Biến động tại Yeah1: Cổ đông lớn và Chủ tịch HĐQT lần lượt thoái hàng triệu cổ phiếu
Bà Trần Uyên Phương lần thứ 2 cắt lỗ cổ phiếu Yeah1, không còn cổ đông lớn từ 26/5. Chủ tịch HĐQT cùng cổ đông lớn lâu năm VinaCaipital thoái hết vốn. Yeah1 trình phương án chào bán riêng lẻ 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp.
Cổ đông lớn và Chủ tịch “ồ ạt” thoái vốn
Bà Trần Uyên Phương thông báo đã bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu Tập đoàn Yeah1 ( HoSE: YEG ), giảm sở hữu xuống 262.624 đơn vị, tỷ lệ giảm từ 13,98% xuống 0,84%.
Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở 26/5. Ngay trong phiên giao dịch này, cổ phiếu YEG có giao dịch thỏa thuận 4,1 triệu cổ phiếu, giá trị 64,5 tỷ đồng (giá bình quân 15.730 đồng/cp), khả năng cao đây là giao dịch của bà Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát.
“Ái nữ” nhà Tân Hiệp Phát bắt đầu đầu tư vào Yeah1 từ tháng 2-3/2020 khi cổ phiếu YEG ở vùng 50.000 đồng/cp. Sau gần 1 năm rưỡi nắm giữ, bà Phương bắt đầu thoái vốn khi mã chứng khoán YEG rơi về vùng 15.000-16.000 đồng/cp. Đến đầu năm nay, sau loạt giao dịch thoái vốn, nhà đầu tư này lại mua thỏa thuận 3,7 triệu cổ phiếu từ ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT để trở lại làm cổ đông lớn của công ty, mức giá mua lại ở vùng 22.000 đồng/cp.
Như vậy, giao dịch bán ngày 26/5 có thể là động thái bán cắt lỗ lần thứ 2 của bà Uyên Phương.
Trước đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch tập đoàn cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG từ 1/6 đến 10/6. Không chỉ vậy, trong tháng 4, một cổ đông lớn lâu năm khác là DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd thông báo đã bán toàn bộ 1,52 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận. DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd là cổ đông đã đồng hành cùng Yeah1 từ 2008, thời điểm doanh nghiệp này còn trong quá trình khởi nghiệp.
Diễn biến cổ phiếu YEG trong 5 năm qua. Nguồn: TradingView
Hoạt động kinh doanh chính chưa khởi sắc
Yeah1 được mệnh danh là “kỳ lân” startup, doanh nghiệp truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam và gây tiếng vang với mức giá chào sàn 250.000 đồng/cp, lập kỷ lục trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, sau sự cố YouTube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với đơn vị liên quan vào tháng 3/2019, Yeah1 bắt đầu lao dốc cả về hoạt động kinh doanh lẫn giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Cụ thể, từ mức giá trên 300.000 đồng/cp, YEG hiện giao dịch quanh vùng 16.000 đồng/cp.
Đồng thời, việc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ScaleLab để xử lý khủng hoảng đã khiến Yeah1 phải ghi nhận lỗ ròng liên tiếp 385 tỷ đồng năm 2019 và 182 tỷ đồng năm 2020.
Qua 2 năm giải quyết hậu quả, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thừa nhận đặt mục tiêu tăng trưởng dựa trên các nền tảng YouTube, Google… đã khiến doanh nghiệp phải trả giá. Do vậy, Yeah1 phải tập trung vào truyền thông thương mại, xây dựng nền tảng Giga1 để giải quyết được khâu bán hàng cho các đơn vị sản xuất vừa và nhỏ bằng cách giúp các thương hiệu này phổ biến hơn và xây dựng nhiều điểm bán.
Tuy nhiên, dịch covid-19 bùng phát khiến cho hướng đi mới này của Yeah1 gặp nhiều thách thức, doanh thu đã phát sinh nhưng chưa bù đắp được chi phí. Trong cơ cấu doanh thu năm 2021, quảng cáo truyền thông kỹ thuật số vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất 82%, quảng cáo truyền hình 9%, bán lẻ (Giga1) 8% và phần còn lại là dịch vụ thương mại truyền thông.
Doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm 12% xuống 1.079 tỷ đồng và có lãi ròng gần 20 tỷ đồng năm 2021 nhờ ghi nhận doanh thu tài chính từ thoái vốn các công ty con.
Trong quý IV/2021, tập đoàn đã dồn dập hoàn tất các thương vụ thoái vốn tại nhiều công ty con. Vào ngày 27/12/2021, Yeah1 hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Netlink Online Corporation và Công ty TNHH Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam với tổng giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 270 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi tài chính 210 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2021, Yeah1 tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại CTCP Yeah1 Edigital với tổng giá trị chuyển nhượng là 298 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi 147 tỷ đồng vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Đơn vị: tỷ đồng |
Quý I năm nay, Yeah1 có lãi nhẹ 872 triệu đồng nhờ thu nhập khác đến từ kiện tụng pháp lý 17 tỷ đồng. Trong khi doanh thu thuần giảm mạnh 77% xuống 67,5 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn mạnh lên gần 1.100 tỷ đồng
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, Yeah1 sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm hoàn thiện công tác tái cơ cấu tập đoàn; huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, nắm bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là mảng Digital – Tech Media; cải tiến mô hình kinh doanh bán lẻ; nắm bắt cơ hội kinh doanh mới như Fintech.
Kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu hợp nhất 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 24,7 tỷ đồng, tăng 25%.
Ngoài ra, doanh nghiệp có kế hoạch chào bán 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp. Qua đó, vốn điều lệ Yeah1 tăng từ 313 tỷ đồng lên gần 1.100 tỷ đồng. Yeah1 huy động vốn để mở rộng hoạt động đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ (Dicital – Tech Media), công nghiệp (Tech) và công nghệ - tài chính (Fintech), các lĩnh vực liên quan khác để hoàn thiện hệ sinh thái (573 tỷ đồng); đầu tư hạ tầng công nghệ (73 tỷ đồng) và trả nợ vay (141 tỷ đồng).
Lần tăng vốn gần nhất của tập đoàn là năm 2018, thời điểm IPO để niêm yết trên HoSE. Yeah1 đã chào bán 3,91 triệu cổ phiếu giá 300.000 đồng/cp cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Qua đó, doanh nghiệp tạo được thặng dự vốn hơn 1.100 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2020, tập đoàn đã giải ngân hết cho mảng kỹ thuật số, thương mại truyền thông, bổ sung vốn lưu động và mua cổ phiếu quỹ.
NDH