Bí thư Thăng: "Thời gian giải quyết thủ tục tiền sử dụng đất chỉ 1 tháng thôi, để DN kêu kéo dài mấy tháng là không được!"
Đánh giá tại buổi họp sáng 6/6 của bí thư Đinh La Thăng với lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến đất đai, một số ý kiến cho rằng phải mất tới 1 năm để giải quyết các thủ tục về tiền sử dụng đất. Ngay lập tức, bí thư Thăng chỉ đạo "từ ngày mai khi doanh nghiệp nộp hồ sơ trong vòng 1 tháng phải có kết quả, DN kêu kéo dài là không được!"
- 29-04-2016HOREA kiến nghị sửa cách tính tiền sử dụng đất
- 27-04-2016Hải Phát chi 700 tỷ mua lại một phần dự án Khu đô thị Phú Lương
- 19-04-2016Chủ đầu tư bất động sản khổ vì ách tắc thủ tục đóng tiền sử dụng đất
- 31-03-2016Hoa mắt với tiền sử dụng đất
Hiện nay việc giao thẩm định giá đất cho 2 sở: Tài nguyên - Môi trường (TNMT) và Tài chính thực hiện dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian. Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng sáng nay (6/6), ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, đã đề nghị nên giao về một đầu mối như trước kia bởi có doanh nghiệp phản ánh, nộp hồ sơ 18 tháng mà chưa có kết quả.
Tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách rất lớn của TP.HCM, trong thời gian qua có nhiều chủ đầu tư phải xếp hàng chờ đợi được nộp tiền sử dụng đất, trong lúc ngân sách thành phố rất cần bổ sung nguồn vốn này. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần cải tiến quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất với mức thu hợp lý, rút ngắn thời gian (hiện nay phải trên dưới 1 năm), và loại trừ tệ nạn nhũng nhiễu do cơ chế xin – cho.
Chẳng hạn, theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty địa ốc Hoàng Quân, trong quá trình thực hiện dự án mua nhiều đất với số tiền gần 130 tỷ nhưng đến nay 2 năm rồi vẫn chưa thể triển khai dự án nhà ở xã hội ở quận 2 vì khâu thủ tục rất lâu.
Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản còn đưa ra hàng loạt kiến nghị như: hiện nay tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí, nhưng lại là một khoản thu ngân sách rất lớn theo quy định của Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước.
Nhưng theo cách thu hiện nay, tiền sử dụng đất là "gánh nặng" của doanh nghiệp và người tiêu dùng, là "ẩn số", không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư, và đã tạo ra cơ chế "xin - cho".
Sau khi nghe kiến nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo ngay, không biết thủ tục như thế nào nhưng giao cho ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT khi doanh nghiệp nộp hồ sơ trong vòng 1 tháng phải có kết quả.
“Từ ngày mai, thời gian đóng tiền sử dụng đất chỉ có 1 tháng thôi. Tôi chỉ biết có ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường phụ trách vấn đề này. Các doanh nghiệp mà kêu kéo dài mấy tháng là không được. Tên Toàn Thắng mà để mấy tháng thì thất bại”, Bí thư Thăng nói.
Trước những phản ánh về việc giới hạn chiều cao của các dự án, Bí thư Thăng cho rằng không phải cả thành phố là trận địa nên ngoại trừ những chỗ Bộ Quốc phòng không giới hạn thì cần công khai.
Để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, về trung hạn, dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế: "Thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất chuyên dụng sang đất ở", có thuế suất, như vậy mới đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho, như Báo cáo 196/BC-UBND ngày 8-11-2013 của UBND TPHCM đã gửi Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đây là vấn đề cực khó, lâu dài chỉ có thể được giải quyết trong trung hạn, dài hạn vì cần phải được Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Với những kiến nghị của các doanh nhân, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết những gì thuộc thẩm quyền của TP.HCM thì sẽ giải quyết ngay, thuộc thẩm quyền Bộ ngành trung ương thì cần tập hợp lại để TP.HCM đề xuất.
Trước mắt, TP.HCM sẽ giải quyết ngay việc công khai thông tin dự án trên từng địa bàn quận để hạn chế thấp nhất sự mất cân đối trong cung cầu. Đồng thời, UBND TPHCM cũng đặt hàng với HoREA đề xuất cho lãnh đạo TP.HCM một số các biện pháp để quản lý thị trường bất động sản lành mạnh. Bởi nếu không quản lý tốt, “bong bóng” bất động sản sẽ xảy ra thì vô cùng nguy hiểm.
Bí thư Thăng cam kết tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, giữ cho thị trường bất động sản sẽ không trầm lắng và cũng không quá nóng. TPHCM sẽ tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Thăng chỉ đạo trực tiếp ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM hàng quý phải chủ trì các sở ngành liên quan với các doanh nghiệp bất động sản để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
"Thời gian tới, các Sở ngành sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch, kiên quyết không để quy hoạch treo. Định hướng của TPHCM là tầm nhìn dài hạn chứ không phải chỉ 5-10 năm nên bắt buộc các dự án phải công khai, minh bạch. Đồng thời, TPHCM sẽ phân cấp triệt để cho các quận huyện để quản lý thị trường bất động sản." ông Thăng nói
Bí thư Thăng đề nghị trong quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp bất động sản cần gắn chặt với các chương trình đột phá và chỉnh trang đô thị của thành phố. Dường như hiện nay, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến các dự án bất động sản nhưng 2 lĩnh vực cần quan tâm là cải tạo, xây mới 474 chung cư xuống cấp và giải tỏa 5300 căn nhà ven kênh rạch.
“Một thành phố có chất lượng sống tốt thì không thể để người dân sống trong sự nguy hiểm, trong những nhà tạm bợ, ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp bất động sản nên tham gia vào chương trình cải tạo chung cư cũ và xóa nhà tạm ven kênh rạch”, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh.