Bí quyết thăng chức của đồng nghiệp: Trong khi tôi cặm cụi tăng ca tới 9, 10 giờ đêm thì anh ấy tan làm sớm, nhởn nhơ tập gym, chơi golf
Hôm nay tăng ca tới 8 giờ tối, ngày mai gần 10 giờ đêm mới nhớ ra mình chưa ăn gì, công việc dồn dập, đầu tắt mặt tối... Bạn nghĩ bạn thế giới này không thể rời bạn ra được sao? Tỉnh lại đi!
- 15-03-2018Tâm tư của gen Y - “thế hệ nhảy việc”: Tụi em chỉ cần tăng lương và thăng chức, chỉ vậy thôi!
- 06-03-2018Sếp giao hai nhân viên mới đi mua thuốc lá, người mua được mang về lập tức bị cho nghỉ việc, người không đi mua mà “chuồn” đi luôn thì lại được thăng chức lên quản lý?
- 27-02-2018GS.TS Trịnh Hồng Sơn: “Nhiều người bảo tôi dại dột, ngu dốt khi từ chối thăng chức”
[01]
Gần đây công ty cắt giảm biên chế, ban đầu tôi còn cho rằng người phải ra đi quá đáng thương, giờ mới biết người ở lại còn đáng thương hơn. Nhận lương một người, làm việc hai người. Ai ai cũng đầu tắt mặt tối, chỉ cần có chút thời gian là gục đầu tranh thủ ngủ. Làm thêm giờ đến 9, 10 giờ tối là chuyện thường xuyên xảy ra.
Nhưng thú vị là không ai chịu nhận mình tăng ca, làm thêm giờ cả. Có một lần tôi hỏi một nhân viên 9x, hôm qua tăng ca đến mấy giờ. Cậu đó nhìn tôi "Ai tăng ca đâu, anh đừng nói lằng nhằng!"
Lúc đó tôi cũng "cạn lời". Tăng ca có gì xấu đâu nhỉ. Ít nhất cũng thể hiện được hai điều, thứ nhất bạn chăm chỉ, thứ hai là bạn có năng lực, người giỏi việc nhiều. Nhưng cậu bạn này lại không nghĩ vậy, cậu ta kể cho tôi về cách nhìn của những người xung quanh cậu ấy về việc làm thêm giờ.
Tôi nghe một hồi, cuối cùng cũng tổng kết được hai chữ: Mất mặt.
Cậu ấy lấy cho tôi ví dụ về một người bạn học cùng đại học, lương tháng bằng cậu ấy, nhưng trước giờ chưa từng phải làm thêm giờ, hết giờ làm tha hồ tự do, chơi bời. Còn cậu ấy, cũng 12 triệu một tháng, nhưng ngày nào cũng tối đêm chín giờ mới về. Khi đi họp lớp, cậu ấy không dám đề cập đến việc làm của mình, hoặc chỉ nói qua loa.
Cậu ấy nói vậy thực ra cũng khá có lí. Cùng một độ tuổi, cùng một trường lớp, cùng một mức lương, tại sao khi người ta về rồi, cậu lại phải ngồi trong phòng làm việc tiếp tục cày cấy? Đúng là người bạn kia đã bỏ xa cậu ấy.
Bạn làm thêm giờ không có nghĩa là bạn cố gắng, có thể nó chỉ đại biểu cho việc hiệu suất làm việc của bạn thấp; càng không có nghĩa là bạn có năng lực, thậm chí nó còn có thể đại biểu cho việc bạn kém thông minh. Nên đừng tự hào tôi làm việc đến 8,9 giờ tối, thật sự, nó không tuyệt vời đến vậy đâu.
[02]
Những năm gần đây, chủ đề nói chuyện trong các buổi tụ họp bạn bè đều đã thay đổi. Trước 30 tuổi, ai cũng nói sẽ liều mạng cố gắng thế nào, sau 30 tuổi, bắt đầu có sự phân hóa. Có người vẫn tiếp tục oán hận về việc phải làm thêm giờ, có người bắt đầu cảm thấy hài lòng về công việc.
Nghe thì cảm thấy là do sự lựa chọn khác nhau dẫn đến cuộc sống khác nhau. Nhưng đằng sau những sự lựa chọn ấy, chính là năng lực.
Thử hỏi trên đời có ai thích được liên tục làm thêm giờ, nếu không phải là chỉ vì bốn chữ: năng lực không đủ. Không cố gắng sẽ bị sa thải. Mọi người đều nói tuổi 35 là đường ranh giới, vượt qua được bạn sẽ an toàn, không qua được, bạn sẽ nguy hiểm. Phía trước có tiền bối chắn đường, phía sau có hậu bối tuổi trẻ nhiệt huyết, cho nên chỉ có thể liều mình cố gắng.
Theo cách nói này, nếu không phải điều kiện gia đình khó khăn, ai chịu ngày nào cũng 9 giờ tối lái xe đi về, quan trọng là, mãi mãi không có thời gian tan làm. Nhưng có hiện thực là càng bận càng nghèo, càng nghèo càng bận.
Luôn có những người không giống bạn, họ không cần liều mình cố gắng, cũng có thể dễ dàng có được thứ bạn chỉ nằm mơ mới có được.
Ví dụ như đồng nghiệp cũ của tôi, khi mới quen, cả hai đều là những con thiêu thân liều mạng làm việc, chủ để nói chuyện cũng chỉ có kiếm tiền và thăng chức.
