Biến cơ chế trần tín dụng thành cơ hội
Trần tăng trưởng tín dụng buộc các NHTM phải tính toán chặt chẽ hơn cân đối các chỉ tiêu tại các thời điểm trong năm (Ảnh minh họa)
Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã áp sát trần cho phép, theo thông tin từ hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 tổ chức ngày 9/7.
- 06-07-2021"Có ngân hàng có thể được nới room tín dụng tới 20 – 25%"
- 05-07-2021SSI Research: NHNN sẽ chưa thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới, hạn mức tín dụng có thể được nới thêm
Cụ thể, qua nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt khoảng 9,5%, tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu vào khoảng 270%.
Những kết quả cơ bản trên cho thấy Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng rất mạnh chỉ sau 6 tháng, cao hơn nhiều so với mức bình quân ngành (5,1%) và đã áp sát chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước bước đầu giao là 10,5%.
Tương tự Vietcombank, qua nửa đầu năm nay một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã áp sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao cả năm. Hiện nhiều thành viên đều đã có kế hoạch xin Ngân hàng Nhà nước xét duyệt chỉ tiêu mới. Tuy nhiên mới chỉ có số ít trường hợp được nới.
Trước hết, tại thời điểm này một loạt NHTM mới lần lượt được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ. Bước cơ sở này cần thêm thời gian thực hiện để có thêm điều kiện được xem xét nới chỉ tiêu tín dụng (bên cạnh các chỉ tiêu khác nữa).
Mặt khác, như nhiều năm qua, sau thực tiễn 6 tháng đầu năm nhà điều hành mới xem xét cụ thể và linh hoạt điều chỉnh cho mỗi thành viên, thường mở rộng hơn vào đầu quý 4.
Năm nay, bước đầu Ngân hàng Nhà nước xác định kịch bản tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vào khoảng 12%. Dự kiến sẽ có trường hợp cao hơn nhiều so với mức này, và ngược lại.
Còn với các NHTM, trước khi có thể được nới, khi đã áp sát trần chỉ tiêu, thậm chí vừa qua có trường hợp phải tự điều chỉnh vì khả năng vượt quá, hoạt động tín dụng có phần ngột ngạt vì phải căn chỉnh với chỉ tiêu. Thực tế những năm qua, không chỉ Ngân hàng Nhà nước xử lý mà Kiểm toán Nhà nước cũng từng lưu ý một số trường hợp vượt trần.
Tuy nhiên, trở lại với hội nghị của Vietcombank, một lãnh đạo tham dự và trao đổi với BizLIVE về một số thông tin bước đầu.
Trước hết, với 9,8% tăng trưởng tín dụng, Vietcombank cho thấy khả năng thúc đẩy nguồn vốn ra thị trường rất mạnh. Mỗi phần trăm tăng trưởng của ngân hàng có tổng dư nợ lớn này có quy mô con số tuyệt đối bằng nhiều NHTM tầm trung cộng lại. Mức tăng trưởng đó được lý giải một phần còn do Vietcombank tránh để tỷ lệ sử dụng vốn thấp.
Nhưng khi đã áp sát trần chỉ tiêu, giả sử tới đây Ngân hàng Nhà nước chưa nới thêm, hoặc nửa sau 2021 chỉ được nới thêm không nhiều thì Vietcombank phải làm sao?
Vị lãnh đạo nói trên nêu quan điểm với BizLIVE rằng: khi cơ chế chính sách đã định và không thay đổi, các NHTM nên xem đó chính là cơ hội.
Cụ thể, khi đã áp sát giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng, các NHTM cần phải tự tái cơ cấu mình, xem đó là cơ hội để rà soát lại danh mục khách hàng, các phân khúc rót vốn, và đó như một sức ép để phát huy hơn nữa phát triển các sản phẩm dịch vụ.
Có một hướng tái cơ cấu ở đây là dịch chuyển tín dụng sang các phân khúc sinh lời cao hơn (và rủi ro tiềm ẩn có thể cao hơn) để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn trong điều kiện tăng trưởng hạn hẹp; nhưng như vậy cũng có thể sẽ phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn.
Có một hướng cơ cấu khác mà vị lãnh đạo trên nhấn mạnh ở yếu tố cơ hội: NHTM sẽ xem xét điều chỉnh danh mục, cơ cấu khách hàng theo hướng vừa bền vững vừa hiệu quả, an toàn. Đó là thay vì các khoản vay bán buôn lãi suất thấp chuyển sang cho vay bán lẻ có biên tốt hơn, nhưng đi cùng là nâng cao sàng lọc những khách hàng có thu nhập ổn định, có tài sản đảm bảo nhiều hơn, chất lượng tài sản đảm bảo tốt hơn…; hoặc ưu tiên cho vay những khách hàng sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ của mình hơn để đa dạng nguồn thu, phát triển dịch vụ bán chéo.
Theo đó, sự ngột ngạt khi sát trần tín dụng hiện nay được nhìn nhận ở cơ hội để ngân hàng phải tự cơ cấu lại danh mục theo hướng an toàn, bền vững hơn, hiệu quả hơn ở kết hợp phát triển các sản phẩm dịch vụ khác.
Liên quan đến tín dụng, một tiêu chí mà Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nhìn đến là lợi nhuận. Lợi nhuận ngân hàng A nếu cao vì đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mà không chú trọng tiết giảm chi phí và hạ được lãi suất cho vay thì khác với ngân hàng B lợi nhuận thấp vì giảm được lãi suất hỗ trợ khách hàng. Như vậy khả năng ngân hàng B sẽ được "ưu tiên" hơn khi xem xét nới chỉ tiêu tín dụng, và ngược lại.
Tuy nhiên, ý kiến vị lãnh đạo trên cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cụ thể cấu thành của lợi nhuận, các chỉ tiêu liên quan như tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu… Bởi lẽ, có những NHTM lợi nhuận thấp không hẳn do tập trung giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, mà vì các vấn đề nội tại của họ.
Bizlive