Bí quyết hạnh phúc của người Hà Lan: Hãy làm công việc part-time!
Hơn một nửa số dân trong độ tuổi lao động của Hà Lan đang làm những công việc bán thời gian (part-time), tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với bất kỳ nước phát triển nào.
- 16-03-2017Bầu cử Hà Lan: Chủ nghĩa dân túy đã bị chặn, EU tạm ngủ yên sau mối đe dọa Nexit
- 27-02-2017Làm sao chỉ trong 40 năm từ những làng chài nghèo, Quảng Châu, Thâm Quyến... biến thành siêu đô thị lớn nhất thế giới, GDP lớn hơn cả Hà Lan?
- 22-06-2016Brexit sẽ là quả bom châm ngòi cuộc tháo chạy của Pháp và Hà Lan?
Hà Lan được xếp hạng là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới. Unicef cũng xếp hạng trẻ em Hà Lan vào nhóm hạnh phúc nhất thế giới. Một số người cho rằng “bí quyết” để tạo nên chất lượng cuộc sống của vùng đất này nằm ở thái độ khá ung dung trước công việc: hơn một nửa số dân trong độ tuổi lao động của Hà Lan đang làm những công việc bán thời gian (part-time), tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với bất kỳ nước phát triển nào. Trung bình chỉ 20% dân số trong độ tuổi lao động của các nước thành viên EU làm công việc bán thời gian (trong đó 8,7% nam giới và 32,2% nữ giới). Còn ở Hà Lan, 26,8% nam giới và 76,6% nữ giới làm việc ít hơn 36 giờ mỗi tuần. Tại sao lại như vậy?
Một phần nguyên nhân là do phụ nữ Hà Lan gia nhập thị trường lao động khá muộn. So với các nước khác, nam giới Hà Lan ít tham gia các cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20, do đó phụ nữ Hà Lan không phải làm công nhân trong các nhà máy như ở Mỹ và Anh. Nhờ chế độ phúc lợi tốt, 1 gia đình Hà Lan không cần phải có đến 2 nguồn thu nhập để có 1 cuộc sống dễ chịu. Và, cho tới những năm 1980, chính sách của đất nước này vẫn bị chi phối bởi những giá trị Thiên chúa giáo: ưu tiên của Chính phủ là hỗ trợ để phụ nữ có thể ở nhà chăm sóc con cái.
Chính sách này thay đổi từ cuối những năm 1980, khi Hà Lan nhận ra thúc đẩy phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cũng là 1 ý tưởng tốt. Nhưng truyền thống văn hóa của người Hà Lan vẫn cho rằng các gia đình cần phải có những bà mẹ ở nhà chăm sóc con cái, không phải cả ngày thì cũng phải là một thời gian nhất định. Do đó, các công ty Hà Lan thường đưa ra chính sách cho phép phụ nữ làm việc bán thời gian nhưng được hưởng những quyền lợi như người làm toàn thời gian. Năm 2000, quyền được yêu cầu công việc bán thời gian (áp dụng cho cả nam giới và nữ giới) được đưa thành luật. Tuy nhiên, Ronald Dekker, 1 nhà kinh tế học đến từ ĐH Tilburg, cho rằng luật này chủ yếu mang tính biểu tượng.
Công việc bán thời gian có đem lại hiệu quả cao hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Ngày nay, vì công việc bán thời gian là thứ phổ biến, phụ nữ Hà Lan có tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động khá cao. Tuy nhiên, họ khó có thể thăng tiến để trở thành quản lý. Nếu tính riêng các công việc toàn thời gian thì mới có sự cân bằng giữa nam và nữ trong các vị trí quản lý.
Mới đây Chính phủ Hà Lan nói rằng 30% các vị trí trong ban điều hành đang được nắm giữ bởi phụ nữ, nhưng có vẻ đây là con số quá lạc quan bởi đến năm 2015 tỷ lệ mới chỉ là 6%. Và không phải tất cả những người làm bán thời gian đều cảm thấy hài lòng: nếu như trước khủng hoảng tài chính có chưa đến 10% người lao động làm công việc bán thời gian muốn chuyển sang công việc toàn thời gian, nhưng gần đây tỷ lệ đã tăng lên gần 25%. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác, nhưng rõ ràng đó là mức tăng mạnh.