MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bidenomics' và lá phiếu cử tri

09-11-2022 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Khi cử tri Mỹ xếp hàng trước những thùng phiếu vào ngày 8-11, lạm phát khiến giá cả tăng vọt đang là mối bận tâm lớn nhất của họ.

Lạm phát ở Mỹ hiện ở mức 8% - cao nhất trong gần 40 năm và là yếu tố tác động lớn nhất lên quyết định của cử tri, theo nhiều cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Suốt nhiều thập niên, lạm phát đã ở mức rất thấp, đủ để dân Mỹ hầu như không phải bận tâm. Nhưng nay chi phí sinh hoạt hằng tuần đang là chủ đề chính trong đời sống của họ.

Tranh cãi và nghi ngờ

Gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính quyền Joe Biden vào đầu năm 2021 được coi là yếu tố kích hoạt đầu tiên cho cơn sốt lạm phát hiện tại, trước khi cuộc chiến Ukraine khiến tình hình thêm trầm trọng. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 4/5 người Mỹ nói nền kinh tế có vai trò "rất quan trọng" trong quyết định bỏ phiếu của họ, 3/4 nói họ "rất lo ngại" về giá thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng.

Nhưng hệ quả của gần hai năm "Bidenomics" (chính sách kinh tế của Biden) không chỉ là lạm phát. Trong năm qua, ông Biden đã ký ba dự luật mang tính cột mốc của nhiệm kỳ: phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng ngành thiết bị bán dẫn và dự luật về môi trường. Chi tiêu tổng cộng cho các dự án đó dự kiến lên tới 1,7 nghìn tỉ USD.

Kết quả của các đạo luật đấy sẽ là "chưa từng thấy kể từ khi Quốc hội Mỹ định hướng ủng hộ hết mình cho ngành sản xuất chip và xe hơi của Mỹ vào những năm 1980", theo bình luận của báo Anh The Economist.

Tuy nhiên, trong khi đường hướng chung được đồng thuận, về mặt chi tiết vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Giới chuyên gia đặc biệt không hài lòng với chủ nghĩa bảo hộ thể hiện quá rõ ràng trong các chính sách. Dễ hiểu là nước Mỹ muốn duy trì ưu thế dẫn đầu công nghệ, đặc biệt là trong ngành sản xuất linh kiện bán dẫn và nhất là so với Trung Quốc, khi đây là lĩnh vực có ý nghĩa quân sự ngày càng lớn. Một nỗi lo hợp lý khác là nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc trong các mảng năng lượng xanh cốt lõi như pin điện.

Nhưng trong các kế hoạch xây dựng lại cơ sở hạ tầng đã cũ kỹ của Mỹ và giảm khí thải carbon, chính quyền Biden lại kèm vào các khoản trợ cấp từ Nhà nước cho doanh nghiệp (dự kiến hỗ trợ và miễn giảm thuế 180 tỉ USD cho doanh nghiệp trong 5 năm tới, tương đương 0,5% GDP), và quy định "mua hàng Mỹ". Qua đó, phe Dân chủ hy vọng tranh thủ được sự ủng hộ của giới trung lưu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và người lao động.

Nhưng kế hoạch đậm màu sắc bảo hộ đó đã bị nhiều bạn hàng của Mỹ phản ứng. Liên minh châu Âu và Hàn Quốc đều không hài lòng với chính sách ưu tiên cho xe hơi lắp ráp ở Bắc Mỹ. Trong khi đó, nỗ lực mở rộng hợp tác kinh tế của Mỹ ở châu Á qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), vốn chưa triển khai được gì, nay càng bị nghi ngờ.

Cử tri "chấm điểm" ông Biden

Giới chuyên gia kinh tế muốn một chính sách cởi mở hơn, thay vì có khuynh hướng bảo hộ hiện nay, mà xét cho cùng cũng không quá khác biệt so với đường lối kinh tế nếu phe Cộng hòa nắm quyền. Các biện pháp được đề xuất là nới lỏng nhập cư cho người lao động kỹ năng cao để thúc đẩy công nghiệp xanh và bán dẫn; giảm thuế để khuyến khích đầu tư; tăng cường tự do thương mại...

Nhưng chính trị và đòi hỏi của cuộc bầu cử trọng yếu trước mắt đã khiến những chính sách đó, dù có thể đúng đắn hơn cho kinh tế Mỹ, không được triển khai. Thật ra, phe Dân chủ từng có những thử nghiệm cấp tiến hơn như thiết lập một hệ thống mua bán khí thải carbon hay hiệp định thương mại tự do lớn cho cả khu vực Thái Bình Dương thời Obama, nhưng rồi tất cả đã không đi tới đâu.

Trong những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử giữa kỳ - được coi là sự kiện mà các cử tri sẽ "chấm điểm" 2 năm cầm quyền của ông Biden, dễ hiểu khi hầu hết truyền thông Mỹ tập trung vào lạm phát. Nhưng tác động của Bidenomics chắc chắn sẽ lâu dài hơn thế: 2 năm qua và 2 năm sắp tới sẽ là thời kỳ định nghĩa bản chất của mô hình kinh tế Mỹ trong một tương lai rất lâu dài.

Lạm phát là do chính quyền

Trong khi chính quyền Biden cố gắng định hướng dư luận rằng lạm phát là hiện tượng toàn cầu và có nguyên nhân địa chính trị, tính toán của các kinh tế gia thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hồi tháng 7 cho thấy chính sách tài khóa của chính quyền đóng góp tới 2,5 điểm phần trăm vào mức tăng lạm phát của Mỹ, tức gần một nửa mức lạm phát "tăng thêm" so với bình thường.

Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ (ARP) của ông Biden, thông qua tháng 3-2021, đã bơm 1,9 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế, gồm tiền mặt cho các hộ gia đình, phúc lợi thất nghiệp lớn hơn và chi tiêu cho chính quyền tiểu bang. Lượng tiền khổng lồ đó đã khiến Mỹ thâm hụt ngân sách 2 năm liên tiếp ở mức hơn 10% GDP và làm giá cả hàng hóa tăng vọt.

Theo H.Minh

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên