Bị Uber và Grab cạnh tranh gay gắt ở Sài Gòn, thị trường mới không có, Vinasun hết đường tăng trưởng?
Năm 2015, doanh thu từ vận tải taxi của Vinasun tăng trưởng tới 13% thì trong năm 2016 tăng trưởng chưa tới 3%. Biên lợi nhuận gộp của hãng taxi này đang liên tục giảm.
- 24-02-2017Taxi truyền thống đòi giảm thuế cho bằng Uber, Grab tại Việt Nam
- 20-02-2017Hé lộ số thuế "còi" của Uber, Facebook, Google nộp cho VN
- 16-02-2017Uber, Grab và sự khuynh đảo thị trường taxi Việt Nam
Hoạt động kinh doanh có dấu hiệu đi xuống
Vinasun là công ty taxi chiếm thị phần lớn tại khu vực TPHCM, có lượng khách hàng truyền thống vững chắc. Hiện nay, lượng xe của công ty chiếm khoảng 45% số xe taxi hoạt động trên địa bàn TPHCM.
Đối tượng khách hàng truyền thống của Vinasun là những người có thu nhập cao, khách hàng doanh nghiệp và những khách hàng có nhu cầu đi tới sân bay, đi tới các điểm phổ biến trong thành phố, di chuyển xa, di chuyển ra ngoại thành.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển mạnh, 2 năm gần đây Vinasun đang chững lại.
Theo Báo cáo tài chính mới được công bố, mặc dù doanh thu năm 2016 của công ty đạt 4.520 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước, nhưng đó không phải là tin vui.
Mức tăng này chủ yếu đến từ cung cấp các dịch vụ khác và doanh thu bất động sản. Mảng kinh doanh lõi của Vinasun là dịch vụ taxi chỉ tăng 120 tỷ đồng (chưa tới 3%, trong khi năm trước là 13%).
Lợi nhuận năm qua của Vinasun giảm xuống còn 397 tỷ đồng, thấp hơn cả lợi nhuận năm 2014.
Báo cáo của một công ty chứng khoán mới đây đã đưa ra nhận định, câu chuyện tăng trưởng của Vinasun hiện tại đã chấm dứt.
Thứ nhất, tốc độ mở rộng của đội xe đã chậm lại. Năm 2016, Vinasun đặt mục tiêu tăng lượng xe lên 6.141 chiếc.
Tuy nhiên, thị trường TPHCM hiện tại đã có tới hơn 13.000 xe taxi, vượt cả quy hoạch xe của năm... 2020. Chính vì thế, TPHCM đã thực hiện những chính sách siết chặt lượng xe taxi đăng ký mới, kiểm soát niên hạn xe từ 12 năm xuống chỉ còn 8 năm và chỉ cho phép đưa xe mới vào hoạt động khi đã thay thế xe cũ. Điều này khiến việc tăng lượng xe để gia tăng thị phần gặp trở ngại.
Thứ hai, Vinasun vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ mới gia nhập ngành như Uber và Grab. 2 ứng dụng gọi xe này gia nhập thị trường từ năm 2014 và cạnh tranh bằng chiến lược giá rất rẻ đi kèm với thu nhập hấp dẫn cho tài xế.
Phương thức cạnh tranh bằng giá khiến cả Vinasun cũng như Uber và Grab có những tổn thất nhất định. Đối với Vinasun, hãng đã phải cắt giảm biên lợi nhuận để duy trì lượng tài xế và thị phần.
Giai đoạn 2012-2014, biên lợi nhuận gộp của Vinasun ổn định ở mức xấp xỉ 17%. Tuy nhiên, 2 năm qua khi Uber và Grab tiến vào thị trường, biên lãi gộp của Vinasun chỉ còn 15,2% năm 2015 và giảm tiếp xuống 14,3% năm 2016.
Biên lãi gộp liên tục giảm 2 năm 2015 và 2016, sau khi Uber và Grab vào Việt nam
Thứ ba, công ty quá thận trọng trong việc mở rộng vào các thị trường mới, chẳng hạn như thị trường Hà Nội. Vinasun vẫn chủ yếu bám trụ tại TPHCM và không cho thấy những động thái mở rộng địa bàn hoạt động của mình.
Cạnh tranh nhau bằng các dịch vụ mở rộng
Việc các ứng dụng công nghệ gọi xe như Uber, Grab liên tiếp đưa ra những ưu đãi và các dịch vụ mới như UberMoto hay GrabBike cũng giúp thương hiệu của 2 hãng này đến gần hơn với công chúng, qua đó tăng độ phủ sóng, mức độ nhận diện thương hiệu. Thông qua đó, khả năng sử dụng những dịch vụ như UberX hay GrabTaxi, vốn là dịch vụ cạnh tranh với Vinasun, cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam cũng khiến việc khuyến khích và thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ dễ dàng hơn, thúc đẩy sự chuyển dịch từ sử dụng taxi truyền thống sang sử dụng taxi công nghệ.
Trong khi đó, bước đi mới của Vinasun nhằm đối phó trực tiếp với Uber và Grab như phát triển ứng dụng di động chưa thực sự mang lại hiệu quả vì thời điểm ra mắt quá muộn so với đối thủ. Đồng thời khách hàng đã định vị Vinasun là doanh nghiệp taxi truyền thống, nên việc phát triển ứng dụng di động không dễ dàng thuyết phục được người dùng như Uber và Grab.
Mặc dù vậy, Vinasun cũng nên tranh thủ tiến lên khi đối thủ của họ có những bước lùi. Trong năm qua, Uber đã không thể tiếp tục duy trì giá rẻ của mình mà đã phải tăng cước phí tối thiểu, tăng cước phí trên mỗi kilomet.
Trên thực tế, Vinasun đang cố gắng tạo điểm nhấn với dịch vụ xe cao cấp Vcar, là taxi không gắn biển hiệu và logo như taxi thông thường, nhằm giữ vững thị phần ở nhóm khách hàng trung-cao cấp.
Trí thức trẻ