Bí thư Đinh La Thăng: 'Chúng ta phải biết chấp nhận thực tế'
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, trong bức tranh chung có phần ảm đạm, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vàng để duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá riêng.
- 24-02-2017Bí thư Thăng: 'Xây nhà ở xã hội, quyết tâm là làm được'
- 22-02-2017Bí thư Thăng: ‘Lương 3 triệu sao giữ được người giỏi'
- 20-02-2017Bí thư Thăng: TP.HCM muốn tự chủ để làm ra nhiều tiền hơn
Ngày 9-3, tại hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2017, tổ chức ở TP HCM, Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng cho biết tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy. Hàng loạt chính sách mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia, trong đó Việt Nam có thể phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới.
Ở trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình nhiễm mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tăng trưởng ở lĩnh vực nông nghiệp xuống mức đáy. Thực lực doanh nghiệp và năng suất lao động trong nước còn chậm được cải thiện trước áp lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế lớn chưa từng thấy.
“Nhìn thẳng vào bức tranh chung có phần ảm đạm như vậy không phải để chúng ta nản lòng, mà là cách chúng ta chấp nhận thực tế. Bởi bên cạnh các khó khăn do khách quan, nền kinh tế cũng đang đứng trước nhiều cơ hội vàng để duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá trên diện rộng” – Bí thư TP nhấn mạnh.
Bí thư TP Đinh La Thăng cho rằng nền kinh tế đang có nhiều cơ hội vàng để tăng trưởng. Ảnh: Tấn Thạnh
Bí thư Đinh La Thăng cũng dẫn ra 3 căn cứ cho nhận định của mình là trong năm 2016, chương trình mới về tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thông qua. Thay mới một chương trình hành động mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định triển vọng phát triển dài hạn của đất nước chỉ sau 5 năm triển khai là một quyết định rất dũng cảm. Điều đó đang diễn ra mạnh mẽ với một quyết tâm cao chưa từng có.
Đồng thời, Chính phủ đã xác định và triển khai 2 tuyến hành động lớn, có ý nghĩa chiến lược xuyên suốt tạo thay đổi là xây dựng nhà nước kiến tạo, với một chính phủ liêm chính, hành động. Coi khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng của cả nền kinh tế. Đây là bước tiến lớn về tư duy theo chiều hướng hiện đại, thực tiễn trong hoạt động kinh tế.
Trên thực tế, Chính phủ đang hiện thực hóa cam kết của nhà nước hỗ trợ tối đa sự phát triển của doanh nghiệp, chú trọng quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, tiếp thêm động lực cho chương trình khởi nghiệp gắn với đổi mới dựa trên triết lý sáng tạo.
Ngoài ra, với việc tái định hướng phát triển nền nông nghiệp dựa trên 2 động lực chính là công nghệ cao và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế có thêm nhiều dư địa để tăng tốc nâng cao giá trị nông sản. Sự phát triển nền nông nghiệp đặc sản - đặc sắc, đặt trong thế liên kết với thị trường thế giới, gắn với chiến lược phát triển du lịch chắc chắn sẽ góp thêm một mũi nhọn cho nền kinh tế.
Riêng với TP HCM, 7 chương trình đột phá đang được triển khai dựa trên nền tảng phát huy thế mạnh, tiềm năng của TP nhằm mục tiêu rõ ràng là xây dựng một đô thị hiện đại, đậm bản sắc, giàu nghĩa tình và có sức cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ.
“Chúng tôi coi việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt con số 500.000 doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020 là trụ cột quan trọng trong các chính sách phát triển. Mục tiêu đó cũng sẽ là cơ sở, động lực để kinh tế thành phố tăng trưởng 2 con số và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác” - Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Nói về một cơ chế đột phá cho TP phát triển đúng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và sánh ngang với các TP khác trong khu vực, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng TP cần phát triển tính tự chủ của một chính quyền đô thị. Đó là có dư địa, thế mạnh để phát huy quyền tự chủ của chính quyền đô thị.
TP HCM hiện đại phải so với các TP phát triển khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta… chứ không nên so với các địa phương khác trong cả nước. Từ năm 2001, TP đã trình Chính phủ ban hành nghị định 93 theo hướng những vấn đề nào mà luật pháp chưa quy định, hoặc quy định nhưng không phù hợp thì Chính phủ cho TP thực hiện thí điểm. Cải cách thể chế phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.
“Có điều, quá trình làm thí điểm quá gian nan vì làm thí điểm trái quy định thì không ai dám chịu trách nhiệm. Do đó, lúc này TP cần một cơ chế phù hợp để TP phát triển và có thể mạnh dạn để xây dựng TP văn minh, hiện đại như từng có” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Người lao động