MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị Shopee, Lazada "gặm nhấm" thị phần, Thế Giới Di Động thực thi chiến lược "nước chảy chỗ trũng", dừng cuộc chiến giá

29-02-2024 - 16:05 PM | Doanh nghiệp

Doanh thu online của MWG trong năm 2023 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhà bán lẻ này đặt kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng doanh số online và ước tính tỷ trọng đóng góp của kênh online trên doanh thu của các ngành hàng từ 5% đến 30%, trong bối cảnh TMĐT cũng đang cạnh tranh sát nút.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã kết thúc năm 2023 mà không hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Cụ thể, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần giảm 11% so với năm 2022, còn 118.280 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm chỉ đạt 168 tỷ đồng - giảm tới 96% so với mức 4.102 tỷ đồng của năm 2022. Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn là trụ cột đóng góp 70,6% doanh thu cho MWG, khoảng 83.530 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu online đạt 16.000 tỷ đồng.

Năm 2023, Thế Giới Di Động đã khơi mào cho cuộc chiến giá rẻ trong ngành bán lẻ điện tử - điện lạnh. Tuy nhiên, chia sẻ tại cuộc họp nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cho biết công ty không có chủ trương dẫn đầu cuộc chiến về giá trong năm 2024.

"Chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh này trong năm 2023. Chúng tôi cảm thấy thị trường bắt đầu hiểu được thông điệp về giá mà chúng tôi đã đi. Đồng thời thị trường cũng hạ nhiệt nhiều rồi, không còn căng thẳng về giá. Việc này giúp chúng tôi giữ được lợi nhuận trong năm 2024", ông Hiểu Em nhận định.

Vị CEO nói thêm, hiện thị phần điện thoại của MWG dao động khoảng 50%, tùy thuộc vào từng hãng. Có những hãng đã chiếm thị phần 60-70%. Về điện máy, đối với những hàng hóa lắp đặt, có giá trị lớn, ông Hiểu Em ước tính MWG đã đạt 50% thị phần, tùy thuộc vào từng nhóm, từng hãng. Trong đó nhóm hàng gia dụng còn nhiều dư địa, cơ hội để tập trung để gia tăng doanh thu, cải thiện lãi gộp.

Bị Shopee, Lazada

Kết quả kinh doanh của MWG (Nguồn: MWG)

Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về động lực, lợi thế cạnh tranh kênh online của Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh so với các nền tảng TMĐT. 

Ông Hiểu Em cho hay, Tập đoàn đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các hãng, vì thế tự tin về nguồn lực hàng hóa đầy đủ, phong phú nhất thị trường. Đồng thời, chuỗi bán lẻ này có nhiều năng lực tạo ra các chương trình bán hàng, giao lắp, đặc biệt tại các thời điểm mang tính mùa vụ như mùa nắng nóng sắp tới.

"Thị trường không quá khả quan. Chúng tôi cần nỗ lực nhiều để duy trì doanh thu nhờ hiệu ứng nước chảy về chỗ trũng. Nguồn lực bán hàng làm sao phục vụ khách hàng tốt nhất để tập trung vào chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh. Một trong những điều quan trọng là đảm bảo nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu. 

Thứ hai là chuẩn bị thật tốt các chương trình khuyến mãi, bán hàng. Dịch vụ sau bán, giao hàng, lắp đặt đặc biệt trong mùa cao điểm nóng sắp tới là lợi thế của chúng tôi", CEO hai chuỗi trụ cột của MWG bày tỏ. 

Trên thực tế, trong khi doanh thu online của MWG trong năm 2023 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, ngành hàng điện tử vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tảng TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki,...).

Theo báo cáo của Metric vào năm 2022 và 2023, trong khi quy mô tổng doanh thu trên các sàn TMĐT đã tăng từ 135.000 tỷ đồng lên 233.200 tỷ đồng thì ngành hàng Điện thoại & Máy tính bảng cũng tăng từ mức chưa đến 10.000 tỷ đồng lên gần 14.000 tỷ đồng. Thành tích này chỉ kém doanh thu online của Thế Giới Di Động khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Bị Shopee, Lazada

(Nguồn: Metric)

Trong hai năm qua, dù không đứng đầu về sản lượng nhưng với với giá trị cao so với mặt bằng chung, Apple đều duy trì phong độ là thương hiệu đạt doanh số cao nhất trên sàn TMĐT, theo ngay sau là Samsung. Theo đó, tổng doanh thu của Apple ở tất cả gian hàng năm 2022 đạt khoảng 2.974 tỷ đồng, Samsung đạt 2.255 tỷ đồng. Đến năm 2023, hai con số này lần lượt là 3.358 tỷ đồng (tăng 12,9% so với cùng kỳ) và 3.078 tỷ đồng (tăng 36,5% so với cùng kỳ). 

Metric phân tích, mô hình Direct to Consumer như TMĐT còn giúp các thương hiệu tiết giảm chi phí đáng kể. Metric phân tích, nếu áp dụng mô hình B2B2C (Business to Business to Customer), họ sẽ phải bỏ ra từ 35% - 40% chi phí trên giá thành sản phẩm dành cho các đại lý. Trường hợp bán trực tiếp trên sàn TMĐT, họ sẽ chỉ tốn một mức phí thấp hơn rất nhiều (khoảng chưa đến 10%).

Trong định hướng kinh doanh năm 2024 của mình, MWG cũng tập trung cho chiến lược kinh doanh Omni-channel. Nhà bán lẻ này đặt kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng doanh số online và ước tính tỷ trọng đóng góp của kênh online trên doanh thu của các ngành hàng từ 5% đến 30% tùy thuộc đặc tính từng ngành hàng.

Theo Hoàng Thùy

An ninh tiền tệ

Trở lên trên