MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi thương lớn nhất của đời người chính là xem điểm khởi đầu là vạch đích

16-07-2020 - 10:13 AM | Sống

Có thể ở một thời điểm huy hoàng nào đó của cuộc sống, chúng ta đều cảm thấy cả thế giới đều ở dưới chân mình. Nhưng, tới một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phát hiện ra, thì ra nàng công chúa xinh đẹp cũng phải biến trở lại thành cô bé lọ lem.

01

Đời người giống như bàn cờ, thắng thua là ở chính mình

Vài ngày trước, tôi có xem được một bài phỏng vấn của diễn viên D.

Nói về kinh nghiệm diễn xuất của mình, D. thẳng thắn chia sẻ rằng mình không dám động tới thể loại hài kịch ngắn nữa, bởi lẽ anh lo rằng mình sẽ không vượt qua được cái bóng quá lớn của tác phẩm trước đó, sẽ làm khán giả thất vọng.

Trên thực tế, D. chính là kiểu vừa ra mắt đã chạm tới đỉnh cao.

Năm đó, dựa vào một tác phẩm hài kịch ngắn chiếu trên TV nhân dịp Giao Thừa, tên tuổi của D. nổi lên khắp mặt trận, tuổi còn trẻ nhưng lại đạt được thành tựu mà nhiều người ao ước.

Nhưng, đó dường như cũng trở thành một cái vực sâu khiến anh không thể nào nhảy qua được.

11 năm đã trôi qua, ở cái độ tuổi không còn xuân thì, D. vẫn chưa thể thoát ra khỏi được cái bóng của vai diễn quá thành công ấy, có làm gì, diễn xuất đa dạng ra sao, người ta vẫn chỉ nhớ tới D. của đêm Giao Thừa hôm ấy…

Trong cuốn "Tả Truyện" có nói: "Quân dĩ thử hưng, tất dĩ thử máng" (quá vui và chìm đắm trong cái gì, sẽ chết vì cái đó).

Tình cảnh của D., thực ra cũng là tình cảnh của rất nhiều người trẻ.

Có thể ở một thời điểm huy hoàng nào đó của cuộc sống, chúng ta đều cảm thấy cả thế giới đều ở dưới chân mình.

Nhưng, tới một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phát hiện ra, thì ra nàng công chúa xinh đẹp cũng phải biến trở lại thành cô bé lọ lem.

Có một câu nói rất hay rằng: trên thế giới này, tồn tại hai loại năng lượng, một loại rực rỡ bùng nổ như pháo hoa, một loại thì thâm trầm giống làn nước yên ả, loại trước tuy ngắn ngủi nhưng rực rỡ, loại sau lại êm đềm và lâu dài.

Chúng ta có lẽ luôn cho rằng mình là pháo hoa, mà quên rằng, thực ra phần lớn mọi người đều chỉ là dòng nước.

Bạn và tôi đều là những người bình thường, không thể luôn luôn chói sáng, chỉ có thể cắn răng tiến về phía trước.

Đời người giống như bàn cờ, thiên biến vạn hóa, khó mà lường trước được điều gì.

Có người khi mới bắt đầu, cầm được quân cờ tốt trong tay, bắt đầu thì hoành tráng nhưng dần dần đuối sức, kết quả thua sạch sành sanh, lãng phí cơ hội trời cho.

Có người khi mới bắt đầu, cầm phải quân cờ xấu, nhưng không hoang không mang, bình tĩnh trầm ổn, kết quả cuối cùng lại phát hiện ra, mình đã thắng được cả bàn cờ.

"Cờ phẩm" là "nhân phẩm", trên bàn cờ cuộc đời này, vận mệnh chỉ phụ trách xáo cờ, còn đi ra sao, nó phụ thuộc vào chính bạn.

Bi thương lớn nhất của đời người chính là xem điểm khởi đầu là vạch đích - Ảnh 1.

02

Một cuộc đời dũng cảm, trước giờ luôn là nỗ lực vượt qua nghịch cảnh

Có rất nhiều người xung quanh chúng ta, khởi điểm không kém, khi còn trẻ cũng từng hào quang rực rỡ.

Nhưng cứ thường tới tuổi 40 là bắt đầu có phần chững lại.

Hoặc là đắm mình vào trong những kinh nghiệm của quá khứ, nghe không lọt tai bất cứ ý kiến nào.

Hoặc là mơ tưởng hư vinh, sống trong những mục tiêu không thiết thực.

Hoặc là đánh mất đi sự nhiệt tình với công việc và cuộc sống, sống cho qua ngày là xong.

Nó giống như việc leo núi, leo được nửa con dốc rồi, con đường phía trước phải đi chầm chậm, càng leo càng khó khăn, không cẩn thận sẽ bị ngã xuống, rồi liên lụy cả những người thân đang leo phía sau mình.

Suy cho cùng thì cũng chính là ngừng phát triển, mất đi sự nhiệt huyết và tự tin.

Thực ra, một cuộc đời dũng mãnh, không phải là cuộc đời xuất phát cao nhưng sau đó không còn chí tiến thủ, mà là dù nửa đường trước có khó khăn tới đâu, thì nửa đường sau cũng vẫn luôn duy trì cho mình sức sống, sự nhiệt huyết, tích lũy rồi bùng nổ.

Ảnh đế của màn ảnh Trung Hoa hiện đại, Trương Hàm Dư, người được biết tới với vai diễn Tống Giang trong tác phẩm "Tân Thủy Hử 2011", hay nhân vật Trương Lương trong bộ phim "Hồng Môn Yến", trước 40 tuổi, anh quả thực là một diễn viên vô danh.

Sau khi tốt nghiệp khoa biểu diễn chuyên nghiệp của Học viện hí kịch Trung Ương Trung Quốc, Trương Hàm Dư trở thành một diễn viên lồng tiếng.

Khi đó, thu nhập vô cùng bèo bọt, lương một tháng của Trương Hàm Dư phần lớn đều dùng để chi trả cho tiền phòng, mà còn là phòng kiểu tầng hầm.

Năm 1998, Trương Hàm Dư khi đó 34 tuổi, anh cuối cùng cũng được tham gia đóng phim với bộ phim truyền hình "Nơi giấc mơ bắt đầu".

Nhưng anh vẫn chỉ là một diễn viên mờ nhạt.

Liên tiếp sau đó là những nhân vật phụ không thể phụ hơn, lời thoại vỏn vẹn vài câu.

Bi thương lớn nhất của đời người chính là xem điểm khởi đầu là vạch đích - Ảnh 2.

Trương Hàm Dư quen mặt với khán giả Việt Nam qua vai diễn "Tống Giang" trong bộ phim "Tân Thủy Hử 2011"

Ở độ tuổi gần tứ tuần, cuộc đời của anh cảm giác như không còn hi vọng gì, nhưng bản thân anh lại không nghĩ như vậy, anh vẫn luôn không ngừng âm thầm trao đổi kinh nghiệm diễn xuất, chủ trương của anh là "trời sinh ra ta, ắt có đất dụng võ".

Cuối cùng, vận mệnh đã chiếu rọi vào người đàn ông 43 tuổi ấy, vào năm 2007, anh được đạo diễn Phùng Tiểu Cương giao cho vai chính Cốc Tử Địa trong bộ phim điện ảnh "Ranh giới sinh tử" (tên gọi khác: "Hiệu lệnh tập kết").

Vai diễn anh lính trông có vẻ nhỏ bé nhưng đầy kiên cường của Trương Hàm Dư đã lung lạc được hàng triệu khán giả.

Trong bộ phim, có một cảnh quay mà Trương Hàm Dư phải quay đi quay lại trong cái lạnh -20 độ của vùng Đông Bắc, sau khi quay xong, Trương Hàm Dư thậm chí còn phải nhập viện vì tê cóng, nhưng anh lại nói:

"Là một nam tử hán, có thể diễn được bao nhiêu vai anh hùng trong đời cơ chứ? Tôi cũng đã 40 tuổi rồi, đây có thể là cơ hội cuối cùng trong đời mình, khó tới đâu tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình."

Cuối cùng, nhờ vai diễn này, Trương Hàm Dư thắng được giải Ảnh đế (nam diễn viên chính xuất sắc nhất) trong 5 lễ trao giải điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc như giải Kim Mã, giải Bách Hoa…

Ai cũng nói khởi đầu quyết định kết thúc.

Nhưng sao Trương Hàm Dư có thể vượt qua được nghịch cảnh?

Không có sự kiên trì phi thường, không có những năm tháng không ngừng mài dũa, trau dồi, thì lấy đâu ra được kết quả đáng kinh ngạc như vậy?

Một nhà văn từng nói: "Bạn và tôi đều biết, thế giới này vốn dĩ chưa bao giờ công bằng. Xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau, con đường đi cũng khác nhau, khó khăn gặp phải cũng khác nhau, vận mệnh cũng khác nhau. Có người chấp nhận số phận, có người thuận theo ý trời, có người muốn phản kháng lại vận mệnh, có người muốn trêu đùa với vận mệnh, hi vọng và thất vọng cứ vậy đan xen mà xuất hiện, chạng vạng cả một đời người."

Xuất phát điểm thấp không đáng sợ, đáng sợ là không có chí hướng.

Nửa hành trình trước của tôi không thuận lợi? Chẳng sao! Mệnh tôi do tôi quyết định chứ không phải ông Trời.

Cái gọi là quà tặng của vận mệnh, thực ra sớm đã được âm thầm định giá!

Bi thương lớn nhất của đời người chính là xem điểm khởi đầu là vạch đích - Ảnh 3.

03

Người thực sự tài giỏi sẽ hiểu thế nào là "chậm mà chắc"

Kinh tế học có một khái niệm gọi là "lợi thế của người đi sau", nó chỉ rằng các quốc gia đang phát triển có thể đạt được sự phát triển kinh tế nhanh chóng thông qua mô phỏng lại công nghệ của các nước phát triển và họ không cần phải đi đường vòng.

Con người cũng như vậy.

Muốn "hậu sinh khả úy", trước tiên bạn phải có 3 thứ.

Thứ nhất là một tâm thái khỏe mạnh tích cực, bất luận trước mắt có gian nan tới đâu, cũng phải cắn răng kiên trì, không lùi bước.

Thứ hai là một cơ thể khỏe mạnh, khi người khác đều lựa chọn đi xuống dốc, thì bạn vẫn còn đủ sức lực để tiếp tục trèo lên.

Và cuối cùng là một tư duy mở, bảo vệ bạn khỏi sự cứng nhắc, bảo thủ và tự mãn, đồng thời giúp bạn sẵn sàng thay đổi trong phạm vi có thể.

Lã Mông của thời Tam Quốc nổi tiếng bởi là người đánh bại Quan Vũ.

Khi còn nhỏ, nhà nghèo không có tiền đi học, ông bị rất nhiều người chê cười trêu chọc.

Tới 30 tuổi, ông vẫn nỗ lực phấn đấu đi học, nhẫn nhịn sự chế nhạo của người đời, miệt mài học hành thâu đêm suốt sáng, gặp con trẻ cũng khiêm tốn xin thỉnh giáo.

Có câu nói rất hay rằng: đời người giống như đường chạy marathon, người ban đầu chạy nhanh chưa chắc đã là người về đích trước.

Đời người, trân quý nhất không phải là có ước mơ, mà là vừa có ước mơ, vừa nghiêm túc hiện thực hóa nó.

Thực ra, động thủ trước chưa chắc đã là chuyện tốt, động thủ muộn cũng chưa chắc đã phải chuyện gì xấu.

Trong bộ phim "Ỷ thiên đồ long kí", trong cuốn bí kíp võ công nổi tiếng "Cửu âm chân kinh", có một câu khẩu quyết như sau: "Tha cường do tha cường, thanh phong phật sơn phong. Tha hoành nhậm tha hoành, minh nguyệt chiếu đại giang", đại ý muốn nói, kẻ địch lớn nhất đời người chính là những ưu lo, bất an, nhu nhược và sự vô tri sản sinh trong tiềm thức.

Chỉ cần nắm bắt được tiết tấu cuộc sống của mình, đừng quá để ý rằng mình chậm hơn người khác, thất bại là điều chẳng ai muốn, nhưng trải nghiệm một chút cũng chẳng có gì là không tốt cả.

Người thực sự lợi hại, là người vừa có thể đứng trên đỉnh cao, lại vừa có thể bật dậy nhanh chóng khi rơi xuống vực thẳm.

Thăng trầm cuộc đời là vô thường, xuất phát điểm cao thấp chỉ là nhất thời, nỗ lực không ngừng nghỉ và sự tự giác kỉ luật của bản thân mới giúp bạn đi hết con đường đời.

Bi thương lớn nhất của đời người chính là xem điểm khởi đầu là vạch đích - Ảnh 4.

04

Có một loại thành công mang tên "có tài nhưng thành đạt muộn"

Nhà văn Lu Yao nói: "Cuộc sống của mỗi người sẽ có một giai đoạn thức tỉnh, giai đoạn thức tỉnh ấy sẽ quyết định bạn có một cuộc đời ra sao."

Thức tỉnh sớm, nhưng không cầu tiến, thiên tài cũng có thể bị lãng phí.

Thức tỉnh muộn, nhưng không ngừng tiến lên, cũng vẫn có thể là hậu sinh khả úy.

Ảnh đế giải Oscar, Morgan Freeman đã phải lăn lội ở Hollywood suốt 30 năm trời trước khi nổi tiếng với bộ phim "The Shawshank Redemption" ở tuổi 57.

Sam Walton mở cửa hàng bán lẻ Walmart đầu tiên ở tuổi 44.

Momofuku Ando, chủ tịch tập đoàn Nissin Foods, phát minh ra mì ăn liền ở tuổi 48.

Vì vậy, xuất phát điểm ra sao không quan trọng, quan trọng là những nỗ lực bền bỉ mà bạn bỏ ra.

Mỗi một người trên thế giới đều có một múi giờ phát triển riêng, bên cạnh có những người trông thì tưởng là ở phía trước bạn, cũng có những người trông thì như ở sau bạn.

Nhưng thực ra, điều quan trọng nhất chính là đi tốt từng bước một trong múi giờ của riêng mình.

Bước đầu ngông nghênh bước sau đuối dần, không bằng có tài nhưng thành đạt muộn.

Bi thương lớn nhất của đời người chính là xem điểm khởi đầu là vạch đích - Ảnh 5.

Nếu trên thế gian có một thứ gì đó có thể giúp con người ta không bao giờ gục ngã, vậy thì đó chắc hẳn chỉ có thể là hai chữ "nỗ lực".

Người kiên trì học tập suốt đời, kiên trì tiến bộ, theo thời gian, rồi sẽ được thế giới âm thầm khen thưởng.

Những cuốn sách mà ta từng xem, những con đường mà ta từng qua, nhưng người mà ta từng gặp, cuối cùng rồi sẽ hiển thị ý nghĩa trong một khoảng thời gian nào đó trong tương lai, dẫn dắt chúng ta đi qua mỗi một chu kì xuân hạ thu đông của đời người một cách bình thản và ung dung hơn.

Bạn chỉ cần nỗ lực là đủ, còn lại hãy cứ để vận mệnh lo.

Theo Như Quỳnh

Báo Dân sinh

Trở lên trên