MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch SAGS tiết lộ cảnh khốn khó của ngành hàng không khi 20-30% máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet lỗi động cơ

27-04-2024 - 00:07 AM | Doanh nghiệp

Sân bay Long Thành quyết định sự tồn tại và phát triển trong tương lai của Công ty - Chủ tịch CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn nói tại ĐHCĐ thường niên.

Sáng ngày 25/4/2024, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, mã chứng khoán SGN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.499 tỷ đồng, tương đương năm trước. SGN dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, tăng gần 6%.

Năm nay, Công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới khách hàng, củng cố thương hiệu và giữ gìn khách hàng và phát triển khách hàng mới.

SGN cũng nhấn mạnh sẽ dồn mọi nguồn lực cho việc đấu thầu tại Sân bay Long Thành – siêu dự án hứa hẹn cho ngành hàng không dự kiến triển khai giai đoạn 1 từ năm 2026. Theo đó, SGN sẽ tham gia đấu thầu dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 01 và 02 - Cảng HKQT Long Thành.

SÂN BAY LONG THÀNH QUYẾT ĐỊNH SỰ TỒN TẠI CỦA CÔNG TY

Nói về tầm quan trọng của Sân bay Long Thành, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch HĐQT SGN nhấn mạnh: "Sân bay Long Thành quyết định sự tồn tại và phát triển trong tương lai của Công ty. Theo phương án nghiên cứu khả thi (FS), trong giai đoạn 1 thì có đến 80% đường bay quốc tế sẽ chuyển về Long Thành. Như vậy nếu không thắng thầu ở sân bay Long Thành, chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều khi các chuyến bay quốc tế ở Tân Sơn Nhất bị chuyển về Long Thành. Sân bay Long Thành sẽ quyết định sự tồn tại của Công ty trong những năm tới".

Tại Sân bay Long Thành, SGN cho biết sẽ phát triển nhiều dịch vụ khác nữa, không chỉ phục vụ mặt đất cho các hãng hàng không. Trong đó, SGN sẽ liên kết các dịch vụ nằm trong hệ sinh thái của ACV, chẳng hạn như hoạt động trong nhà ga, hoạt động hàng hoá... Đây cũng là những định hướng mới của Công ty thời gian tới.

Theo kế hoạch đề ra, nếu trúng thầu ở Long Thành, SGN sẽ chi gần 174 tỷ đồng, trong đó có 51 tỷ đồng cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (thiết bị sân đỗ, công nghệ thông tin và chuẩn bị cho Cảng HKQT Long Thành) và 123 tỷ đồng cho việc đầu tư trang thiết bị tại Cảng HKQT Long Thành.

Chủ tịch SAGS tiết lộ cảnh khốn khó của ngành hàng không khi 20-30% máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet lỗi động cơ- Ảnh 1.

TÀU NGỪNG BAY CHIẾM 20-30% LƯỢNG TÀU CỦA VIETNAM AIRLINES VÀ VIETJET

Đánh giá về tình hình kinh doanh năm 2024, lãnh đạo SGN cho rằng ngành hàng không sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí còn khó hơn cả năm 2023. Nguyên nhân do quá trình phục hồi của thị trường quốc tế vẫn còn chậm vì nhiều yếu tố như chiến tranh, xung đột, căng thẳng chính trị, lạm phát và sự giảm tốc của kinh tế thế giới. Điều này dẫn tới thu nhập của người dân các nước giảm xuống và khiến nhu cầu đi lại du lịch của thế giới không được như trước đây. Do đó, tăng trưởng phục hồi sẽ chậm.

Hiện, 2 thị trường khách du lịch lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Nga đều bị ảnh hưởng. Trong khi kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và Chính phủ nước này có xu hướng kích cầu du lịch nội địa chứ không du lịch quốc tế; thì ở Nga, cuộc chiến tranh kéo dài và biện pháp trừng phạt đang gây khó khăn cho ngành du lịch của nước này.

Với hàng không trong nước, SGN đánh giá sau 2 năm dịch, các hãng bay đã bị giảm sút đáng kể về nguồn lực. Đơn cử, đội ngũ tàu bay của các hãng bay đã giảm sâu, nhất là Bamboo Airways, từ 30 tàu chỉ còn 7-8 tàu.

Còn hai hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) và Vietjet Airs (mã chứng khoán VJC) thì đội ngũ tàu bay bị ảnh hưởng bởi động cơ NEO 320-321 gặp trục trặc, do đó phải ngưng để khắc phục. Đáng chú ý, thông tin từ SGN cho biết lượng tàu ngừng khai thác đã chiếm 20-30% tàu bay của hai hãng này.

Đội tàu bay của Vietnam Airlines và Vietjet Airs bị ảnh hưởng do động cơ NEO 320-321 gặp trục trặc, phải ngưng 20-30% đội tàu để khắc phục. Bamboo Airways giảm từ 30 tàu bay về 7-8 tàu

"Như thế mới thấy rằng năng lực vận chuyển của các hãng đã thu hẹp, trong khi tình hình tài chính cũng suy yếu rất nhiều. Ngành hàng không vẫn bị ảnh hưởng và chưa quay trở lại, các hãng hàng không không nâng dc năng lực khai thác và còn chậm trả cho các nhà cung cấp dịch vụ như SGN", Chủ tịch SGN nhấn mạnh.

Về phần SGN, trong năm 2023, Công ty đã trích lập dự phòng 70% với khoản phải thu ở Bamboo Airways (đã trích lập 53.6 tỷ đồng), đồng thời cũng trích lập 6.6 tỷ đồng với khoản phải thu từ Vietravel Airlines.

Nhìn lại 2023, SGN ghi nhận doanh thu 1.455 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 227,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 65% so với quý 4/2022 qua đó vượt kế hoạch đã đề ra. Đây được xem là kết quả ấn tượng khi riêng quý 4/2023 SGN sụt giảm lợi nhuận giảm sâu do việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi các hãng bay.

Với kết quả trên, SGN trình cổ đông phương án chi trả cổ tức 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, tương ứng chi ra gần 84 tỷ đồng.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên