Biến ACV trở lại thành doanh nghiệp nhà nước: Thao tác ngược, gây tốn kém chi phí?
Các chuyên gia nhận định như thế nào về đề xuất mua lại 4,6% cổ phần của Tổng công ty quản lý cảng hàng không Việt Nam từ Bộ Giao thông Vận tải?
Từ trái qua phải: LS. Trương Thanh Đức - TS. Vũ Đình Ánh - PGS, TS. Trần Đình Thiên - TS. Ngô Trí Long
Trong tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 9/7/2019 trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do Nhà nước đầu tư, quản lý có đưa ra nhiều phân tích, nhiều phương án khác nhau và có kiến nghị là trước mắt từ nay đến 2025 tiếp tục giao cho phía Tổng công ty Quản lý Cảng hàng không Việt Nam ( ACV ) quản lý, khai thác.
Trong đề án này, Bộ GTVT phân tích và đề xuất nhiều phương án quản lý sử dụng khu bay từ nay đến năm 2025. Một trong những phương án là Nhà nước bỏ tiền ra mua lại số cổ phần ACV không thuộc sở hữu Nhà nước, hiện chiếm 4,6%.
Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chều 4/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng khi Nhà nước sở hữu 100% ACV sẽ đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, việc quản lý, sửa chữa cảng hàng không sẽ thuận lợi hơn.
Xoay quanh đề xuất mua lại số cổ phần của ACV, BizLIVE đã có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia kinh tế.
MUA LẠI CỔ PHẦN ACV ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHỦ TRƯƠNG CỔ PHẦN HOÁ
Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Công ty Luật BASICO
Việc mua lại cổ phần của một doanh nghiệp từng cổ phần hóa trước đây từng có tiền lệ khi phát hiện sai phạm trong quá trình cổ phần hoá hoặc để xử lý sai phạm như trường hợp Ngân hàng 0 đồng, thu hồi lại cổ phần “bay hơi” do các vụ án tham nhũng.
Còn trong trường hợp của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), việc mua lại cổ phần sẽ đi ngược chủ trương cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai là vấn đề an ninh quốc phòng của các cảng hàng không từ xưa đến nay vẫn vậy, không có phát sinh mới. Đối với các yếu tố xuất hiện mới như tiền ảo, thương mại điện tử,… mới đặt ra các yêu cầu mới.
Tuy nhiên, với ACV vẫn vấn đề như nhau mà trước kết luận phải cổ phần hoá, tư nhân hoá thì đến nay lại đề xuất mua lại cổ phần sẽ dẫn đến mất lòng tin của nhà đầu tư, môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng. Nếu bất kể doanh nghiệp nào dính dáng đến an ninh quốc phòng đều có thể bị thu hồi cổ phần, như vậy nhà đầu tư nào dám mua cổ phần nữa.
Còn trong trường hợp đề xuất này được thông qua thì Nhà nước phải đóng vai trò như một nhà đầu tư “thuận mua vừa bán”. Giả sử có những nhà đầu tư không bán cổ phần dù trả giá cao thì vẫn phải chấp nhận, còn các nhà đầu tư bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì cứ thoả thuận khớp lệnh để mua lại cổ phần.
Điều quan trọng nhất là có cần thiết phải mua lại cổ phần của ACV khi theo Luật chỉ cần nắm trên 65% cổ phần là có thể quyết định mọi vấn đề của doanh nghiệp, trong khi hiện tại vốn Nhà nước tại ACV vẫn đang ở mức trên 95%.
Do đó, nên rút lại đề xuất này bởi nó không dựa trên cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn mà lại ảnh hưởng đến nguyên tắc, chủ trương cổ phần hoá của Chính phủ và tâm lý của nhà đầu tư.
CẦN MẠNH DẠN TIẾP TỤC CỔ PHẦN HOÁ ACV
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế
Nếu chỉ viện dẫn lý do an ninh quốc phòng hay việc dễ điều hành để mua lại cổ phần của ACV là chưa thực sự thuyết phục.
Bởi thứ nhất, khi đặt ra chủ trương cổ phần hoá và kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rằng quản lý các cảng hàng không không nhất thiết phải là cơ quan Nhà nước. Về vấn đề an ninh quốc phòng cũng có nhiều biện pháp khác để bảo vệ, không cứ phải là doanh nghiệp có chủ sở hữu 100% vốn Nhà nước.
Thứ hai, rõ ràng trong tiến trình cổ phần hoá ACV hiện nay đang chậm, đúng ra phải quy trách nhiệm cho Bộ GTVT là cơ quan chủ quản của ACV thực hiện cổ phần hoá không thành công. Do vậy, đề xuất mua lại cổ phần của ACV hoàn toàn đi ngược chủ trương chung về thực hiện cổ phần hoá của Chính phủ.
Thứ ba, nhà đầu tư nắm giữ cổ phần của ACV hiện nay chỉ là nhà đầu tư tài chính chứ chưa có nhà đầu tư chiến lược. Trong vấn đề an ninh quốc phòng, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 50 về an ninh quốc phòng khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài và quản lý các dự án cảng hàng không. Việc mua lại cổ phần của ACV cũng không đúng theo chủ trương của Nghị quyết 50.
Thứ tư, hoạt động của ACV nếu quay trở lại thành một Tổng công ty thuộc Bộ GTVT thì thậm chí, nó còn đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ là giảm đến mức thấp nhất việc Bộ chủ quản doanh nghiệp.
Vấn đề ở đây là do đặc điểm sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân. Do đó, nếu đã xác định là không cho các thành phần kinh tế khác tham gia hoặc tham gia hạn chế vì lý do chính trị an ninh quốc phòng thì tốt nhất là 100% vốn Nhà nước.
Còn việc cổ phần hoá xong giữ lại một tỷ lệ vốn Nhà nước nhất định, có thể là chi phối hay không chi phối hoặc thậm chí chi phối tuyệt đối như trường hợp của ACV hay một số ngân hàng thương mại gần đây thì cũng rất khó để quản lý hay xử lý lợi ích của các bên liên quan.
Đối với vụ việc ACV cần phải mạnh dạn cổ phần hoá hơn nữa và tiến tới mô hình không có phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đó.
CẦN THAY ĐỔI CÁCH NGHĨ, KHÔNG NÊN "TRÓI MÌNH" LẠI
PGS, TS. Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Có vẻ như đề xuất của Bộ GTVT về việc mua lại cổ phần của ACV hơi lạ lùng ở chỗ đi ngược lại xu thế, trong khi mục tiêu trước mắt chỉ để giải quyết câu chuyện khi nào đường băng hỏng thì huy động làm dễ hơn về mặt thủ tục.
Với câu chuyện sửa chữa đường băng, đường lăn ở Cảng hàng không Nội Bài, thủ tục pháp lý rất lằng nhằng. Như thế là đi ngược với xu thế và có thể phải chịu tổn thất rất không đáng có.
Việc cổ phần hoá hay chuyển sang công ty cổ phần là để ý kiến của xã hội tham gia vào việc quản trị chứ không chỉ là câu chuyện góp thêm vốn. Nếu chỉ góp vốn mà không có quyền hành gì thì vẫn bị hạn chế về mặt quản trị.
Vì vậy, phải tiếp tục cổ phần hoá ACV nhưng trong quan hệ với tài sản quốc gia hiện nay nên có phương thức khác về an toàn, an ninh. Liệu có nhất thiết tài sản thuộc về Nhà nước do Bộ Tài chính hay do Quốc hội quản lý thì nó mới an toàn, an ninh hay không?
Nếu là tài sản đó giao cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp phải đảm bảo hoạt động của tài sản đó tốt nếu không thì sẽ phải chịu trách nghiệm trước pháp luật thì có khả thi? Ví dụ như Cảng hàng không Vân Đồn chẳng hạn cũng do doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Hoàn toàn có thể thay đổi cách nghĩ trong vấn đề này chứ đừng nên “trói mình” lại.
Việc chi phí để mua lại cổ phần đã bán của ACV cũng là một vấn đề không phải dễ giải quyết. Nếu thực hiện đề xuất này thì chúng ta đang làm một thao tác ngược và gây rắc rối không biết bao giờ mới xử lý được, vừa tốn kém vừa rắc rối về mặt thời gian.
NÊN XEM LẠI MỤC ĐÍCH BAN ĐẦU CỦA CỔ PHẦN HOÁ
TS. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài Chính
Trong bối cảnh hiện nay, nếu bỏ ra 8.000 tỷ để mua lại cổ phần ACV dựa trên lý do mà Bộ GTVT đưa ra thì chưa có căn cứ và không thuyết phục. Thực chất nếu nói là vì lý do an ninh quốc phòng thì các sân bay đâu chỉ phục vụ cho quân sự, hàng ngày các sân bay này phục vụ cho dân sự là chính.
Đồng thời, chủ trương Nhà nước đang tiến hành tư nhân hoá, cổ phần hoá mà đề xuất này lại đi ngược lại chủ trương đó. Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là để tránh việc độc quyền, thất thoát tài sản Nhà nước, tham nhũng, hoạt động kém hiệu quả.
Do đó, khi xem xét việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp đã cổ phần hoá phải xem lại mục đích ban đầu của việc bán cổ phần nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang thâm hụt việc bố trí kinh phí mua lại cổ phần của ACV lên tới 8.000 tỷ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ.