MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị sa thải còn khủng khiếp hơn ly hôn?

01-05-2017 - 18:56 PM | Tài chính quốc tế

Một trái tim tan vỡ có thể lành lại. Nhưng một vết nhơ trong lý lịch rất khó để xoá bỏ.

Theo dữ liệu tổng hợp từ hơn 4000 nghiên cứu do Bloomberg công bố, mức độ hạnh phúc của đa số những nhân viên từng bị sa thải luôn thấp hơn những nhân viên chưa từng bị sa thải. Mức độ hạnh phúc được tính toán dựa trên các yếu tố: sức khoẻ tinh thần, mức độ tự tin và thoả mãn trong cuộc sống.

Theo nghiên cứu của Đại học East Anglia và What Works Center for Wellbeing – một tổ chức độc lập của chính phủ Anh, mất việc có thể là một “đòn hạ đo ván”. Ảnh hưởng tiêu cực của việc bị sa thải tới mức độ thoả mãn trong cuộc sống có thể lớn hơn rất nhiều so với ly hôn hay mất đi người bạn đời.

Những người thất nghiệp thường sẽ ngày càng suy sụp trong nhiều năm sau khi bị sa thải. Hi vọng lớn nhất của họ là tìm được một công việc mới ổn định – tốt nhất là với mức lương cao và đãi ngộ tốt. Điều này có thể xoa dịu họ sau cú sốc mất việc trước đó.

Mặt khác, những người phải trải qua cú sốc mất đi người bạn đời của mình vẫn có thể hồi phục. Theo Tricia Curmi của What Works Center for Wellbeing, “Sau khi một người mất đi vợ/chồng, mức độ hạnh phúc của họ sẽ trượt dốc nhanh chóng, nhưng sau đó, sẽ quay lại mức trước đó. Nhưng với thất nghiệp, chúng tôi không thấy điều tương tự xảy ra”.

Tại Anh, mức độ hạnh phúc của nam giới hồi phục về mức bình thường hai năm sau khi bạn đời của họ qua đời và bốn năm sau khi một mối quan hệ tình cảm tan vỡ. Còn mất việc? Mức độ hạnh phúc của họ tiếp tục giảm trong hơn bốn năm. So với nữ giới, nam giới thường chịu nhiều “tổn thương” hơn sau khi bị sa thải.

Theo một phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu do các học giả tại Đại học Freie Berlin trong năm 2011, con người có thể hồi phục sau khi mất người thân hay ly hôn. Sự vui mừng khi gặp người mới sau một mối quan hệ đổ vỡ có thể khiến trái tim thăng hoa. Ngược lại, con người thường khá “chật vật” để vượt qua cú sốc mất việc.

Dù không có đủ bằng chứng chắc chắn, nhưng để giải thích vì sao bị đuổi việc lại để lại những hậu quả nghiêm trọng đến vậy, các nhà nghiên cứu đã liên kết vấn đề mất việc với tầm quan trọng của một công việc ý nghĩa đối với mỗi người.

Theo Curmi, để cuộc sống có ý nghĩa trong xã hội này, bạn cần làm việc, cống hiến và đạt được một vị trí trong xã hội.

Dù hay phàn nàn, nhưng thực chất, mỗi người đều rất quan tâm tới công việc và sự hỗ trợ từ đồng nghiệp.

Theo một báo cáo công bố vào tháng trước của Viện Nhân sự và Phát triển, một tổ chức nhân sự, gần một nửa số công nhân tại Anh đều hài lòng với công việc của mình, trong khi đó, chỉ 25% không hài lòng.

Theo một số nghiên cứu, ảnh hưởng của việc bị sa thải đặc biệt rõ rệt ở những lao động trẻ. Tom O’Sullivan, 18 tuổi, bị sa thải sau ba tháng thử việc với công việc đầu tiên. Cậu tin rằng mình bị đuổi việc vì xin nghỉ ốm một ngày trong tháng thử việc đầu tiên.

O’Sullivan cho biết: “Đây rõ ràng không phải là điều bạn mong muốn xảy ra. Điều này ảnh hưởng tới lòng tự tin, đặc biệt là trong công việc tiếp theo; bạn sẽ buộc phải thừa nhận bạn đã từng bị đuổi việc”.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực khi bị sa thải. Bên cạnh đó, những người hướng ngoại cũng có xu hướng hồi phục nhanh hơn.

Theo Curmin, cảm hứng tôn giáo cũng có thể giúp xoa dịu nỗi đau. Những người thường tới nhà thờ thường ít bị ảnh hưởng bởi mất việc hơn những người khác.

Quỳnh Mai

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên