Bí quyết sinh lời bền vững khi đầu tư vào loại hình bất động sản du lịch
Theo ý kiến của một số chuyên gia, đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả.
Vì thế, các nhà đầu tư đang buộc phải thay đổi tư duy phát triển nhiều loại hình sản phẩm mới để thu hút những khách hàng ngày một khó tính.
Trước hết, một "nhiệm vụ" đổi mới thấy rõ trong gần 2 năm qua là ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, các nhà đầu tư đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm. Bản thân những chủ đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là "sếu đầu đàn" trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch.
Hiện nay, các nhà đầu tư cũng đã dần biết cách "chọn mặt gửi vàng", đặt niềm tin "đúng chỗ", nhìn nhận được đâu là sản phẩm bất động sản có tiềm năng sinh lời. Đó phải là những sản phẩm được thiết kế đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn riêng, nằm trong khu vực du lịch phát triển, có nhiều dự án xung quanh bổ trợ để cùng thu hút khách du lịch…
Cũng theo ông Nam, ngành du lịch trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Reatimes
"Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn. Một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích - dịch vụ đa dạng mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện cũng rất tiềm năng cho những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu", ông Nam cho biết thêm.
Nhận diện được cơ hội đó, một số chủ đầu tư đã tiên phong nhập cuộc và sẵn sàng kiến tạo các loại hình sản phẩm mới, kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai, hướng tới đa trải nghiệm cho khách hàng và tạo ra "dấu ấn riêng" cho dự án.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào các thị trường mới đang lan rộng với sự dẫn dắt của các nhà phát triển du lịch, các doanh nghiệp lớn tiên phong. Thay vì lướt sóng, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội dài hạn tại những tổ hợp bất động sản du lịch lớn, sở hữu hệ sinh thái tiện ích hoàn thiện, có lợi thế phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, nhằm đảm bảo cho khoản đầu tư gia tăng giá trị trong tương lai. Có một nguyên tắc là, chỉ khi dự án vận hành tốt, tỷ lệ lấp đầy phòng cao, các nhà đầu tư mới có cơ sở kỳ vọng về dòng lợi nhuận thu về.
Một ý kiến cũng cho thấy bất động sản du lịch Việt Nam phát triển trong khoảng gần 10 năm nay, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây bùng nổ sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Cũng trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, số lượng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hằng năm được tiêu thụ rất mạnh, các dự án được phát triển bắt đầu có sự bùng nổ đặc biệt là tại các vùng có lợi thế cảnh quan, ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận....
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ thì cho rằng thị trường bất động sản du lịch Việt Nam mới chỉ đáp ứng được các khách du lịch ngắn ngày từ Hàn Quốc, Trung Quốc sang nhưng những khách này chỉ mang tính tham quan. Còn một nguồn khách tiềm năng hơn từ Âu - Mỹ, họ có cả tháng để nghỉ đi du lịch, hiện nay xu hướng của họ là trải nghiệm về đời sống người dân bản địa, trải nghiệm mạo hiểm, chữa bệnh nhưng chúng ta chưa mạnh lĩnh vực này.
G.S Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Reatimes
"Để phát triển du lịch trải nghiệm, chúng ta cần phải phát triển các tổ hợp du lịch trải nghiệm quy mô lớn, đa chức năng, có khu vui chơi cho trẻ em, cho người lớn, khu casino... Chúng ta rất cần phát triển những loại hình đó, bởi có nhiều nguồn khách tiềm năng mà chỉ muốn trải nghiệm theo cách đó", GS. Võ gợi ý.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tư duy một tổ hợp du lịch lớn của chúng ta là như thế nào? "Tôi cho rằng bất động sản du lịch đa công năng là trong tổ hợp đó có nhiều khu vực, có thể cho thuê ngắn hạn hay dài hạn. Điểm thứ hai là các tổ hợp đó cần gắn với bất động sản do người dân (các nhà đầu tư thứ cấp) đầu tư quản lý. Tôi cho rằng nếu đi được theo hướng đó với khung pháp lý hiện đại chúng ta có thể có cơ hội để phát triển một thị trường du lịch mạnh", GS. Võ cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Chúng ta thấy 5 năm trước, bất động sản nghỉ dưỡng có giá bán rất thấp, khi ấy các nhà đầu tư tham gia thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tạo mức sinh lợi ở giá bán. Trong 5 năm qua theo thống kê của chúng tôi, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng lên tới 100%. Dự án khởi điểm cách đây 5 - 7 năm giá chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2. Thời điểm này mua đi bán lại đã lên đến khoảng 50 – 70 triệu đồng/m2".
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam. Ảnh: Reatimes
Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, mục tiêu sinh lợi vào các sản phẩm bất động sản du lịch chủ yếu là mức giá bán. Sau đó, dần dần giá bán được đẩy lên, các nhà đầu tư lúc này mới xem xét lại các vấn đề: tính pháp lý, tính sở hữu. Họ bắt đầu thấy rằng, bất động sản du lịch phát sinh nhiều vấn đề bắt buộc phải tháo gỡ. Hiện nay, để phát triển hơn nữa, nhiều dự án đã có sự sáng tạo, tìm tòi phát hiện các vấn đề mới, các mô hình mới.
Theo đó, khách hàng hiện nay chú trọng vào những yếu tố như: xu hướng phát triển du lịch hiện nay trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng., Thứ hai, dự án đó có khả năng đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu. Thứ ba, đa dạng hình thức lưu trú. Thứ tư là không gian sống đảng cấp như chính ngôi nhà của mình. Thứ năm là tận hưởng lợi ích khách sạn quốc tế. Thứ sáu chi phí hợp lý. Thứ bảy thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Thứ tám, các dự án phải ở vị trí dẹp, chiến lược.