn định. Vậy nên tiền lương mình kiếm được hàng tháng đều chỉ cần tiêu cho bản thân. Không phải lo nghĩ nên mình tiêu tiền rất vô tư, không tiết kiệm, không đầu tư. Nhưng khoảng thời gian 1 năm trở lại đây, bố mẹ mình bắt đầu tính toán đến chuyện về hưu, em trai cũng chuẩn bị thi lên đại học. Bố mẹ chia sẻ chuyện kinh tế với mình. Đó là lúc, mình nhận ra bản thân phải phụ giúp gia đình về mặt kinh tế. Từ một người chi tiêu thoải mái, mình dần học cách cân nhắc đến mỗi quyết định tiêu tiền của bản thân. Tiền lương hàng tháng cũng phải chia thành nhiều khoản để gửi về nhà”.
Bí quyết tiết kiệm tiền lương của dân văn phòng
Lê Hiền (27 tuổi) nhắc nhở bản thân phải luôn dành 30% thu nhập để tiết kiệm: "Thời gian này, ai cũng đều có những khó khăn về mặt tài chính riêng. Càng những lúc như thế, mình càng cảm thấy việc tiết kiệm trở nên quan trọng hơn. Khi có 1 khoản tiết kiệm, mình tự tin hơn với những tình huống khẩn cấp xảy đến như thất nghiệp, giá cả leo thang hay điển hình là tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.
Để không gặp tình trạng tiêu quá số tiền mình có, mình lập sẵn 1 tài khoản tiết kiệm riêng. Ngay khi vừa nhận lương, mình mặc định chuyển 30% số tiền đó vào tài khoản. Đây gần như là số tiền 'bất khả xâm phạm'. Nếu không cần dùng khẩn cấp, mình sẽ không bao giờ chi tiêu vào số tiền này. Khi nhìn thấy một phần tiền lương hàng tháng được giữ lại, và ngày càng sinh lãi, mình sẽ càng muốn tiết kiệm được nhiều hơn. Chính điều này khiến mình buộc phải chi tiêu hiệu quả hơn để không vượt quá số tiền cho phép".
Thư Vũ (25 tuổi) - Ảnh NVCC
Thư Vũ (25 tuổi) thì bắt đầu trở thành người kiếm tiền chính trong gia đình, nên suy nghĩ cũng có phần chín chắn hơn trong chuyện tài chính. "Mình đã bước vào giai đoạn tiêu 500 - 1 triệu cũng cần phải cân nhắc kỹ càng. Không còn sự tự do kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, mình trưởng thành và tính toán nhiều hơn. Mình đặt mục tiêu: 'Số tiền kiếm được hàng tháng cần tăng dần lên'. Bởi vậy, mình giờ đây đã làm nhiều hơn 2 công việc 1 lúc. Chi tiêu cũng siết chặt lại, chỉ bỏ tiền để mua những món đồ cần thiết.
Mình cũng đăng ký để học tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân. Phân chia tiền lương theo tỷ lệ 80/20: 80% thu nhập cho những nhu cầu thiết yếu và tiết kiệm riêng của bản thân, 20% thu nhập gửi về nhà để phụ giúp bố mẹ. Trong đó, mình trích 1 khoản trong 80% để mua bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm cũng là quyết định mình suy nghĩ khá lâu. Đây coi như là tiền tích lũy hàng tháng, là khoản tiền mình dự định làm quà nghỉ hưu cho bố mẹ".
Còn Phạm Hằng (25 tuổi) dù có thu nhập cao, nhưng vì không kiểm soát chi tiêu của mình, nên đã từng nợ tín dụng. Và điều mà Hằng đặt lên đầu ghi chú tài chính của mình: "Tuyệt đối không được tiêu nhiều hơn số tiền mình có khả năng kiếm được!". Hằng chia sẻ: "Khoảng thời gian mình có khoản nợ tín dụng đã khiến mình nhận ra rất nhiều điều. Dù lương cao, mà không biết chi tiêu hợp lý thì vẫn có nợ. Việc nợ thẻ tín dụng, dù chỉ vài tháng thôi nhưng cũng đã khiến mình sợ. Mình cố gắng trả hết nợ trong vòng vài tháng để tránh lãi cao. Trong những tháng đó, mình đã phải cắt hết nhu cầu không cần thiết, tập trung thu nhập để trả nợ. Cảm giác đó thật sự không dễ chịu gì.
Vậy nên, sau này mình không dám cà thẻ tín dụng vượt quá hạn mức. Tự đặt ra những mốc chi tiêu của riêng mình rất quan trọng. Mình cũng hạn chế dùng thẻ hơn, thay vào đó là dùng tiền mặt để dễ kiểm soát".
Những thói quen chi tiêu không lành mạnh sẽ khiến bạn mất cân bằng trong tài chính cá nhân. Để thay đổi những điều này, việc đầu tiên bạn có thể làm là theo dõi thu - chi hàng tháng. Từ đó kiểm soát được tiền của mình đang được tiêu thế nào. Sau đó, hãy lên 1 kế hoạch tài chính đơn giản, cụ thể, để giúp bản thân kỷ luật hơn trong từng quyết định tiêu tiền.
Phụ nữ Việt Nam