BIDV rao bán một dự án thủy điện tại Lâm Đồng, giá khởi điểm 372 tỷ đồng
Nhà máy Thủy điện Tân Thượng có công suất thiết kế 22 MW, cung cấp 108 triệu kWh/năm. Dự án này từng do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư với tổng mức vốn dự kiến hơn 900 tỷ.
- 14-03-2022BIDV đại hạ giá khoản nợ 475 tỷ của một công ty thép, rao bán lần thứ 10 chỉ mong thu hồi nợ gốc
- 11-02-2022Bất ngờ với nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng, nhất là BIDV, SHB và Vietcombank
- 01-02-2022BIDV ghi nhận lợi nhuận tăng gấp rưỡi trong năm 2021, nợ có khả năng mất vốn giảm cực mạnh, dự phòng bao nợ xấu tăng vọt
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Gia Lai (BIDV) vừa thông báo bán đấu giá lần 4 tài sản đảm bảo là Dự án Nhà máy Thủy điện Tân Thượng.
BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho lô tài sản này là 372 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng so với mức giá trong lần gần đây nhất.
Dự án Nhà máy Thủy điện Tân Thượng do Công ty Cổ phần Năng Lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, bao gồm toàn bộ tài sản đã hình thành thuộc dự án và liên quan đến dự án nhà máy Thủy điện Tân Thượng (công suất thiết kế 22 MW) thuộc địa phận xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Các tài sản cụ thể gồm toàn bộ các hạng mục công trình trên đất thuộc dự án; Toàn bộ các tòa nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc trong phạm vi khu đất thực hiện dự án. Toàn bộ máy móc, thiết bị, nội thất, đồ đạc và các động sản khác hình thành từ và liên quan đến dự án.
BIDV lưu ý, tài sản đưa ra bán đấu giá chưa bao gồm công nợ liên quan đến dự án của các khoản chủ đầu tư đã tạm ứng cho nhà thầu nhưng nhà thầu chưa thực hiện, các khoản nợ này được xác định là quyền đòi nợ của chủ đầu tư đối với nhà thầu; đồng thời là các phương tiện vận tải, xe ô tô hình thành từ và liên quan đến dự án.
Tài sản được đưa ra đấu giá theo hiện trạng thực tế tài sản và theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá được tạo điều kiện xem xét hiện trạng tài sản, hồ sơ pháp lý của tài sản và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi quyết định mua tài sản.
Người tham gia đấu giá có trách nhiệm tự liên hệ với CTCP Năng Lượng Tân Thượng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục như Công nhận quyền sở hữu, tiếp tục Dự án đầu tư, thuê lại đất … sau khi trúng đấu giá.
Theo tim hiểu, nhà máy Thủy điện Tân Thượng có công suất thiết kế 22 MW, cung cấp 108 triệu kWh/năm. Dự án được khởi công đầu năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng do CTCP Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư và chủ thầu là Công ty cổ phần Sông Đà 9. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) từng là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 88% cổ phần Năng lượng Tân Thượng. Vào cuối năm năm 2020, DLG đang ghi nhận gần 366 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Nhà máy điện Tân Thượng. Tuy nhiên đến cuối năm 2021, khoản này đầu tư này đã không còn do hoạt động thoái vốn công ty con.
Trước đó, DLG cho biết đã chuyển nhượng hết cổ phần Năng lượng Tân Thượng vào ngày 29/9/2021. Tuy nhiên, Năng lượng Tân Thượng vẫn còn có mối liên quan với DLG khi có cùng chung thành viên lãnh đạo điều hành.