Hàng ngày, nhận được nhiều việc, tan làm muộn hơn hơn người này người kia… Lúc đó chúng tôi luôn cảm thấy điều đó chứng tỏ sếp xem trọng chúng tôi. Nhưng rất nhanh, tôi phát hiện, không đúng lắm. Càng ngày anh ấy tan làm càng sớm, cuộc sống càng ngày càng phong phú, thể dục thể thao, chơi golf, bơi lội, gym... Ban đầu, tôi cho rằng do áp lực quá nhiều nên anh ấy buông xuôi từ bỏ. Đến khi anh ấy thăng liền ba cấp, lần đầu tiên tôi phát hiện ra khoảng cách giữa người với người.
Người ta càng làm càng nhanh, càng làm càng giỏi.
Trong khi đó, tôi vẫn còn đang cố nghĩ xem làm thế nào để làm việc cho tốt, một tài liệu phải sửa đến tám lần, vô cùng nghiêm túc. Nhưng từ lâu anh ấy đã hiểu được một điều: có một vài việc, bạn không cần cố quá làm gì. Khách hàng yêu cầu bảy phần, bạn dùng ba phần công sức là đủ rồi. Có làm thêm giờ, tăng ca thì cũng chẳng ai trả thêm lương cho bạn.
Khi đó, nhiều người cho rằng anh ấy ích kỷ, khôn lỏi. Nhưng dần dần tất cả đều nhận ra rằng, người thật sự thông minh trước giờ chẳng bao giờ cần dùng quá nhiều sức lực.
Theo tôi thấy, làm thêm giờ chính là một kiểu gượng ép. Có người nói, công ty nào không có nhân viên làm thêm giờ chắc chắn sẽ phá sản. Tôi đồng ý, nhưng công ty nào chưa từng để nhân viên tan làm đúng giờ cũng sẽ phá sản.
Có những người mấy năm liền không hề làm thêm giờ, chẳng những không mất việc mà còn không ngừng thăng chức. Bạn cảm thấy điều đó là bất khả thi, nhưng thực ra nó chỉ bất khả thi với bạn thôi.
[03]
Mấy năm trước, đám bạn tôi từng nói, đối với họ, làm thêm giờ chẳng khác gì cơm bữa. Mục tiêu của họ trong tương lai là có thể tan làm đúng giờ. Khi còn trẻ, mọi người thường hay đăng những bức ảnh mình đang làm thêm giờ lên facebook, đơn giản chỉ muốn khoe với bạn bè gần xa là mình rất bận, mình đang có việc làm và mình sẽ thành công. Nhưng khi trưởng thành, những việc làm này cũng dần mất hút theo thời gian.
Giờ khi nhắc đến những tiền bối lâu năm trong công ty giờ vẫn phải tăng ca chung với mình, các bạn trẻ thường tỏ ra khinh thường. Cũng dễ hiểu.
Con người, càng leo lên cao, trách nhiệm càng lớn, nhưng đồng thời càng có thể nắm chắc trong tay cuộc sống của bản thân. Tôi từng nghe một câu nói, có thể hơi tàn nhẫn, nhưng rất đúng: "20 tuổi đột tử, bạn có thể nói thế giới thật nguy hiểm. 40 tuổi đột tử, bạn chỉ có thể trách bản thân mình."
Cũng từng có người phản bác tôi, có rất nhiều lãnh đạo thường xuyên làm việc đến 8,9 giờ tối. Lẽ nào sếp cũng không giỏi?
Nhưng xin lỗi, người ta là sếp chứ không phải nhân viên, người là tự lập nghiệp chứ không phải đi làm thuê. Sếp làm thêm giờ và nhân viên làm thêm giờ khác nhau ở đâu? Nhân viên làm thêm một giờ lương có thể sẽ không thay đổi hoặc chỉ thêm được một phần, nhưng sếp làm thêm một giờ lương có thể sẽ thêm một, hai số 0 ở đằng sau.
Tất nhiên lí do làm thêm giờ có rất nhiều, hoặc là do bạn làm việc chậm, hoặc là do sắp xếp nhân viên không hợp lí, hoặc là gặp được một cấp trên khó chịu thích bới móc, hoặc là bị đồng nghiệp bắt nạt...
Nhưng cho dù là loại nào đi nữa, thì đều chứng tỏ một điều: Công việc này chẳng ra làm sao cả!
[04]
Đầu năm nay, có một khoảng thời gian tôi bận đến đầu tắt mặt tối, bạn bè rủ đi chơi không lần nào đi được. Sau đó bị bạn thân mắng cho một trận, "mày cũng 30 tuổi rồi, giờ vẫn còn chưa có thời gian thuộc về mình, định sống khốn khổ thế này đến bao giờ nữa?"
Cái anh ấy gọi là "khốn khổ", chính là giá trị lao động của tôi.
Tôi từng viết một bài viết, trong đó có câu "những bạn trẻ chưa từng làm thêm giờ, về sau cuộc sống của bạn sẽ rất khốn khổ." Thực ra câu này còn có vế sau nữa, đó là: "những người làm việc lâu năm chưa từng về đúng giờ, cuộc sống của bạn cũng thật khốn khổ."
Trong công việc, càng lên cao, càng phải biết cách chọn lọc, càng phải biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này đòi hỏi bạn phải tập trung cao độ và đạt được hiệu suất cao khi làm việc, phải có bản lĩnh từ chối mấy việc vặt mà người khác vứt cho bạn.
Đây là một loại năng lực, cũng là một loại mục tiêu. Sống ở đời, chỉ biết kiếm tiền thôi là chưa đủ, bạn phải hiểu rõ: Bạn có đang bán mạng đổi lấy tiền hay không?
Trí thức trẻ