'Bí quyết' nhận ra tin giả, tin sai sự thật trên mạng
"Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng và chính thức công bố hôm nay, 27-12.
- 24-12-2022Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng sẽ công bố ngày 27/12
- 30-11-2022Mạnh tay với tin giả, tin đồn "vùi dập" doanh nghiệp và nền kinh tế
- 24-11-2022Công an TP Hà Nội thông tin 16 trang Web - ứng dụng giả mạo các công ty chứng khoán để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Với cẩm nang này, người dùng mạng xã hội có thể tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội và có ứng xử phù hợp, hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.
Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn cẩm nang này, ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá: "Cẩm nang là công cụ hết sức quan trọng, bởi nó trao cho cộng đồng, trao cho người sử dụng mạng Internet, tham gia vào không gian số hằng ngày công cụ để cùng nhận biết, ứng xử phù hợp và góp phần chung tay loại trừ tin giả, tin sai sự thật".
Cũng theo Thứ trưởng Lâm, mục tiêu hàng đầu mà Bộ Thông tin và Truyền thông hướng tới khi xây dựng cẩm nang là nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên không gian mạng, cho người dùng Internet ở Việt Nam.
Đồng thời, cẩm nang cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay.
Cuốn "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" vừa được ra mắt - Ảnh: THANH HÀ
Ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết: "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" được xây dựng căn cứ các quy định của pháp luật, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông, các quy trình xử lý thông tin của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC).
Dựa trên các vấn đề thực tế mà người sử dụng thường gặp khi tương tác trên môi trường mạng và tham khảo các tài liệu nghiên cứu, kinh nghiệm thực tế của một số nước và các nguyên tắc cộng đồng của các nền tảng xuyên biên giới lớn.
Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, thời gian qua mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện, nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.
Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thiệt hại về kinh tế.
Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội
Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, người dân cũng cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.
Ông Tự Do cũng cho biết "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" được phát hành theo hình thức sách in, sách điện tử, đồng thời được phổ biến trên các mạng xã hội thông qua hình thức các video clip ngắn, dễ hiểu.
Cẩm nang cũng sẽ liên tục được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi trong chính sách quản lý cũng như để ứng phó với những tình huống mới trên không gian mạng.
Tuổi trẻ