BIDV có thể phải bù lỗ 500 tỷ đồng tiền cước phí tin nhắn trong năm nay
Mỗi năm các ngân hàng phát sinh hàng trăm triệu tin nhắn gửi tới khách hàng trong hoạt động giao dịch...
- 24-04-2020Phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao chót vót, Cục Viễn thông yêu cầu giảm
- 10-04-2020Các ngân hàng xin giảm 50% cước tin nhắn vì phải bù lỗ
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn lần thứ 3 gửi tới Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị giảm cước phí tin nhắn đối với dịch vụ tài chính ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19. Trước đó Hiệp hội đã có 2 lần gửi công văn với nội dung tương tự là ngày 9/4 và 17/6.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, hiện mỗi giao dịch chuyển tiền/thanh toán đều cần gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng. Một ngân hàng miễn phí cho khách hàng đang phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân là 1.640 đồng/giao dịch thanh toán. Bình quân mỗi khách hàng có từ 15 – 20 giao dịch/tháng, tương đương 25 – 30 tin nhắn/tháng, tương đương khoảng 20.000 – 25.000 đồng/tháng. Trong khi giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Hàng tháng, một ngân hàng qui mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 tỷ - 9 tỷ đồng/tháng. Ở ngân hàng lớn thì chi phí lớn hơn nhiều.
Lượng tin nhắn ngày càng nhiều do các dịch vụ ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn tại BIDV, 1 trong 4 ngân hàng có qui mô lớn nhất thị trường, sản lượng SMS tăng qua các năm, như 2017 chỉ hơn 365 triệu tin nhắn thì 2018 là hơn 473 triệu và 2019 là hơn 365 triệu tin. Đến hết tháng 5 năm nay lượng tin nhắn đã hơn 320 triệu.
Tổng sản lượng 3 năm và 5 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ 1900 triệu tin, chi phí khoảng gần 1200 tỷ đồng. Căn cứ nhịp độ sản lượng tin nhắn năm nay, BIDV dự tính sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng.
Và Hiệp hội đề xuất Bộ Thông tin & Truyền thông cùng với các doanh nghiệp viễn thông giảm khoảng 50% cước phí tin nhắn để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, nếu không giảm được 50% thì có thể giảm về mức phí tương đương của Vietnammobile đang áp dụng tức 300 - 500 đồng/tin nhắn, thay vì mức bình quân là 700 đồng/tin nhắn hiện tại.
Nếu được giảm cước phí, các ngân hàng sẽ giảm bớt được việc phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho tin nhắn, thay vào đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn thông qua giảm lãi suất hoặc các chương trình hỗ trợ khác.