Bí quyết nào khiến cô gái mới 23 tuổi có thể tiết kiệm 10 triệu mỗi tháng, dư sức mua vàng khi thu nhập là 13 triệu/tháng?
Cách cô gái trẻ này cố gắng chi tiêu tiết kiệm hàng tháng khiến nhiều người nể phục.
- 14-08-2024Có 400 triệu đồng, gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào lãi cao nhất?
- 14-08-2024Dân mạng rủ nhau khoe thành tựu tích tiền lẻ: Một xấp tiền lẻ chẳng nhớ tiết kiệm trong bao lâu mà cũng được hơn 20 triệu!
- 13-08-2024Có 500 triệu đồng, gửi tiết kiệm 12 tháng ngân hàng nào lãi cao nhất?
Tập ghi chú thu chi, sống có trách nhiệm với đồng tiền kiếm được,... là những cách mà người trẻ làm để quản lý tài chính sau khi mới ra trường, chập chững kiếm được đồng lương đầu tiên. Đó cũng là thói quen tốt mà họ muốn duy trì để xây dựng nền tảng tài chính vững vàng trong tương lai. Trường hợp của cô nàng Phương Chi (23 tuổi, nhân viên văn phòng) đang sống tại Bắc Ninh là ví dụ.
Nhận lương 13 triệu, tiết kiệm 10 triệu
Phương Chi đang là nhân viên văn phòng nhận lương 13 triệu/tháng. Cứ mỗi khi nhận lương, cô nàng sẽ dành 5 triệu gửi tiết kiệm, 5 triệu để mua vàng. Còn lại khoảng 3 triệu/tháng là chi phí sinh hoạt, được Phương Chi phân bổ thành từng khoản nhỏ như sau:
- Tiền nhà: 1,3 triệu.
- Tiền ăn: 700 ngàn, bao gồm tiền mua đồ ăn vặt khi đi làm cùng đồng nghiệp và ăn uống cùng bạn bè vào thời gian rảnh. Phương Chi cho hay, do được công ty hỗ trợ 2 bữa sáng và trưa nên cô nàng hầu như không tốn chi phí mua thực phẩm hàng ngày.
- Tiền xăng xe: 300 ngàn.
- Tiền mua đồ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt: 700 ngàn.
Phương Chi cho hay, cô đã duy trì được kế hoạch tiết kiệm này được khoảng nửa năm, bắt đầu từ khi chuyển đến Bắc Ninh sinh sống. Khi được hỏi "chỉ tiêu 3 triệu/tháng thì có khó sống không", cô nàng cho hay: "Mình không phải là người theo chủ nghĩa tiêu dùng, không có nhu cầu mua sắm hay mua đồ để làm vui bản thân.
Cũng vì thế, mình không thấy áp lực và stress gì. Mình vẫn mua quần áo cơ bản, đi ăn uống cùng bạn bè và đồng nghiệp. Ngoài ra, cá nhân mình cũng có nhiều khoản chi tiêu tiết kiệm được, đó là được công ty bao ăn và thuê nhà trọ giá rẻ của người quen. Đây là những yếu tố mà một số bạn trẻ khác ở thành phố không có được. Mình muốn tận dụng khoảng thời gian này để có quỹ tiết kiệm lớn một chút, chẳng may ne mai có việc cần dùng đến".
Cô nàng bày tỏ về dự định dùng số tiền tiết kiệm và vàng hiện có: "Mình vẫn chưa biết dùng số tiền này vào đâu. Mua bất động sản thì quá ít, mà đầu tư thì mình không có nhiều kiến thức.
Mình hiện đang tích lũy dài sản vì không có nhu cầu dùng đến tiền, hơn nữa cũng để phòng ngừa rủi ro. Trong thời gian tới, mình có thể dùng tiền trong quỹ tiết kiệm mua đồ cho bản thân (mua xe máy hoặc điện thoại mới,...) hoặc theo học một khóa đào tạo nào đó".
Phương Chi chia sẻ từ khi còn nhỏ, cô đã được dạy rằng bản thân phải nỗ lực học tập, làm việc chăm chỉ để hướng đến độc lập tài chính. Khi có tiền trong tay, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thuận lợi hơn. Tích lũy nhiều nong, không chỉ để phòng ngừa rủi ro mà còn giúp mỗi bước đi hàng ngày tự tin và suôn sẻ hơn.
"Mẹ luôn bảo với mình rằng có những lúc nếu không có tiền thì sẽ chẳng làm gì được chẳng hạn như ốm đau, hay muốn giúp đỡ gia đình. Không nhất thiết cả cuộc đời phải sống vì tiền, nhưng nếu có tài chính ổn định, mình sẽ tránh được những rắc rối. Cũng vì thế, từ khi đi làm, mình chưa bao giờ tiêu hết số tiền kiếm được, mà cố gắng hàng tháng để dành ít nhất 1-2 triệu", Phương Chi chia sẻ.
Thoát khỏi cám dỗ tiêu dùng ở thành phố
Phương Chi từng theo học một trường Đại học ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cô chọn làm việc trong một công ty ở Bắc Ninh.
Ngoài việc tiết kiệm tiền thuê nhà, sau khi dọn về Bắc Ninh sống, cô nàng giảm được gánh nặng chi tiêu hàng tháng nhờ mức chi phí sinh hoạt rẻ hơn. Mặt khác, từ khi đến đây, cô tránh được cảnh "vung tay quá trán" vì bị cám dỗ bởi các nhu cầu mua sắm đắt đỏ ở Hà Nội.
"Nếu so sánh giá cả giữa Bắc Ninh và Hà Nội thì chênh lệch không quá nhiều, vì mình thường mua đồ giá cả bình dân. Song, mình tiết kiệm được nhiều hơn vì không còn bị cám dỗ bởi siêu thị, hàng quá, trung tâm thương mại,... để tiêu tiền. Khi còn ở thành phố, hầu như chỉ cần bước chân ra ngoài là mình có thể tiêu tiền, vì nhìn thứ gì cũng muốn mua về nhà".
Nói về dự định sắp tới, cô nàng vẫn sẽ duy trì công thức tiết kiệm như hiện tại, song song với nỗ lực gia tăng thu nhập. Nếu có cơ hội, Phương Chi cũng muốn quay về Hà Nội làm việc, vì biết dẫu chi phí sinh hoạt có thể tăng cao nhưng cơ hội việc làm cũng đồng thời phát triển tốt hơn. Song dù đi làm việc ở đâu, cô cho rằng điều quan trọng vẫn là tuân thủ các quy tắc quản lý tài chính và nỗ lực làm việc để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Nhịp sống thị trường