MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến đổi vi diệu tại cơ quan tối cao hé lộ quyền lực mới của "nhân vật số 3" Trung Quốc

05-05-2021 - 15:10 PM | Tài chính quốc tế

Những thay đổi đáng kể về quyền hạn của Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân đại toàn quốc, tức Quốc hội) Trung Quốc đã được thông qua tại kỳ họp toàn thể hồi đầu tháng 3.

Phiên họp lần thứ 29 của Ban thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc (NPCSC) khóa 13 diễn ra từ 28 đến 30/4 vừa qua chưa đưa ra bất kỳ điều chỉnh nào liên quan đến bộ máy chính phủ, tuy nhiên trên thực tế những thay đổi lớn về mặt tổ chức ở cơ quan quyền lực tối cao nước này đã trao cho Ban thường vụ của họ quyền hạn điều chỉnh nhân sự một cách linh hoạt, vào thời điểm gần hai năm trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra năm 2022.

Tại kỳ họp thường niên năm nay, gần 2.900 đại biểu Nhân đại Trung Quốc ngày 11/3 đã biểu quyết thông qua Quyết định về sửa đổi Luật tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Đây là đợt sửa đổi quy mô lớn nhất đối với Luật tổ chức của Nhân đại Trung Quốc, vốn được thông qua tại kỳ họp Nhân đại tháng 12/1982. Quyết định sửa đổi mở rộng quyền hạn của Ban thường vụ Nhân đại gồm khoảng 170 người trong việc bổ nhiệm và bãi nhiệm "các thành viên khác trong tổ chức" của Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương, mà không cần thông qua quy trình phức tạp đòi hỏi triệu tập phiên họp toàn thể của Nhân đại.

Biến đổi vi diệu tại cơ quan tối cao hé lộ quyền lực mới của nhân vật số 3 Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh: AP

Biến động quyền lực "vi diệu"

Luật tổ chức Nhân đại Trung Quốc năm 1982 - cùng năm nước này thông qua Hiến pháp 1982 - xác định vai trò và phạm vi chức trách của Nhân đại và NPCSC đối với các cơ quan nhà nước.

Quyết định sửa đổi ngày 11/3, có hiệu lực từ ngày 12/3, đưa ra đến 38 điều chỉnh, trong đó đáng chú ý nhất là quyền bổ nhiệm/miễn nhiệm quan chức của Ban thường vụ.

Theo luật sửa đổi, trong thời gian Quốc hội không họp, NPCSC có thể căn cứ đề cử của Thủ tướng để quyết định bổ nhiệm/miễn nhiệm các thành viên khác của Quốc vụ viện; có thể căn cứ đề cử của Chủ tịch Quân ủy trung ương để quyết định bổ nhiệm/miễn nhiệm các thành viên khác của Quân ủy trung ương.

Trang Đa Chiều chỉ ra, "các thành viên khác" đề cập trong văn bản sửa đổi Luật tổ chức Nhân đại Trung Quốc bao gồm cả các chức vụ Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ. Đạo luật trước đây không liệt kê quyền bổ nhiệm/miễn nhiệm của NPCSC mà chỉ mô tả là theo "quy định của Hiến pháp".

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo tháng 3/2008 từng đăng tải diễn giải của Ủy viên Ban thường vụ Nhân đại Chen Sixi, nói rằng Ban thường vụ có quyền hạn bổ nhiệm/miễn nhiệm đối với các Bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban, Tổng kiểm toán, Chánh văn phòng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước,... thuộc Quốc vụ viện, và với các thành viên "khác" của Quân ủy trung ương - tức các Phó chủ tịch và Ủy viên Quân ủy.

Trong một điều khoản sửa đổi khác, NPCSC có quyền lực tước bỏ chức vụ của các quan chức chính phủ đương nhiệm dựa trên đề xuất của Thủ tướng hoặc Ủy viên trưởng Nhân đại (tức Chủ tịch Quốc hội). Quy định này trao ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cho Ban thường vụ trong xử lý cách chức đối với các quan chức, cũng như cân bằng "quyền đề xuất" giữa Thủ tướng và Ủy viên trưởng.

Quy định sửa đổi cũng bổ sung quyền quyết định "tước bỏ chức vụ" của các thành viên Quân ủy trung ương theo đề nghị của Chủ tịch Quân ủy - người thường đồng thời giữ chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc. Trước đây, Ban thường vụ chỉ có quyền quyết định ứng viên, trong khi quyền cách/miễn chức các thành viên Quân ủy trung ương thuộc về toàn thể Nhân đại.

Trung Quốc chuẩn bị cho Đại hội đảng khóa 20

Đa Chiều bình luận, Luật tổ chức Nhân đại sửa đổi trên thực tế là sự phân bổ quyền lực lớn hơn đối với Ủy viên trưởng - nhân vật quyền lực thứ 3 trong Ban thường vụ Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, sau Tổng bí thư và Thủ tướng Trung Quốc.

Ủy viên trưởng Nhân đại được cho là sẽ nắm quyền giám sát trực tiếp hơn đối với các thành viên Quốc vụ viện ngoài Thủ tướng, đồng thời củng cố tiếng nói đối với Thủ tướng.

Mục tiêu quan trọng hơn của cơ chế mới là tạo ra bước đệm cho Đại hội đảng khóa 20 của Trung Quốc bởi việc sửa đổi quyền hạn của NPCSC ảnh hưởng trực tiếp đến các vị trí cấp phó của nhà nước và lãnh đạo quốc gia, đặc biệt là chức vụ Phó Thủ tướng thứ nhất - thường cũng là một thành viên trong Ban thường vụ Bộ chính trị.

Những điều chỉnh mới cho phép ban lãnh đạo Trung Quốc hành động linh hoạt và kịp thời hơn nhằm xúc tiến quy hoạch các vị trí cấp cao.

So với kỳ họp toàn thể mỗi năm 1 lần của Nhân đại thì các phiên họp của NPCSC có thể triệu tập thường xuyên và nhanh chóng hơn, đồng thời khiến quyền lực tập trung hơn và đơn giản hóa quy trình.

Theo Hải Võ

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên