BIDV lãi trước thuế 5.037 tỷ đồng trong nửa đầu năm, bị Techcombank "vượt mặt "
Phải trích lập dự phòng rủi ro tới hơn 10.000 tỷ đồng, BIDV ghi nhận lợi nhuân trước thuế chỉ đạt 5.037 tỷ đồng, tạm xếp sau Vietcombank, VietinBank và Techcombank trong hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV – HoSE: BID) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2018.
Lợi nhuận quý 2 tăng 80% so với cùng kỳ, nhưng 6 tháng lại thấp hơn Techcombank
Trong quý 2/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.551 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ và đóng góp 51% vào kết quả 6 tháng đầu năm.
Tín dụng vẫn là nguồn đóng góp chính vào cơ cấu thu nhập của BIDV. Trong quý 2, thu nhập lãi thuần tăng 15,8% so với cùng kỳ, đạt 8.321 tỷ đồng, chiểm 79% tổng thu nhập hoạt động.
Phần lớn các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng cũng có kết quả tích cực. Trong đó, hoạt động dịch vụ lãi 976 tỷ, tăng 16,7%; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 156 tỷ, tăng 100 tỷ so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt 17.486 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Ngoại trừ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 21 tỷ, các hoạt động kinh doanh khác đều có lãi, một số tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ như mua bán chứng khoán kinh doanh lãi tới 685 tỷ, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái; lãi từ hoạt động khác tăng 69% lên 1.596 tỷ đồng.
Trong khi thu nhập hoạt động tăng 30%, chi phí hoạt động của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 1,4% lên 6.978 tỷ đồng, trong đó chi cho nhân viên giảm nhẹ 69 tỷ đồng xuống còn 3.964 tỷ.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng của BIDV tăng tới 58% lên 10.007 tỷ đồng, con số này chiếm đến 66% lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng. Do đó, ngân hàng chỉ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.037 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ.
Và với mức lợi nhuận này, BIDV tạm đứng sau Vietcombank (8.071 tỷ đồng), VietinBank (5.265 tỷ đồng) và Techcombank (5.196 tỷ đồng) trong hệ thống ngân hàng.
Nợ xấu giảm nhẹ
Đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản của ngân hàng tăng 5,5% so với thời điểm đầu năm, đạt 1,268 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,2% đạt 917.423 tỷ đồng; huy động tiền gửi tăng 12,2% đạt 964.543 tỷ đồng. Hoạt động trên liên ngân hàng co hẹp, tiền gửi tại và cho vay các TCTD khác giảm 14% xuống còn 101.896 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của BIDV tăng 4.263 tỷ lên 53.097 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận để lại. Vốn điều lệ của ngân hàng vẫn đang dậm chân tại mức 34.187 tỷ đồng. Dù muốn tăng vốn từ nhiều năm nay, ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện, kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phần cho nhà đâu tư nước ngoài hiện cũng chưa có thông tin mới.
Cuối tháng 6/2018, nợ xấu tuyệt đối của BIDV giảm 225 tỷ đồng so với đầu năm xuống mức 13.838 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm 502 tỷ tương đương với 9,6% xuống mức 4.727 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ mức 1,62% hồi đầu năm xuống còn 1,49%.
Trí Thức Trẻ