MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BIDV đã vươn lên số 1, nhưng hãy dè chừng!

05-01-2017 - 14:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Không thể phủ nhận những nỗ lực của BIDV đã đạt kết quả ấn tượng trong thời gian qua, nhưng ngân hàng này vẫn nên “dè chừng” với các đối thủ đang bám khá sát.

Mới đây Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố thông tin cho biết tổng tài sản đến cuối năm 2016 đã lên đến 1,007 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2015. Như vậy cho đến thời điểm này, BIDV là ngân hàng đầu tiên đạt tổng tài sản ở mốc 1 triệu tỷ đồng và đương nhiên giữ ngôi vị số 1 hệ thống.

Xét trong toàn ngành ngân hàng, tài sản của BIDV hiện chiếm khoảng 14% tổng tài sản toàn ngành.

Theo dõi vài năm gần đây cho thấy BIDV không chỉ đứng đầu về số tuyệt đối mà còn có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản nhanh nhất trong số các ngân hàng lớn khi con số này hiện đã tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm năm 2012, từ 485 nghìn tỷ đồng lên trên 1 triệu tỷ đồng.

Ngoài về tài sản, BIDV còn đạt được nhiều con số ấn tượng mà các ngân hàng khác dù có chạy dài vẫn khó bắt kịp.

Chẳng hạn như cả về huy động vốn và cho vay, hiện cả hai chỉ số này ở BIDV đều cao nhất và cao hơn nhiều so với VietinBank và Vietcombank. Còn so với các ngân hàng top đầu trong nhóm cổ phần là Sacombank và SCB thì huy động vốn và cho vay của BIDV cao gấp hơn 3 lần. Nếu so với các ngân hàng ở top cuối bảng, BIDV hiện đang lớn hơn gấp vài chục lần.

Hay về nhân sự, toàn hệ thống BIDV hiện có hơn 23.000 người, nhiều nhất trong hệ thống (loại trừ Agribank). Mạng lưới của ngân hàng này cũng có độ phủ hàng đầu khi đạt hơn 1.000 chi nhánh, điểm giao dịch và là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được phép mở chi nhánh tại Myanmar – thị trường tiềm năng của tất cả các ngân hàng trên thế giới.

Trong kinh doanh, thị phần về cho vay của BIDV cùng Vietcombank và Vietinbank cũng áp đảo các ngân hàng khác. Riêng mảng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì hiện ngân hàng này đang chiếm khoảng 15% tổng dư nợ cho vay với các doanh nghiệp SME cả nước, đồng thời chiếm khoảng 24% tổng dư nợ của BIDV.

Hay trong lĩnh vực thẻ, BIDV hiện là một trong các đối tác quan trọng nhất của tổ chức thẻ Visa lẫn Master Card, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Chớ vội chủ quan

Không thể phủ nhận những nỗ lực của BIDV đã đạt kết quả ấn tượng trong thời gian qua, nhưng ngân hàng này vẫn nên “dè chừng” với các đối thủ đang bám khá sát. Hiện về tổng tài sản, VietinBank chỉ kém chút ít, nhưng thời gian tới ngân hàng này nhận sáp nhập PGBank xong, rất có thể ngôi vị sẽ bị đảo ngược nếu như BIDV không tiếp tục bứt tốc.

Dưới góc nhìn của người trong ngành, một lãnh đạo của ngân hàng cổ phần tư nhân có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, BIDV họ có đủ tỉnh táo để nhận diện các vấn đề đang đối mặt. Một điển hình về dịch vụ ngân hàng, mặc dù đang là 1 trong các ngân hàng lý tưởng nhưng BIDV vẫn nỗ lực đổi mới mình. Không chỉ đặt khách hàng là trọng tâm với những phục vụ tận tâm nhất, mới đây ngân hàng còn khai trương hẳn một phòng giao dịch theo phong cách thượng lưu tại Hà Nội để phục vụ các khách hàng VIP. Dự kiến mô hình này sẽ được ngân hàng nhân rộng trong tương lai.

Chưa dừng lại ở đó, ngân hàng này còn tiếp tục cho ra mắt khu trải nghiệm ngân hàng hiện đại tại chi nhánh Hà Nội hồi cuối tháng 12. Tại đó, khách hàng có thể tự thực hiện các giao dịch ngân hàng như là gửi tiền, chuyển tiền, tất toán sổ tiết kiệm, mở tài khoản…trên máy tự động mà không cần chờ đợi ở quầy.

Theo đánh giá của vị lãnh đạo ngân hàng nói trên, ngân hàng hiện đại là xu hướng đã phổ biến trên thế giới từ vài năm nay nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Việc một ngân hàng trong top đầu nhưng vẫn tiên phong đặt trọng tâm vào chiến lược phát triển công nghệ số hiện đại như BIDV đang thể hiện sự quyết tâm của ngân hàng này là hướng tới hình ảnh một ngân hàng năng động, hiện đại chứ không hề cũ kỹ như người ta vẫn nhìn vào hình ảnh của các ngân hàng thương mại Nhà nước thời gian qua.

Dẫu vậy, vị này cũng cảnh báo rằng, sự đổi mới là cần thiết, là đáng hoan nghênh, nhưng BIDV cần phải có thêm các "chiêu bài" khác để luôn ở thế chủ động và củng cố ngôi vị số 1 của mình vì công cuộc cạnh tranh hiện nay rất khắc nghiệt và không ai dám chắc tương lai sẽ thế nào.

Câu chuyện trong cuộc đua ngôi vị ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân là một điển hình cho thấy không chỉ BIDV mà các ngân hàng khác cũng phải thận trọng. Những năm trước, chẳng mấy ai nghĩ có ngân hàng nào có thể vượt qua được Ngân hàng Quân đội. Thế nhưng thực tế năm nay, Techcombank và VPBank đã chính thức soán ngôi nhất nhì. Lúc này người ta mới nhìn vào tình hình của MB mấy năm gần đây thì chợt nhận ra rằng ngân hàng hầu như đi ngang, trong khi cả VPBank và Techcombank đều tăng trưởng mạnh, thậm chí là một đường thẳng đứng từ 2012 đến nay.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên