"Bí thuật" và đội quân thầm lặng giúp Nhật Bản truy tìm virus corona
Có một "bí thuật" tuy không chính thống song đã tạo ra sự khác biệt và thành công trong cách Nhật Bản phản ứng với đại dịch.
- 08-06-2020Lỗ hơn 6 tỷ USD năm ngoái, đóng cửa một nhà máy với gần 3.000 việc làm, hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản trăn trở “đường sống” hậu Covid-19
- 05-06-2020Nhật Bản mất hàng tỉ USD vì hoãn Olympic 2020
- 01-06-2020Uy tín chính phủ Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm
- 29-05-2020Bloomberg: Cuộc chiến chống giảm phát dai dẳng của Nhật Bản là dấu hiệu báo động cho tương lai thế giới hậu Covid-19
Dịch bệnh bùng phát là một điều chưa từng có tiền lệ, nhưng nó cũng không thể cản trở công việc hàng ngày của cô Yuko Koizumi.
Tại Kawasaki, một thành phố nằm ở phía nam Tokyo, gần 300 người được xét nghiệm đã được xác định dương tính với virus Corona vào đầu tháng 6. Nhưng cuộc sống của Koizumi hầu như không bị ảnh hưởng bởi điều này. Là người đứng đầu đơn vị phản ứng với bệnh truyền nhiễm của mạng lưới bảy trung tâm y tế công cộng của thành phố, cô hoàn toàn có thể vạch ra một chiến lược quen thuộc từng được áp dụng trong các đại dịch trước đó cũng như các căn bệnh bùng phát theo mùa: đó là theo dõi các con đường lây nhiễm qua việc tiếp xúc gần, kiểm tra bệnh nhân hồi phục và tiến hành điều trị tại những vị trí cần thiết trên cơ thể.
Có một "bí thuật" tuy không chính thống song đã tạo ra sự khác biệt và thành công trong cách Nhật Bản phản ứng với đại dịch.
7 trung tâm y tế công cộng của Kawasaki là một phần của mạng lưới hơn 450 tổ chức tương tự trên khắp Nhật Bản. Các trung tâm này đã chứng minh rằng Nhật Bản đã chống chọi được khi virus tấn công bằng cách sử dụng lực lượng lần theo các mối tiếp xúc được đào tạo bài bản và Nhật Bản có thể cung cấp mô hình này cho các quốc gia khác nhằm giúp họ đối phó với các đại dịch tiếp theo xảy ra trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng sự tồn tại của các trung tâm này, nơi áp dụng và thi hành các chính sách y tế công cộng trung ương bao gồm tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi và điều tra lạm dụng trẻ em, là một trong những lý do chính giúp Nhật Bản phòng tránh được sự bùng phát của số ca lây nhiễm đại dịch Corona..
"Tôi không chắc mình có thể làm được điều đó nếu không hiểu được cách đương đầu với dịch bệnh từ trước", Koizumi nói. "Chúng tôi cũng rất may mắn vì đã là một tập thể gắn bó có thể giao tiếp và làm việc cùng nhau hiệu quả."
Nhân viên của trung tâm đã đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tra tiếp xúc giữa các cá nhân và đóng vai trò là những "vệ binh" ngăn chặn virus Corona từ rất sớm, khi các trường hợp đầu tiên tại Nhật Bản được xác định vào tháng Giêng. Các nhân viên yêu cầu những người bị nhiễm Virus mô tả cụ thể biến động của bản thân họ, chia sẻ thông tin cá nhân và tiết lộ chi tiết về những người họ đã gặp để tiến hành theo dõi những cá nhân cần được kiểm tra và cách ly.
Không giống như ở một số thành phố tại châu Á như Hồng Kông, nơi các nhà chức trách đã công khai công bố chi tiết về nơi làm việc, nhà ở, nhà hàng và quán bar mà những người nhiễm bệnh ghé lại để những cá nhân khác có nguy cơ lây nhiễm đến xét nghiệm, các quan chức ở Nhật Bản đã tránh việc nhận dạng công khai các doanh nghiệp hay thậm chí là các khu vực tâm dịch.
Vốn coi bảo mật thông tin người dân là tối quan trọng, các nhân viên của trung tâm y tế công cộng đã tiến hành truy tìm những người có nguy cơ lây nhiễm trong khi vẫn duy trì tình trạng ẩn danh của bệnh nhân.
"Người dân tin tưởng vào trung tâm y tế công cộng và sẽ sẵn sàng chia sẻ bất kỳ thông tin nào với họ. Bởi vì họ hiểu như thế nào là một cộng đồng đúng nghĩa." ông Haruka Sakamoto - nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Tokyo cho biết.
Những trung tâm y tế công cộng như thế này thực hiện vô số chức năng khác nhau trong các khu phố địa phương, có vai trò như một thứ keo kết dính xã hội. Ngoài việc phản ứng với bệnh truyền nhiễm, họ còn phụ trách giám sát rất nhiều mối quan tâm liên quan sức khỏe khác nhau của người dân, từ giúp đỡ và tư vấn cho người cao tuổi về chế độ ăn uống và tập thể dục, tiến hành kiểm tra sức khỏe cho trẻ sơ sinh, đến cấp giấy phép cho quán bar và nhà hàng, điều tra các trường hợp lạm dụng trẻ em hay ngộ độc thực phẩm.
Sợi dây liên kết đó với cộng đồng đã giúp việc phản ứng với virus Corona hiệu quả ngay từ ban đầu, bao gồm theo dõi quá trình ủ bệnh và thông báo cho người dân về các biện pháp phòng ngừa đúng đắn. Ngay cả bây giờ, công việc theo dõi tiếp xúc, tiến hành xét nghiệm và xác định đối tượng nhiễm bệnh vẫn đang được thực hiện trên khắp các trung tâm khi cả nước tái hoạt động trở lại.
Chiến lược bệnh lao
"Trung tâm y tế công cộng Nhật Bản tìm lại nguồn gốc ra đời của mình khi trở lại với một chương trình chống lại bệnh lao vào những năm 1930. Đây một căn bệnh giống như Covid-19 đòi hỏi phải có sự kiểm tra và theo dõi sát sao từ đội ngũ y tế." Toshio Takatorige, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Kansai ở Osaka cho biết. "Ngược lại, các hệ thống y tế công cộng ở các quốc gia phương Tây bắt nguồn từ cuộc chiến chống dịch tả trước đó vào thế kỷ 19, một kiểu đại dịch hoàn toàn khác và có thể được giải quyết bằng cách cải thiện nguồn nước gia dụng và hệ thống nước thải."
"Bệnh lao đã từng nguy hiểm hơn rất nhiều so với virus Corona ở hiện tại." ông nói. "Đây cũng từng là một vấn đề nghiêm trọng đối với Quân đội Hoàng gia Nhật Bản trong việc đảm bảo nguồn viện trợ. Cho đến ngày nay, việc phòng chống bệnh lao vẫn là một trong những chức năng cốt lõi của trung tâm y tế công cộng, bởi Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao hơn hẳn so với các quốc gia khác trong khối OECD."
Tương tự, kinh nghiệm với các đại dịch trong quá khứ - như là cuộc đối phó đầy đau thương với dịch SARS ở Hồng Kông năm 2003 hay trận chiến giữa Hàn Quốc với MERS năm 2015 -- đã giúp các quốc gia châu Á khác vượt xa các quốc gia phương Tây về khả năng chống dịch.
Giáo sư Takatorige còn nói "Đối với bệnh lao, bệnh nhân cần theo dõi trong 2 năm; trong khi khoảng đó, thời gian đối phó với virus Corona lại không lâu như thế. Các trung tâm y tế công cộng thực hiện chiến lược phòng bệnh lao hàng ngày, và do đó việc phản ứng Covid-19 trở nên tương đối dễ dàng."
Hitoshi Oshitani, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Tohoku và là thành viên của hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Nhật Bản về phản ứng Virus, tại phiên họp báo ngày mùng 1 tháng 6 vừa qua cũng nhấn mạnh "Các trung tâm y tế công cộng cũng đã cung cấp những dữ liệu vô cùng quý giá đối với sự hiểu biết về Virus tại Nhật Bản."
Giảm các nguồn viện trợ
Bản thân các trung tâm y tế này vốn không hề tân tiến và có trang thiết bị công nghệ cao. Việc lần theo tiếp xúc sẽ bị quá tải khi có quá nhiều ca bệnh phải giải quyết cùng một lúc, như sự việc đã xảy ra ở Nhật Bản vào hồi tháng Tư. Các trung tâm thiếu một hệ thống tập trung để có thể chia sẻ thông tin và sử dụng fax để báo cáo các ca nhiễm bệnh riêng lẻ, điều này đã làm chậm việc trao đổi thông tin quan trọng và các nhân viên phải tải thêm một khối lượng công việc nặng nề.
Chia sẻ từ một cộng đồng các giám đốc trung tâm y tế công cộng tại Nhật Bản: "Tài trợ cho hệ thống trạm y tế công cộng cũng bị thu hẹp trong những năm gần đây, khiến số lượng trung tâm đã bị cắt giảm gần một nửa trong 30 năm qua. Điều này đã làm quá tải việc chống dịch tại các thành phố có mật độ dân số lớn, vốn chính là những nơi bị tấn công nặng nề nhất bởi virus Corona.
Tuy nhiên, các trung tâm này bây giờ có thể được trân trọng thêm một lần nữa, khi các quốc gia khác đang khó khăn trong việc thiết lập các hoạt động theo dõi tiếp xúc trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra trên toàn cầu như hiện nay.
Theo Bloomberg