Bí thuật đạt 3,5 tỷ lượt tải xuống của TikTok: Dùng khoa học 'đánh' vào hành vi có từ thời cổ xưa của con người, khiến giới trẻ mê mệt
Một trong những điều lý giải cho sự phát triển như vũ bão của TikTok có thể nằm ở khoa học về trí óc của con người.
- 25-04-2022Cần chính sách dài hơi để phát triển kinh tế số
- 25-04-2022Lượt tìm kiếm du lịch Việt Nam tăng đột biến trên thế giới
- 24-04-2022Hết năm 2022, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú chính thức bị "khai tử", người dân tra cứu thông tin bằng cách nào?
Kể từ khi ra mắt năm 2016, nền tảng chia sẻ video trực tuyến TikTok đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Theo một thống kê gần đây, ứng dụng TikTok đang dẫn đầu về số lượt tải xuống trong quý I/2022 (hơn 176 triệu lần), đồng thời vượt qua mốc có tổng số hơn 3,5 tỷ lượt tải xuống để trở thành ứng dụng thứ 5 trên thế giới đạt được con số khổng lồ này.
Theo tờ Today, một trong những điều lý giải cho sự phát triển như vũ bão của TikTok có thể nằm ở khoa học về trí óc, cụ thể là khoa học về những gì xảy ra khi chúng ta bắt chước hành động của người khác.
Bằng cách tạo ra phương tiện để người dùng có thể dễ dàng tạo lập và chia sẻ video bắt chước các thử thách trên nền tảng, TikTok đã "lợi dụng" khoa học não bộ để xây dựng kết nối giữa con người với nhau, giúp ứng dụng ngày càng trở nên phổ biến.
Sức mạnh của TikTok
Đây có lẽ là câu hỏi không cần trả lời bởi phần lớn chúng ta, dù có sử dụng hay không thì đều biết đến ứng dụng đình đám này.
Có lẽ minh chứng đầu tiên về sức mạnh của TikTok là sự nổi lên của bản hit "Old Town Road" của Lil Nas X. Được phát hành vào cuối năm 2018, bài hát nhận được rất ít sự chú ý cho đến khi nó trở nên viral trên TikTok. Sang đến năm 2019, nó đã bán được 10 triệu bản và chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard trong 19 tuần.
Không ít nghệ sĩ trên thế giới đã nổi tiếng nhờ việc bài hát của mình trở thành hiện tượng trên TikTok. Trước khi nổi tiếng, Flo Milli (tên thật là Tamia Monique Carter) đã viết nhạc và đăng các bản thu âm mới lên mạng nhưng chưa thu hút được nhiều sự chú ý. Một ngày nọ, bài hát mang tên Beef FloMix của cô bỗng viral trên TikTok. Thời điểm đó, cô gái trẻ thậm chí còn chưa có tài khoản TikTok.
Chân dung Flo Milli (Ảnh: Internet).
Nhờ việc các bài nhạc lọt vào "mắt xanh" của TikTok, trong vòng vài tuần, Flo đã thu hút được sự chú ý trong ngành công nghiệp âm nhạc. Kể từ đó, cô đã ký hợp đồng với RCA Records và được đề cử cho Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại Lễ trao giải BET Hip Hop 2020.
Có thể nói, TikTok đang trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa hiện nay. Nội dung được chia sẻ trên nền tảng cũng vô cùng phong phú và thu hút người dùng.
Điều gì khiến TikTok đặc biệt?
Khi TikTok đã gia nhập hàng ngũ các gã khổng lồ truyền thông xã hội toàn cầu, sự nổi lên của nó đã đi kèm với việc phương Tây quan ngại về nguồn gốc Trung Quốc của ứng dụng này. Ngoài ra, việc trẻ em và thanh thiếu niên "nghiện" dùng TikTok cũng là vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, TikTok đã phần nào tránh được sự giám sát bằng cách coi mình như một "nền tảng sáng tạo", đem lại sự vui tươi, giải trí cho người dùng chứ không phải nền tảng truyền thông xã hội.
Một trong những hình thức phổ biến nhất trên TikTok là bắt chước điệu nhảy trên một bài nhạc đang thịnh hành. Việc bắt chước, đặc biệt là bắt chước cách tạo dáng và chuyển động, là hành vi mà con người đã thực hiện từ cổ xưa để học hỏi và kết nối với nhau hiệu quả hơn. Có lẽ chính vì vậy nên TikTok mới được nhiều người dùng ưa chuộng.
Ảnh: Internet.
Sức mạnh của bắt chước
Các nhà khoa học tin rằng chức năng bắt chước thông qua một hệ thống "tế bào thần kinh phản chiếu" tồn tại trong não bộ của tất cả các loài linh trưởng. Điều này có thể xảy ra bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy (hoặc nghe thấy) chuyển động của người khác, cho dù đó là diễn viên nhào lộn, giáo viên yoga hay ai đó đang nhảy trên TikTok.
Trong một số nghiên cứu về sự bắt chước vô thức, các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc những người lạ vô thức phản chiếu điệu bộ và cử chỉ cơ thể của nhau trong lần gặp đầu tiên thể hiện nhiều cảm xúc tích cực hơn. Các hoạt động liên quan đến chuyển động đồng bộ có thể tạo ra cảm giác đoàn kết và tin tưởng mạnh mẽ hơn.
Trên TikTok, tuy khác nhau về vị trí địa lý, tuổi tác, giới tính, chủng tộc… nhưng người dùng vẫn có thể dễ dàng cảm thấy kết nối với nhau thông qua các bản nhạc hay thử thách nhảy. Bên cạnh đó, khi xem một thử thách hay "trend" nào đó, bất cứ ai cũng muốn thử bởi nó giúp họ được trải nghiệm hay thậm chí là cảm giác đạt được "thành tựu" khi thực hiện thành công điều mà người khác đã thực hiện.
Nguồn: Today
Nhịp sống kinh tế