Bị thu hồi mã số vùng trồng, nông dân trồng chuối như ngồi trên lửa
Hiện các cơ quan quản lý đã tạm ngừng hoặc thu hồi mã số vùng trồng vi phạm để chủ thể khắc phục. Nếu chủ thể để mất mã số khi không khắc phục sẽ gây thiệt hại lớn.
- 11-09-2023Sầu riêng, chuối được xuất khẩu sau khi bị tạm dừng: Cục Bảo vệ thực vật nói gì?
- 28-05-2023Sầu riêng, khoai lang, chuối, mít... xếp hàng xuất sang Trung Quốc
- 22-02-2023Nông dân trồng chuối thoát cảnh được mùa mất giá
Từ năm 2022, nhiều mặt hàng trái cây tươi như: chuối, sầu riêng… của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Để đạt được kết quả đó, các nông sản phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đó là những điều kiện bắt buộc.
Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, phía Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng của các đầu mối xuất khẩu Việt Nam.
Những ngày này, bà Hinh (xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai) như ngồi trên đống lửa do 11 ha chuối chỉ còn 3 tháng nữa vào mùa thu hoạch, nhưng nguy cơ bị đứt gãy đầu ra. Nguyên nhân là từ đầu tháng 9, mã vùng trồng chuối bị đình chỉ, thu hồi. Điều này đồng nghĩa nếu không khắc phục vi phạm mã vùng trồng thì hơn 500 tấn chuối không xuất khẩu được.
"Đầu tư 1 ha là 250 triệu đồng, mà giờ chuối bán 5.000 đồng hay 6.000 đồng là không có tiền mua gạo", bà Đoàn Thị Hinh, xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai, chia sẻ.
Cơ sở đóng gói nông sản cũng nằm trong diện bị tạm ngưng và thu hồi mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Công ty anh Tỷ là đối tác, đã ký kết thu mua 14.000 tấn chuối tại đây để xuất khẩu nên rất lo lắng khi cơ sở bị đình chỉ mã số đóng gói.
Thu hoạch chuối xanh đưa về nhà máy sơ chế, đóng gói để xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
"Hiện tại chúng tôi lấy ít nhất trong một tháng khoảng từ 500 - 700 container cho 1 mã vùng trồng. Chúng tôi mong chờ Sở kiểm dịch thực vật giúp chúng tôi, giúp bà con nông dân sớm được cấp lại mã số vùng trồng", ông Nguyễn Hữu Tỷ, Giám đốc Công ty TNHH Best Care Shipping, cho biết.
Tại Đồng Nai, sản lượng chuối trong vùng trồng bị thu hồi mã số chiếm 49% tổng sản lượng vùng trồng được cấp mã số và chiếm 21,85% trong sản lượng chuối dự kiến thu hoạch trên địa bàn tỉnh, ước lượng 568.000 tấn.
Các vùng trồng, cơ sở đóng gói bị đình chỉ mã số là do phía Trung Quốc phát hiện có sinh vật gây hại trên các lô hàng xuất khẩu. Theo đó, loài rệp sáp đang là loại sinh gây hại phổ biến trên cây trồng toàn tỉnh. Trong khi đó, quá trình canh tác của nông dân và sơ chế tại cơ sở đóng gói chưa diệt trừ hết rệp sáp trước khi xuất khẩu nông sản.
Giải pháp khôi phục mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm
Năm nay, tỉnh Đồng Nai dự kiến xuất khẩu hơn 500.000 tấn chuối với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm này, hoạt động này của tỉnh đang bị tạm ngưng, do chuối bị thu hồi mã số vùng trồng nhiều nhất. Trong khi đó, chuối đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Do vậy, việc tập trung các giải pháp khắc phục để mở lại mã số đang được nông dân, cơ sở đóng gói và cơ quan quản lý gấp rút thực hiện.
Mã vùng trồng đang bị tạm ngưng, nhưng do canh tác theo hướng hữu cơ nên nông dân đang phải tăng nhân công lên gấp đôi để chăm sóc chuối, đặc biệt tập trung tăng cường đặt bẫy sinh học nhằm loại bỏ các sinh vật gây hại trên cây chuối như rệp sáp theo yêu cầu khắc phục của đơn vị xuất khẩu.
"Về cơ học, chúng tôi sẽ cho công nhân trong khi khi chăm sóc vườn sẽ tăng cường quan sát, phát hiện sinh vật gây hại trên cây chuối và buồng chuối, nếu phát hiện thì sẽ sử lý sớm", anh Lê Hữu Thỏa, nông dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho hay.
Công ty Dịch vụ thương mại Chuối Thanh Bình, Đồng Nai vừa tăng thêm máy xịt rửa áp suất cao gấp đôi để loại bỏ những sinh vật có hại còn sót lại từ vùng trồng. Mục tiêu là loại bỏ hoàn toàn rệp sáp giúp chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
"Công ty hiện đang theo dõi sát sao cùng bà con vùng trồng, khi phát hiện có sinh vật gây hại trên chuối sẽ xử lý ngay", ông Lê Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại Chuối Thanh Bình, Đồng Nai, cho biết.
Tới thời điểm này, 13 vùng trồng chuối, 2 vùng trồng sầu riêng, 1 cơ sở đóng gói sầu riêng, 16 cơ sở đóng gói chuối đã hoàn thành xong các danh mục cần khắc phục theo đúng yêu cầu của đơn vị nhập khẩu. Đây cũng là cơ sở để kiến nghị phục hồi mã số phục vụ xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 750 trường hợp vi phạm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng Nai là một trong các tỉnh có tiến độ khắc phục nhanh, sớm, quyết liệt nhằm nhanh chóng phục hồi mã số, giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết tại cuộc họp song phương mới đây, phía Trung Quốc đánh giá rất cao Việt Nam khi chủ động thực hiện việc tạm dừng và thu hồi các mã số vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ trình Chính phủ xây dựng nghị định quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và nghị định xử phạt vi phạm hành chính để nâng cao tính răn đe.
VTV